Đề xuất đưa phát triển án lệ vào chỉ tiêu thi đua ngành Tòa án

Mai Thoa| 19/12/2019 15:44
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Án lệ có vai trò không thể thiếu trong hệ thống tư pháp của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, việc nghiên cứu, viện dẫn án lệ sẽ giúp cho Toà án kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác xét xử.

Thẩm quyền đề xuất lựa chọn án lệ

Theo Báo cáo của Nhóm nghiên cứu phát triển án lệ Việt nam, việc lựa chọn, ban hành án lệ, xác định trách nhiệm của Thẩm phán và Hội đồng xét xử phải nghiên cứu, áp dụng án lệ trong xét xử chắc chắn sẽ có hiệu quả rất lớn trong việc hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc xét xử oan, sai. Đây cũng là một trong những phương thức hữu hiệu để bảo đảm công lý, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Tòa án.

Ngày 28/10/2015, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Trên cơ sở Nghị quyết này, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành 26 án lệ. Các án lệ được công bố đã góp phần bổ khuyết cho hệ thống pháp luật, tạo tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của Tòa án; đồng thời, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử.

Tuy nhiên, sau hơn 03 năm thi hành, việc áp dụng Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP đã phát sinh những vướng mắc, bất cập nên ngày 18/6/2019, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ thay thế Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP.

Theo nghị quyết mới này, quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ gồm các bước: Đề xuất bản án, quyết định để phát triển thành án lệ; Lấy ý kiến đối với bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ; Thành lập Hội đồng tư vấn án lệ; Lấy ý kiến Hội đồng tư vấn án lệ; Thông qua và công bố án lệ.

Đề xuất đưa phát triển án lệ vào chỉ tiêu thi đua ngành Tòa án

Quang cảnh hội thảo

Với quy trình này, cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể gửi đề xuất bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí lựa chọn án lệ cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ. Các Tòa án có trách nhiệm tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí lựa chọn án lệ và gửi cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ.

Theo quy định tại Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP, nhiệm vụ rà soát, phát hiện bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình để đề xuất phát triển án lệ gửi về Tòa án nhân dân tối cao cũng được giao trực tiếp cho Tòa án nhân dân cấp huyện.

Theo đó, Tòa án cấp huyện có thẩm quyền đề xuất bản án, quyết định để phát triển thành án lệ của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án cấp cao không nhất thiết phải có sự tham gia ý kiến của Ủy ban Thẩm phán Tòa án đó. Nghị quyết không quy định về việc các Tòa án phải gửi báo cáo đánh giá thực tiễn xét xử và pháp luật liên quan đến đề xuất lựa chọn án lệ cũng như việc định kỳ tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ.

Đề xuất đưa phát triển án lệ vào chỉ tiêu thi đua

Đến nay, TANDTC đã ban hành 29 án lệ. Những án lệ này ngay sau khi được công bố, các Tòa án đã chủ động nghiên cứu để viện dẫn, áp dụng khi giải quyết các vụ việc tương tự; phân tích, viện dẫn án lệ trong các bản án, quyết định; bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý giống nhau phải được giải quyết như nhau; qua đó bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử tại các Tòa án. Theo số liệu thống kê đến ngày 02/12/2019, có 602 bản án, quyết định của các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ.

Theo quy định tại Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP thì các Tòa án có trách nhiệm tổ chức rà soát, phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mình chứa đựng lập luận, phán quyết đáp ứng các tiêu chí lựa chọn án lệ và gửi cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ.

Tuy nhiên, thực tiễn công tác phát triển án lệ cho thấy chỉ có một số ít các Tòa án, đơn vị gửi đề xuất án lệ (như Tòa án nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Đăk Lăk, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vụ Giám đốc kiểm tra III,…). Các Thẩm phán khi soạn thảo bản án, quyết định đã phân tích, lập luận về tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý nhưng chủ yếu tập trung giải quyết tình huống pháp lý cụ thể trong vụ án đó mà chưa hướng đến việc khái quát tình huống pháp lý và giải pháp pháp lý có thể áp dụng cho các vụ việc có tính chất tương tự.

Từ thực tiễn nêu trên, Nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm khuyến khích hoạt động đề xuất án lệ, tăng cường viện dẫn án lệ. Theo đó, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao quán triệt Tòa án các cấp, các đơn vị trực thuộc hiện nhiệm vụ rà soát, phát hiện, bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật để đề xuất phát triển thành án lệ. Hàng năm, các Tòa án cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp cao, các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao có liên quan phải đề xuất ít nhất 01 bản án, quyết định là nguồn để phát triển án lệ.

Đáng chú ý, Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất đưa nội dung về đề xuất, phát triển án lệ thành một nội dung thi đua trong toàn hệ thống Tòa án; kịp thời khen thưởng các Thẩm phán có bản án, quyết định được lựa chọn phát triển thành án lệ; khen thưởng xứng đáng đối với các tập thể, cá nhân trong và ngoài hệ thống Tòa án có nhiều đề xuất bản án, quyết định được lựa chọn phát triển thành án lệ…

Có thể thấy rằng, việc xây dựng và phát triển án lệ ở Việt Nam là vấn đề mới nên cần có bước đi thận trọng, phù hợp để vừa phát huy được những giá trị tích cực vốn có của án lệ. Về mặt xã hội, việc xây dựng và phát triển án lệ là một trong những phương thức hữu hiệu bảo đảm công lý, góp phần duy trì, ổn định trật tự pháp luật trong đời sống xã hội, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Tòa án. Vì vậy, việc đề xuất xây dựng, phát triển án lệ là nhiệm vụ rất quan trọng của ngành Tòa án hiện nay.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất đưa phát triển án lệ vào chỉ tiêu thi đua ngành Tòa án