Tài xế 46 tuổi đột quỵ trong khi chở học sinh đến trường

Thảo Nguyên| 04/11/2020 09:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đang lái xe chở học sinh đến trường, nam tài xế bất ngờ lên cơn tức ngực, vã mồ hồi. Đây là tình huống tối cấp vì chỉ cần xử lý chậm vài phút, người này đã có thể tử vong.

Thông tin từ Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, vừa tiếp nhận nam bệnh nhân L.M.C. (46 tuổi), trong tình trạng nguy kịch, mạch còn 30 nhịp/phút, huyết áp tụt.

Kết quả điện tâm đồ và hình ảnh chụp X-quang cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim thất phải, liên thất phải tắc hoàn toàn, liên thất trái hẹp 80%.

Bệnh nhân làm nghề lái xe cho một trường tiểu học tại Hà Nội. Sáng 3/11, người đàn ông thấy đau ngực, vã mồ hôi và khó thở khi đang đưa học sinh đến trường. Với tiền sử tăng huyết áp, hút thuốc lá nhiều năm, ông nhanh chóng dừng xe bên vệ đường và được đưa tới trạm xá gần đó.

Sau đó, ông tiếp tục được chuyển tới một bệnh viện tại Hà Nội. Với sự trợ giúp qua điện thoại từ bác sĩ Bệnh viện E, đội ngũ y tế tại đây đã lập tức sơ cứu cho bệnh nhân.

dotquy1.jpg
Bệnh nhân đã hồi phục sau khi được can thiệp tim mạch.

Nhận định về tình hình của bệnh nhân C. lúc bấy giờ, bác sĩ Phan Thảo Nguyên – Trưởng khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch (Bệnh viện E) cho hay: “Bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim có thể dẫn đến ngừng tim gây đột tử trong thời gian ngắn. Nếu chờ chúng tôi đến tận nơi cấp cứu thì sẽ không kịp. Do đó, chúng tôi trực tiếp hướng dẫn cơ sở bạn xử lý bước đầu”.

Bệnh nhân C. được đặt stent và truyền dopamine ở mức 10 ml/giờ. Bên cạnh đó, kết hợp sử dụng thuốc kháng kết tập tiểu cầu, thuốc mỡ máu và một số loại thuốc khác.

Sau khoảng 10 phút, bệnh nhân C. có chuyển biến tích cực liền được chuyển viện.

Ngay khi đến Bệnh viện E, bệnh nhân được đưa đến phòng Can thiệp của Trung tâm Tim mạch.

“Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy bệnh nhân C. bị tắc 1 nhánh động mạch vành bên phải và động mạch vành bên trái hẹp khoảng 80%”, bác sĩ Nguyên cho hay.

Bệnh nhân được can thiệp thông động mạch, tổng thời gian can thiệp khoảng 20 phút. Chiều cùng ngày, bệnh nhân đã hồi tỉnh, các chỉ số ổn định, có thể trò truyện.

GS.TS Lê Ngọc Thành - Giám đốc Bệnh viện E thông tin, can thiệp stent mạch vành là cấp cứu thường quy. Tuy nhiên, khi đặt trong tình huống tối cấp cứu, tức là thời gian sống chỉ còn tính bằng phút như trường hợp nam bệnh nhân nói trên không phải lúc nào cũng thành công.

“Rất may mắn là bệnh nhân nhạy cảm, kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường để tới sơ cứu sớm. Việc sơ cứu ban đầu tốt đã giúp bệnh nhân tránh được nguy cơ tử vong”, ông Thành nói.

Nhồi máu cơ tim (đột quỵ) có thể xảy ra bất cứ lúc nào, các tế bào cơ tim bắt đầu bị tổn thương không hồi phục sau 30 phút. Vì thế, thời gian điều trị sớm có ý nghĩa sống còn và việc sơ cứu ban đầu giúp giảm di chứng, tăng khả năng sống sót cho người bệnh.

Nếu không được xử lý đúng cách hoặc không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong cao, hoặc để lại di chứng, khó hồi phục. Tuy nhiên, không có nhiều người nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo sớm cơn nhồi máu cơ tim. Đa phần họ chủ quan và bỏ qua chúng cho đến khi các triệu chứng trầm trọng hơn. Do đó cần tăng cường truyền thông về bệnh lý này.

Các bác sĩ tim mạch khuyến cáo, trong thời tiết lạnh, các bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao cần uống thuốc đầy đủ. Huyết áp cao không chỉ là dẫn tới nguy cơ nhồi máu cơ tim mà còn gây tắc mặc nhiều nơi, nhồi máu não… Đặc biệt, hút thuốc lá không tốt cho tim mạch, theo các nghiên cứu tỷ lệ nhồi máu cơ tim ở người hút thuốc lá cao gấp 3 -4 lần người bình thường. Và thực tế đa số bệnh nhân nhồi máu cơ tim được điều trị tại Bệnh viện chủ yếu là nam giới, và 80% trong số họ đã hút thuốc lá, thuốc lào trong nhiều năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tài xế 46 tuổi đột quỵ trong khi chở học sinh đến trường