Theo số liệu mới công bố từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 20/5, tốc độ tăng trưởng tín dụng đến 20/5 đạt 7,66% và đến 27/5 có thể ở mức 7,75% so với cuối năm 2021, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết tăng trưởng tín dụng dàn trải, đồng đều ở nhiều lĩnh vực. Đặc biệt những mảng có khó khăn nhiều (du lịch, khách sạn,…) cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh trên 8%, cao hơn mức tăng trưởng chung; tín dụng lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp phụ trợ tăng 7,6%.
Cùng với đó, ngay từ đầu năm NHNN đã chỉ đạo, định hưởng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán,...
Đến cuối tháng 4/2022, luỹ kế giá trị nợ đã được cơ cấu kể từ khi ban hành Thông tư 01 là hơn 695.000 tỷ đồng cho trên 1,1 triệu khách hàng. Dư nợ cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ hiện còn hơn 198.000 tỷ đồng của gần 680.000 khách hàng.
Luỹ kế giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ là gần 91.000 tỷ đồng cho gần 450.000 khách hàng. Dư nợ miễn giảm lãi giữ nguyên nhóm nợ hiện còn gần 18.000 tỷ đồng của hơn 166.000 khách hàng.
Phó Thống đốc nhận định: "Tôi theo sát và thấy tăng trưởng này dàn trải tương đối đồng đều, nhất là đối với lĩnh vực khó khăn nhiều do dịch bệnh trong 5 tháng qua tín dụng tăng còn nhanh hơn mức chung của cả nước với 7,75% đến hôm nay. Tăng trưởng ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, du lịch, giao thông, vận tải thậm chí còn lên 8,25%. Lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp phụ trợ cũng tăng cao, trên 7,6%, bằng mức tăng chung của cả nước”, ông Tú nói.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, dòng vốn tín dụng đã được định hướng và giải ngân tích cực, là sự phối hợp điều hành nhịp hàng chính sách tài khoá và và chính sách tiền tệ.