Sức Khỏe

Suy giảm trí nhớ ngày càng phổ biến ở người trẻ

Chí Tâm 29/08/2023 - 11:53

Người trẻ bị rối loạn lo âu, stress, hay quên… do công việc, cuộc sống có thể dẫn đến trầm cảm, sa sút trí tuệ, Alzheimer, nếu không điều trị kịp thời.

Mấy tháng nay, anh N.T.T. (32 tuổi, ở Hà Nội) thường xuyên được bạn bè, gia đình khuyên đi khám về thần kinh bởi rất mau quên. Thế nhưng, anh T. cho rằng bản thân không có bệnh, vẫn đi làm, sinh hoạt bình thường. Khoảng 2 tuần trước, anh hay làm mất tiền, điện thoại, chìa khóa xe…

Thậm chí, anh quên tắt bếp khi nấu ăn gây lửa cháy khiến cả nhà hoảng hốt. Nhận ra nguy hiểm, anh đến một bệnh viện chuyên khoa tâm thần để khám. Bác sĩ chẩn đoán anh bị mất ngủ kéo dài ảnh hưởng đến hệ thần kinh, cho thuốc về uống. Nhưng gần đây, anh phải tạm xin nghỉ phép do vừa trao đổi công việc với đồng nghiệp xong thì không nhớ gì.

apuc-1.jpeg
Nhiều người trẻ suy giảm trí nhớ, không hoàn thành tốt công việc

"Có lúc, tôi về nhà nằm nghĩ mãi mới nắm được một chút nội dung công việc. Tôi làm nghề tư vấn khách hàng, nhiều khi nói đó quên đó, hay phải mất 5-10 phút mới nhớ điều mà khách thắc mắc. Dù tôi đã uống nhiều loại thuốc tốt cho não nhưng vẫn không khắc phục được", anh T. kể.

Chị T.L.N. (31 tuổi, ở Hà Nội) cho biết, hơn một năm qua, chị thường xuyên rơi vào tình trạng "não cá vàng", nhất là sau khi mắc Covid-19. Làm công việc kế toán nhưng gần đây chị thường xuyên bị mất tập trung, "nhớ nhớ quên quên", suy nghĩ có phần chậm chạp hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc. Thậm chí trong sinh hoạt thường ngày, chị N. cũng hay quên điện thoại, chìa khóa, ví tiền, nhiều lúc kính đeo trên mặt, mũ bảo hiểm đội trên đầu nhưng vẫn đi tìm.

"Nhiều lúc tôi quên cả tên đồng nghiệp hoặc bạn bè khi bất chợt gặp. Phải mất mấy giây trấn tĩnh mới nhớ ra tên người đối diện", chị N. lo ngại.

Còn chị N.T.V. (35 tuổi) chia sẻ, thời gian gần đây thường hay quên bất chợt. "Dù ngày nào đi làm cũng sửa soạn đồ ăn trưa nhưng không ít lần đến gần cơ quan mình mới ngẩn ngơ nhận ra mình quên ở nhà. Còn chuyện mang đồ đi giặt, thì không biết bao lần lộn lên, lộn xuống 5 tầng nhà chỉ vì không nhớ mình đã bấm cho máy chạy hay chưa", chị V. nói.

Theo TS.BS Đỗ Phương Vịnh - Khoa Thần kinh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, sau đại dịch Covid-19 kéo dài 2 năm, số bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh sa sút trí tuệ ngày càng đông. Đáng lưu ý, trước kia thường gặp ở bệnh nhân 70-80 tuổi nhưng hiện nay có người 40-50 tuổi đã mắc bệnh, thậm chí cả người ít tuổi hơn cũng đến khám vì suy giảm trí nhớ.

Phần lớn những người mắc chứng sa sút trí tuệ thường hay lơ đễnh, khó tập trung, không chú ý vào bất kì công việc gì, kể cả học tập và các việc làm quan trọng. Khi bị suy giảm trí nhớ thì đồng thời nhận thức và tư duy giải quyết vấn đề cũng sẽ bị sa sút theo.

Chính vì thế mà người bệnh thường phản ứng chậm chạp với mọi thứ diễn ra xung quanh, họ không còn khả năng để đáp ứng và giải quyết tốt mọi vấn đề trong cuộc sống. Do đó, kết quả học tập, hiệu suất làm việc sẽ bị giảm đi một cách đáng kể.

Để chẩn đoán bệnh nhân có bị sa sút trí tuệ hay không, các bác sĩ sẽ khai thác tiền sử, thứ nhất là bệnh nhân có bị chấn thương, đặc biệt là chấn thương sọ não hay không, bệnh nhân có bị mắc Covid-19 không. Thứ hai, bệnh nhân có bị áp lực về công việc, tài chính, có dùng ma túy dưới dạng kích thích không?

"Nếu bệnh nhân bị sa sút trí tuệ ở mức độ nhẹ thì chúng tôi khuyên bệnh nhân điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt, làm việc, học tập, không bị căng thẳng thì 80% có thể trở về bình thường. Đối với các bạn trẻ đến khám, chúng tôi chỉ đặt vấn đề đó là suy giảm trí nhớ. Suy giảm trí nhớ không có nghĩa là sa sút trí tuệ nhưng nếu không được điều trị sớm thì nguy cơ dẫn đến sa sút trí tuệ là rất lớn", TS.BS Đỗ Phương Vịnh cho biết.

Làm gì để không bị suy giảm trí nhớ nghiêm trọng?

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi vừa phát hiện bệnh, người bệnh cần thay đổi một số thói quen, sinh hoạt tiêu cực, thay vào đó thực hiện một số vận động, chế độ dinh dưỡng như sau:

- Tập trung một việc ở một thời điểm, sắp xếp công việc hợp lý tránh việc cùng lúc phải giải quyết nhiều vấn đề. Nếu có nhiều thời gian, có thể ngồi thiền, tập khí công, yoga...

- Luyện tập thể lực thường xuyên để tăng cường lưu thông máu, tăng hô hấp, tăng ô xy lên não, chống ôxy hóa, chống viêm…

- Tránh lạm dụng rượu bia, chất kích thích, cà phê, trà vào buổi tối, tránh hoạt động thể lực và trí óc quá mức để ngủ sâu, ngủ đủ giấc.

- Hạn chế những loại thực phẩm nhiều carbohydrate và đường, chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, đồ uống có gas. Sử dụng nguồn thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng cho não như cá biển (giàu a xít béo omega-3), thực phẩm giàu vitamin nhóm B gồm rau, trái cây màu xanh đậm, vàng đỏ, nấm, sữa, ngũ cốc, các loại hạt…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Suy giảm trí nhớ ngày càng phổ biến ở người trẻ