Ngày19/8/2022, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà xét xử trực tuyến đầu tiên vụ án hành chính sơ thẩm về việc ông T. B. N. khiếu kiện đối với Quyết định hành chính của Chủ tịch UBND TP Hà Nội trong lĩnh vực quản lý đất đai với hai điểm cầu gồm: Điểm cầu Trung tâm tại trụ sở TAND TP Hà Nội và điểm cầu thành phần tại trụ sở UBND quận Bắc Từ Liêm.
Giữ vai trò chủ toạ và điều hành phiên toà là Thẩm phán Nguyễn Hồng Lam - Phó Chánh Toà Hành chính, TAND TP Hà Nội.
Theo ghi nhận của phóng viên, do công tác chuẩn bị chu đáo nên phiên toà trực tuyến diễn ra bảo đảm tại 2 điểm cầu với đầy đủ hình ảnh, âm thanh và các đương sự tham gia đầy đủ các trình tự, thủ tục tố tụng bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai giúp cho việc tranh tụng được đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Theo nội dung vụ án, Người khởi kiện yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội sửa đổi Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai theo hướng: Giao UBND quận Bắc Từ Liêm điều chỉnh Quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường bổ sung đối với 13,3 m2 đất đã bị thu hồi để thực hiện Dự án Đầu tư mở rộng đường vành đai III đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long (Hà Nội).
Tại phiên toà, Hội đồng xét xử đã làm rõ tính hợp pháp và có căn cứ của quyết định hành chính bị kiện và các quyết định hành chính có liên quan.
Qua tranh tụng, xét thấy yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện là không có căn cứ nên Hội đồng xét xử đã tuyên án quyết định bác yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện.
Xét xử trực tuyến là bước tiến phù hợp xu thế hiện đại
Trao đổi về những nội dung liên quan đến việc Toà án triển khai tổ chức các phiên toà trực tuyến với phóng viên Báo Công lý, Thẩm phán Nguyễn Hồng Lam- Phó Chánh Toà Hành chính, TAND TP Hà Nội, người giữ vai trò chủ toạ phiên toà xét xử vụ án nêu trên cho biết, là người giữ vai trò chủ tọa phiên tòa sơ thẩm theo hình thức trực tuyến đối với vụ án hành chính đầu tiên của TAND TP Hà Nội tôi nhận thấy đây vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm trong việc tiên phong hoạt động xét xử trực tuyến đối với phiên tòa trực tuyến các vụ án hành chính của TAND hai cấp TP Hà Nội.
Phiên tòa trực tuyến không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà còn cho cả lâu dài khi mà việc áp dụng và triển khai đi vào quy củ và khắc phục được những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Việc xét xử trực tuyến nhằm hỗ trợ và dần thay thế phiên tòa trực tiếp, giúp cho Tòa án nâng cao chất lượng xét xử, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân các cấp. Phiên tòa trực tuyến còn một phần giúp cho công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đạt kết quả tốt hơn.
Trong thời điểm TAND TP Hà Nội thụ lý và giải quyết các vụ án hành chính với số lượng lớn, việc giải quyết đảm bảo về thời hạn xét xử gặp nhiều khó khăn, đơn vị đã có rất nhiều giải pháp như đưa các vụ án hành chính về đối thoại tại nơi xảy ra tranh chấp, biệt phái các Thẩm phán trung cấp của Tòa án 2 cấp thành phố Hà Nội để giải quyết các vụ án hành chính…
Với việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là chủ trương, giải pháp đúng đắn trong thời điểm dịch bệnh cũng như hỗ trợ xử lý giảm tải quá hạn, giúp cho việc giải quyết án được kịp thời, tránh cho đương sự phải di chuyển đi lại tốn kém, giúp cho việc tham gia phiên tòa của các đương sự được đầy đủ hơn, nâng cao hoạt động tranh tụng và hiệu quả giải quyết. Việc đưa vụ án hành chính ra xét xử trực tuyến là một giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án hành chính hiện nay.
Bên cạnh đó, Thẩm phán Nguyễn Hồng Lam- Phó Chánh Toà Hành chính cũng cho biết thêm, việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến được áp dụng phù hợp nhất đối với các vụ án về Hành chính, hình sự, dân sự.
Trong các vụ án hành chính, việc các đương sự được có mặt đầy đủ tại phiên tòa giúp cho việc tranh tụng được đảm bảo, giảm tải được vấn đề mâu thuẫn trong nội dung giải quyết. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến với các điểm cầu ở mọi nơi có mặt đầy đủ các đương sự sẽ khắc phục được trường hợp các đương sự vắng mặt phải hoãn phiên tòa, và đảm bảo hơn cho nguyên tắc tranh tụng. Đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi cho Người bị kiện sắp xếp công việc tham gia phiên tòa được tốt hơn và giảm tải được bức xúc cho người khởi kiện để từ đó có thể giảm tải được các nội dung tranh chấp.
Mặt khác, do quy định của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền thụ lý giải quyết các vụ án sơ thẩm của TAND cấp tỉnh mở rộng hơn đó là thụ lý giải quyết các khiếu kiện liên quan đến Quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch và UBND cấp huyện, điều đó dẫn đến trở ngại về địa lý, đi lại xa xôi cách trở của đương sự. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến vụ án hành chính góp phần hỗ trợ cho đương sự tham gia phiên tòa được đầy đủ, giảm tải việc đi lại tốn kém.
Bên cạnh đó, việc ưng dụng công nghệ thông tin, phát triển xã hội số, kinh tế số là giải pháp sáng suốt hiện nay. Theo đó, nhiều cơ quan, ban ngành cũng đã tổ chức họp và điều hành một số hoạt động qua phương thức trực tuyến.
Tòa án tất yếu áp dụng xét xử trực tuyến nhằm khẩn trương đưa các vụ án ra xét xử theo đúng thời hạn luật định, kịp thời bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định trật tự an toàn xã hội và góp phần bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh trong thời điểm dịch bệnh phát triển bùng phát.
Chính vì vậy, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đang được tất cả các Tòa án tại Việt Nam triển khai và thực hiện. Nhiều người băn khoăn về phiên tòa trực tuyến sẽ không đảm bảo về tranh tụng vì diễn biến phiên tòa không chỉ được thể hiện bằng lời nói mà còn thể hiện qua thái độ, cử chỉ, tâm lý, cảm xúc và sự tương tác kịp thời giữa các bên trong tố tụng. Điều này có tác động rất lớn đến niềm tin nội tâm của thẩm phán, hội thẩm nhân dân cũng như các bên tham gia tố tụng.
Tuy nhiên, với quy định tại Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 và Thông tư số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP ngày 15/12/2021 của TANDTC, Viện KSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến và qua các phiên tòa trực tuyễn đã diễn ra thì xác định phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại Phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm khác do Tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm.
Thẩm phán Nguyễn Hồng Lam nhấn mạnh: “Theo tôi việc xét xử trực tuyến là bước tiến vừa phù hợp xu thế hiện đại vừa đảm bảo hoạt động tố tụng mà không mất đi quyền tranh tụng công khai”.
Trước đó, giữa tháng 7/2021, Chánh án TANDTC và Bộ trưởng Bộ TT-TT đã ký kết chương trình phối hợp trong công tác chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử.
Tại Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2022 được diễn ra hồi đầu năm, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết trong nhiệm kỳ 2021-2026, tòa án có một số ứng dụng về CNTT theo Nghị quyết của Quốc hội, bao gồm việc xét xử trực tuyến. Đây là xu thế toàn cầu trong điều kiện COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động xét xử, nhiều phiên tòa phải tạm hoãn.