Tòa án

TAND tỉnh Vĩnh Long: Nhiều giải pháp đột phá nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử các loại án

Nhóm PV 24/12/2023 18:43

Tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2024, tại điểm cầu TAND tỉnh Vĩnh Long, Phó Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Long Lâm Văn Năm đã trình bày tham luận về những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2024.

Theo đó, năm 2023, tình hình tội phạm tại Vĩnh Long đã được kiềm chế nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Số lượng các loại vụ án tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2022 với tính chất ngày càng đa dạng.

Trong năm 2023, TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Long đã thụ lý 8.949 vụ, việc, đã giải quyết 7.973 vụ việc, đạt tỷ lệ 85,4% (cấp tỉnh: 91,8%; cấp huyện: 85%). Trong đó đặc biệt: Án hình sự đã giải quyết đạt tỷ lệ 97,5% (vượt chỉ tiêu 7,5%). Án hành chính giải quyết đạt tỷ lệ 100% (vượt chỉ tiêu 35%).

Để đạt được những kết quả ấn tượng trên TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Long đã triển khai thực hiện tốt các chủ trương lớn của TANDTC như: sử dụng, tương tác phần mềm Trợ lý ảo; tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa trực tuyến; hòa giải, đối thoại tại Tòa án và thực hiện một số giải pháp mang tính đột phá trong công tác chuyên môn, tăng cường công tác kiểm tra nghiệp vụ.

vl.jpg
Phó Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Long Lâm Văn Năm trình bày tham luận tại điểm cầu TAND tỉnh Vĩnh Long

Trong đó, lãnh đạo TAND tỉnh Vĩnh Long xác định tranh chấp đất đai là loại án phức tạp, thường xuyên xảy ra tại địa phương và chiếm số lượng lớn trong các vụ việc tạm đình chỉ, án kéo dài thời hạn xét xử, án thường bị hủy, sửa mà nguyên nhân chính xuất phát từ việc thu thập chứng cứ, chứng minh chưa đầy đủ và nhận thức về vấn đề chứng cứ, chứng minh giữa các Thẩm phán còn khác nhau.

Vì vậy, TAND tỉnh Vĩnh Long đã thành lập Tổ nghiên cứu, thống kê, tập hợp, hệ thống các văn bản pháp luật; hướng dẫn của Tòa án cấp trên; các ý kiến trao đổi chuyên môn nghiệp vụ trên phần mềm Trợ lý ảo Tòa án và kinh nghiệm thực tiễn của Thẩm phán về phương pháp thu thập chứng cứ; các vấn đề cần chứng minh trong các vụ án tranh chấp đất đai thường xuyên xảy ra tại địa phương như: tranh chấp quyền sử dụng đất; hợp đồng chuyển nhượng QSD đất, cầm cố, tặng cho quyền sử dụng đất; tranh chấp thừa kế,.... TAND hai cấp tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp của tất cả các Thẩm phán, thư ký trong toàn tỉnh để thống nhất chung và vận dụng vào việc xây dựng hồ sơ phù hợp từng vụ việc cụ thể. Quá trình thực hiện, đã góp phần tạo sự thống nhất giữa Tòa án hai cấp trong tỉnh, đẩy nhanh tiến độ giải quyết đối với các loại vụ án tranh chấp đất đai, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ, bước đầu khắc phục được tình trạng án kéo dài thời hạn xét xử và hạn chế án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan trong thu thập, đánh giá chứng cứ.

Bên cạnh đó, để góp phần rút ngắn thời gian xử lý đơn khởi kiện, tránh tình trạng bộ phận tiếp dân và tổ hành chính tư pháp phải hướng dẫn nhiều lần, không đồng nhất nội dung đơn khởi kiện, phòng ngừa tiêu cực trong việc xử lý đơn, tạo điều kiện thuận tiện, nhanh chóng, dễ dàng hơn cho người dân khi thực hiện thủ tục khởi kiện tại Tòa án. Đồng thời với giải pháp giải quyết tranh chấp đất đai; trên cơ sở quy định của pháp luật, mẫu đơn khởi kiện do TANDTC ban hành, TAND tỉnh Vĩnh Long cũng đã triển khai thống nhất việc viết nội dung cơ bản đơn khởi kiện các vụ án dân sự: tranh chấp đất đai, hợp đồng vay tài sản, hụi (họ, biêu, phường), tranh chấp thừa kế, yêu cầu bồi thường thiệt hại, tranh chấp hôn nhân và gia đình về việc ly hôn,...

Triển khai đến các Tổ hòa giải cơ sở cấp xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước. Từ đó người dân có thể tự mình viết phần nội dung đơn khởi kiện một cách đầy đủ, chính xác ngay lần đầu tiên sau khi tiếp cận. Đã hạn chế việc sửa đổi, bổ sung nhiều lần hoặc trả đơn khởi kiện, rút ngắn quá trình thụ lý, giải quyết vụ án.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế; giải pháp tăng cường công tác kiểm tra nghiệp vụ thường xuyên, hoạt động kiểm tra chuyên đề và báo cáo vướng mắc của Thẩm phán cấp huyện, TAND tỉnh Vĩnh Long đã thành lập các đoàn kiểm tra đến kiểm tra và trực tiếp trao đổi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với Tòa án cấp huyện.

img_20231224_183621.jpg
Cán bộ, Thẩm phán TAND tỉnh Vĩnh Long dự Hội nghị

Đồng thời, đối với các vụ án còn thụ lý kéo dài thời hạn xét xử, Tòa án tỉnh đã mượn hồ sơ, phân công Thẩm phán các tòa chuyên trách của tỉnh trực tiếp nghiên cứu, tổ chức cuộc họp trao đổi để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho Thẩm phán cấp huyện có hồ sơ.

Sau kiểm tra đã phát hiện, khắc phục, rút kinh nghiệm kịp thời những sai sót chuyên môn nghiệp vụ. Giảm đáng kể số vụ án kéo dài thời hạn xét xử và tăng cường trách nhiệm công vụ của Thẩm phán. Xem xét trách nhiệm, siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; thực hiện nghiêm Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán; Quy định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về xử lý trách nhiệm của người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, đặc biệt tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Để thực hiện tốt công tác trong năm 2024, Phó Chánh án TAND tỉnh Vĩnh Long Lâm Văn Năm cho biết, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Đảng các cấp, Chỉ thị của Chánh án TANDTC; thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các loại vụ việc; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội và TANDTC đề ra; tiếp tục triển khai thực hiện phong trào thi đua “Vì công lý”; đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp, công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án. Lãnh đạo TAND tỉnh Vĩnh Long đã đề ra các giải pháp:

Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; tăng cường công tác thanh tra công vụ, kiểm tra nghiệp vụ; thực hiện công tác tập huấn, đào tạo. Thực hiện nghiêm công tác kiểm soát quyền lực trong tố tụng và quy định về xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp đột phá nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc và các mặt công tác khác.

Thứ ba, thực hiện tốt phong trào thi đua; kịp thời khen thưởng, vinh danh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác.

Thứ tư, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan Đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan trong quá trình triển khai thực hiện các mặt công tác của Tòa án.

Trong đó, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ, tạo nguồn Thẩm phán; thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ đối với Chánh án, Phó Chánh án cấp huyện; Chánh, Phó Chánh Tòa; Trưởng, Phó phòng, Thẩm phán cấp tỉnh; Thẩm phán cấp huyện nhiều năm công tác tại một đơn vị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TAND tỉnh Vĩnh Long: Nhiều giải pháp đột phá nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử các loại án