TANDTC cần ban hành thêm án lệ, nghị quyết hướng dẫn áp dụng Bộ luật dân sự

Mai Thoa| 05/08/2020 07:23
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhiều quy định pháp luật liên quan đến Bộ luật dân sự, các luật chuyên ngành bị mâu thuẫn, chồng chéo gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án của Tòa án… nên cần ban hành thêm án lệ, nghị quyết hướng dẫn.

Mới đây, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã họp và cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản QPPL của các bộ, cơ quan ngang bộ đã chỉ ra những bất cập và có những đề xuất, kiến nghị.

11 nhóm văn bản được rà soát

Theo dự thảo Báo cáo của Chính phủ, các Nhóm rà sóat đã tổ chức rà soát 11 nhóm văn bản QPPL; đến nay, cơ bản đã hoàn thành việc rà soát hơn 4500 văn bản QPPL; tiếp nhận và nghiên cứu tiếp thu 109 văn bản của các Hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân về 4162 nội dung kiến nghị, phản ánh. Hiện các bộ, cơ quan ngang bộ đã thực hiện việc rà soát đối với hơn 7400 văn bản QPPL.

Liên quan đến Tòa án có nhóm quy định liên quan đến hợp đồng, giải quyết tranh chấp phát sinh trong kinh doanh, phá sản doanh nghiệp; các cơ quan đã rà soát tổng số 175 văn bản (trong đó gồm 51 bộ luật, luật; 03 Pháp lệnh, Nghị quyết; 56 Nghị định và 65 Thông tư, Thông tư liên tịch).

Rà soát các quy định pháp luật về hợp đồng cho thấy, có 33 văn bản có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập; không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển, trong đó có 21 văn bản có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bao gồm: 03 văn bản có quy định mâu thuẫn, chồng chéo với văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn; 18 văn bản có quy định mâu thuẫn, chồng chéo với văn bản do cùng một cơ quan ban hành.

TANDTC cần ban hành thêm án lệ, nghị quyết hướng dẫn áp dụng Bộ luật dân sự

Cuộc họp Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL

Các quy định về hợp đồng tồn tại trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, gồm cả pháp luật nội dung và pháp luật hình thức, pháp luật điều chỉnh quan hệ quản lý nhà nước và quan hệ tư; văn bản luật và văn bản dưới luật dẫn đến những mâu thuẫn, chồng chéo, trùng lặp; chưa thực sự đảm bảo nguyên tắc tự do ý chí trong quan hệ hợp đồng,…

Còn một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về giải quyết tranh chấp phát sinh trong kinh doanh và phá sản doanh nghiệp chưa được áp dụng thống nhất do các quy định còn chung chung hoặc chưa có pháp luật điều chỉnh, dẫn đến việc áp dụng còn tùy nghi.
Cụ thể: Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010, 2019): Mâu thuẫn về cách tính thời hiệu khởi kiện, căn cứ đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng kinh doanh bảo hiểm và xác định hợp đồng vô hiệu; Chưa tương thích về yếu tố lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại;

Với Luật Công chứng năm 2014: quy định chưa thống nhất với nhau về đối tượng có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

Còn Luật Trọng tài thương mại năm 2010: Luật Nhà ở năm 2014: chưa quy định thống nhất về thẩm quyền của Trọng tài trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa các bên hoặc một bên có hoạt động thương mại liên quan đến nhà ở. Luật Nhà ở năm 2014 không ghi nhận thẩm quyền của Trọng tài giải quyết các tranh chấp phát sinh liên quan đến nhà ở, dẫn đến cách hiểu là Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp phát sinh giữa các bên hoặc một bên có hoạt động thương mại liên quan đến nhà ở.

Đáng chú ý, qua rà soát thấy rằng có mâu thuẫn, chồng chéo ngay tại chính văn bản ban hành.

Đó là BLTTDS năm 2015 có quy định chưa thống nhất đối với trường hợp không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án; Luật Phá sản năm 2014 quy định còn chồng chéo, chưa phân định rõ trách nhiệm của Thẩm phán và cơ quan THADS trong việc giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

BLTTDS năm 2015: nhiều nội dung quy định chưa rõ, chưa cụ thể dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện hoặc áp dụng không thống nhất, như quy định thông điệp dữ liệu điện tử theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là nguồn chứng cứ, tuy nhiên lại chưa quy định cách thức thu thập chứng cứ điện tử này như thế nào, quy trình ra sao; Quy định về giao nộp chứng cứ.

Khi đã có yêu cầu của Thẩm phán nhưng đương sự không giao nộp hoặc không giao nộp đầy đủ chứng cứ mà không có lý do chính đáng thì Tòa án sẽ giải quyết vụ việc dựa trên những chứng cứ đang có tại Tòa. Tuy nhiên tiêu chí đánh giá “không có lý do chính đáng” là chưa cụ thể dẫn đến việc áp dụng không được thống nhất. ...

Luật Phá sản năm 2014 có một số nội dung quy định chưa rõ hoặc chưa có quy định cụ thể khiến cho việc áp dụng pháp luật khó khăn, không thống nhất như chưa có quy định phân định rõ trách nhiệm của cơ quan THADS và Thẩm phán;

Chưa có quy định nào bắt buộc các quản tài viên phải tham gia vụ phá sản khi được chỉ định dẫn đến tình trạng hết thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản vẫn chưa chỉ định được Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản…

TANDTC cần ban hành thêm án lệ

Với những bất cập, chồng chéo nêu trên, Chính phủ cho rằng các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ sự cần thiết của quy định mang tính đặc thù (khác biệt với BLDS), trong trường hợp không có lý do thể hiện đặc thù của pháp luật chuyên ngành thì cần sửa đổi các quy định còn có sự khác biệt với BLDS năm 2015 để đảm bảo đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đồng thời, quy định về hợp đồng trong một số văn bản Luật cần sớm được sửa đổi, bổ sung như sau: Luật Thương mại năm 2005, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật đất đai năm 2013, Luật Xây dựng năm 2015, Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014.

Trong thời gian tới, các bộ, ngành cần nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành một số văn bản như: Nghị định của Chính phủ về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; phối hợp, đề xuất TANDTC ban hành thêm án lệ, Nghị quyết hướng dẫn áp dụng BLDS và các văn bản luật có liên quan.

Dự thảo Báo cáo của Chính phủ được lấy ý kiến để trình Quốc hội cho ý kiến trong thời gian tới.

Đại diện các bộ ngành có liên quan cũng đã cho ý kiến về kết quả rà soát văn bản; cho ý kiến về một số công việc cần phải triển khai trong thời gian tới để bảo đảm tính chính xác của những phát hiện về quy định chồng chéo, mâu thuẫn, không phù hợp với thực tiễn; sự rõ ràng, khả thi của các kiến nghị xử lý văn bản…

Theo đại diện TANDTC, kết quả rà soát chỉ ra rất nhiều bất cập, chồng chéo liên quan đến lĩnh vực tố tụng,  nhưng chưa chỉ ra cụ thể nội dung gì chồng chéo và cần phải sửa những nội dung nào, ra sao.

Về nhóm vấn đề có nhóm liên quan đến Tòa án, nhóm về hợp đồng và  phá sản,  báo cáo nêu chưa đủ; chưa phân định rõ ràng Thẩm phán hay Cơ quan Thi hành án  kiếm soát đối với Quản tài viên.

Bên cạnh đó, những vướng mắc, hay vấn đề bức xúc xã hội thường ở con người- ở cán bộ giải quyết công việc. Như lĩnh vực Thi hành án dân sự chẳng hạn, nếu thi hành tốt thì đơn thư giám đốc thẩm đến Tòa án không nhiều như hiện nay. Vì vậy đề nghị báo cáo của Chính phủ bên cạnh thống kê những bất cập, chồng chéo cần sửa đổi thì cũng cần có đánh giá về việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ trong lĩnh vực này để có được bức tranh hoàn chỉnh cần sửa đổi.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị các Nhóm rà soát văn bản, các bộ, cơ quan ngang bộ chưa hoàn thành việc rà soát cần khẩn trương gửi Báo cáo rà soát về Bộ Tư pháp để Tổ công tác cho ý kiến trước khi trình Chính phủ. Việc rà soát văn bản QPPL cần bám sát tiêu chí là xác định quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, từ đó đề xuất điều chỉnh để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật. Các Phụ lục kết quả rà soát cần được thể hiện khoa học, rõ ràng; các nội dung kiến nghị bảo đảm xác đáng.
 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TANDTC cần ban hành thêm án lệ, nghị quyết hướng dẫn áp dụng Bộ luật dân sự