Trách nhiệm với xã hội hay hành động lưu manh?

Biên Thùy| 29/04/2019 11:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phản ứng trước vấn đề của xã hội là thể hiện một người có trách nhiệm nhưng không phải bằng những hành động vô lối, tùy tiện, thiếu lý trí.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và mạng xã hội, mỗi ngày chúng ta thu nạp một lượng lớn thông tin, trong đó có không ít những vụ việc tiêu cực, những bức bối của xã hội. Đó là điều rất khó tránh, bởi cuộc sống luôn tồn tại 2 mảng màu đối lập.

Tiếp nhận những yếu tố tích cực đồng thời phản đối những hành vi tiêu cực là thể hiện trách nhiệm của cá nhân trong việc xây dựng một xã hội văn hóa. Sẽ thật đáng ngại nếu tất cả đều bàng quan với mọi thứ xung quanh, coi đó không thuộc trách nhiệm của bản thân mình.

Trách nhiệm của người dân trong thời gian gần đây thể hiện rất rõ qua việc phản biện xã hội. Không thể phủ nhận rằng, tiếng nói của dư luận phần nào đó đã giúp công lý được thực thi một cách có hiệu quả. Nó bổ sung cho sự thiếu hụt, chưa đầy đủ của hệ thống văn bản pháp luật và điều chỉnh sự lệch lạc về đạo đức lối sống.

Tuy nhiên, bên cạnh những năng lượng tích cực thì cũng không thiếu những hành vi lệch chuẩn. Nhiều cá nhân tự cho mình đứng trên người khác để phán xét và thực hiện những hành động bừa bãi, tùy tiện, vượt quá giới hạn của thiết chế luật pháp.

Ở phía sau bàn phím, người ta không ngần ngại rủa xả, chỉ trích bằng tất cả sự cay nghiệt. Dường như cách làm ấy tạo cho họ sự khoái trá, sự thỏa mãn, hả hê. Sau tất cả, họ được trải nghiệm vị thế của một người có quyền lực, áp đặt lý lẽ của cá nhân với mục đích kết tội người khác.

Vợ của một bị can trong vụ án dâm ô mới đây đã gửi một "tâm thư" tới cộng đồng bằng những câu chữ chất chứa sự cay đắng. Người phụ nữ và những đứa con của mình đang phải chịu đựng những ngày tháng khó khăn nhất của cuộc đời. Họ vô tội, hay nói cách khác họ cũng là nạn nhân trong vụ việc này. Không có lý do gì họ phải chịu sự rủa xả và phán xét của dư luận.

Nếu muốn đòi hỏi sự công bằng thì trước hết phải nhìn nhận vấn đề một cách thấu tính đạt lý, rạch ròi thiện-ác. Hành động ném chất bẩn, ném đá, bôi sơn...vào căn nhà của họ dưới danh nghĩa bảo vệ lẽ phải thực ra là một hành động lưu manh.

Thông điệp của những hành động đó là gì? Là để thỏa mãn sự tùy tiện, vô lối? Nếu được dung túng nó sẽ phá vỡ nền tảng đạo đức và lưu manh hóa xã hội.

Quy trách nhiệm, kết tội những người mà lẽ ra họ cần nhận được nhiều hơn sự cảm thông là thiếu sáng suốt.

Hậu quả của một xã hội mà con người thiếu sự cảm thông, thiếu bao dung cho nhau đó là một xã hội bạo lực. Nó tích tụ theo thời gian và làm thay đổi giá trị văn hóa truyền thống, biến những con người thiện lương dần trở nên manh động, vô minh, thiếu lý trí.

Ngày càng xảy ra nhiều hơn những vụ thảm sát, nhiều hơn những vụ giết người với lý do lãng xẹt. Chúng ta không tìm được nguyên nhân và thường chỉ đổ lỗi cho giáo dục, cho đạo đức xuống cấp, cho pháp luật không nghiêm minh. Nhưng xét cho cùng, tất cả những nguyên nhân ở trên đều xuất phát từ ý chí chủ quan của con người.

Trách nhiệm với xã hội trước hết phải trách nhiệm với chính suy nghĩ, lời nói, hành động của mình và thể hiện nó một cách phù hợp. Những việc mình không muốn thì không làm cho người. Xã hội không thể tốt đẹp lên khi con người tùy tiện thể hiện những hành vi thấp kém, tùy tiện phán xét người khác, mở miệng là nói những lời cay độc, dơ bẩn.

Xã hội của chúng ta cần nhiều hơn nữa lòng trắc ẩn, tình yêu thương và tất nhiên là cả sự bao dung. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trách nhiệm với xã hội hay hành động lưu manh?