Những năm gần đây, Phú Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Đặc biệt trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, đời sống dân sinh… đã có những bước nhảy vọt. Hàng loạt các đại dự án đã và đang triển khai đi vào hoạt động.
Với tốc độ xây dựng và kết nối hạ tầng hiện nay thì trong tương lai không xa, đảo Phú Quốc sẽ trở thành Trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước và khu vực.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển vượt bậc ấy thì những tồn tại, hệ lụy tác động không nhỏ đến đời sống, xã hội. Đặc biệt, khi giá trị đất đai không ngừng gia tăng trên đảo thì kèm theo đó là không ít tranh chấp diễn ra ngày càng gay gắt.
Thẩm phán Trương Quốc Triều, Chánh án TAND huyện Phú Quốc cho biết, những năm gần đây, các tranh chấp dân sự chủ yếu liên quan đến tranh chấp đất đai chiếm hơn 80% số lượng án thụ lý. Đây là quan hệ tranh chấp ngày càng diễn biến phức tạp trên địa bàn Phú Quốc. Có thể nói, để giải quyết các tranh chấp này mất rất nhiều thời gian và công sức. Chính vì lẽ đó mà không ít năm qua, TAND huyện Phú Quốc luôn bị “vướng” vào chỉ tiêu án quá hạn luật định.
Cụ thể, năm 2014, Tòa án Phú Quốc thụ lý 734 vụ, đã giải quyết 633 vụ, trong đó có 19 vụ án dân sự bị quá hạn luật định. Lý giải về vấn đề này, Chánh án Trương Quốc Triều giải thích, do đặc thù của Phú Quốc là huyện đảo nên phần lớn nguồn gốc đất gần như do người dân tự khai phá, kê khai. Bên cạnh đó, chính sách quản lý đất đai trước đây rất lỏng lẻo, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập. Người dân mua bán chuyển nhượng chủ yếu là viết giấy tay. Chưa kể, những người mua bán, chuyển nhượng đất trên địa bàn Phú Quốc phần lớn là dân từ đất liền. Khi thụ lý giải quyết các tranh chấp, Tòa án Phú Quốc phải ủy thác cho các đơn vị thực hiện. Đây là một trong những nguyên nhân kéo dài thời gian giải quyết án.
Chánh án Trương Quốc Triều
Mặt khác, mặc dù Tòa án đã có nhiều văn bản yêu cầu, đề nghị nhưng sự phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết vụ án liên quan đến đất đai chưa có sự đồng bộ, còn nhiều vướng mắc trong cơ chế phối hợp.
Theo Chánh án Trương Quốc Triều, từ 1/10/2014 đến nay, đơn vị đã thụ hơn 437 vụ, việc các loại. Trong đó, lượng án liên quan đến đất đai chiếm hơn 83%. Với tình hình biến động đất đai trên địa bàn Phú Quốc diễn ra ngày càng phức tạp, nhất là giá đất ngày càng “sốt” thì phát sinh tranh chấp còn có nhiều diễn biến phức tạp, con số thụ lý sẽ không dừng lại. Trong khi đó, đơn vị hiện nay chỉ còn 4 Thẩm phán nhưng số lượng án thụ lý tăng gần bằng 60% số lượng án thụ lý năm 2014. Như vậy, 6 tháng qua, trung bình mỗi Thẩm phán phải thụ lý, giải quyết gần 110 vụ. Bình quân mỗi Thẩm phán thụ lý, giải quyết gần 20 vụ/tháng. Đây quả là áp lực đối với đội ngũ cán bộ, Thẩm phán của Tòa án huyện Phú Quốc.
Chánh án Trương Quốc Triều trăn trở, cái khó lớn nhất hiện nay trong quá trình giải quyết tranh chấp là sự không hợp tác từ phía các đương sự. Do đó, trong giải quyết rất khó cho công tác hòa giải vì đương sự thiếu thiện chí, mâu thuẫn lợi ích vật chất ngày càng trầm trọng và có khoảng cách lớn. Chính vì vậy, tỷ lệ hòa thành đạt thấp hơn so với chỉ tiêu chung của TANDTC đề ra.
Một thực tế diễn ra trên huyện đảo là không ít người dân thiếu hiểu biết trong việc nhận biết các quyền và nghĩa vụ đối với việc sử dụng đất, thiếu hiểu biết về các chính sách đất đai của Nhà nước, cơ chế quản lý đất của chính quyền địa phương nên phát sinh nhiều vụ tranh chấp dân sự trên lĩnh vực đất đai và án kinh doanh thương mại.
Hệ quả là trong giải quyết án kinh doanh thương mại trên địa bàn huyện Phú Quốc hiện nay gặp nhiều khó khăn là do đương sự trốn tránh, đương sự thuê nhà làm trụ sở hoạt động nhưng khi bị khởi kiện thì lại trả lại nhà và không để lại địa chỉ gây mất thời gian trong việc giải quyết án, trong vụ án dân sự thì đương sự ở nhiều địa phương khác nhau, nên việc triệu tập lấy lời khai, cung cấp chứng cứ rất khó khăn.
Chánh án Trương Quốc Triều cho biết, để giải bài toán về áp lực giải quyết án và án quá hạn luật định hiện nay trên địa bàn Phú Quốc là cần tăng cường, điều động, bổ sung nguồn Thẩm phán cho đơn vị.