Sức Khỏe

Hầu hết người bệnh bị sa sút trí tuệ đến viện ở giai đoạn muộn

Nguyên Thảo 06/04/2023 07:00

Theo các bác sĩ, thường sau 1-2 năm có triệu chứng, cho tới khi có biểu hiện rối loạn nhận thức nặng, ảnh hưởng lớn đến nhận thức... bệnh nhân mới đến khám. Số người được khám sớm, phát hiện sớm rất hạn chế.

Số liệu từ Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, số người mắc sa sút trí tuệ năm 2015 là 660.000 người. Tỷ lệ gánh nặng bệnh tật của bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ lên đến 52% trên tổng gánh nặng bệnh tật do bệnh thần kinh và tâm thần ở người cao tuổi tại Việt Nam.

Bệnh sa sút trí tuệ tạo áp lực lớn đến kinh tế cũng như chất lượng sống của người bệnh. Đáng nói hơn, mặc dù đây là căn bệnh khá phổ biến và được dự đoán sẽ ngày càng gia tăng trong thời gian tới, thế nhưng, sa sút trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức.

kham53.jpeg
Bác sĩ khám sàng lọc sa sút trí tuệ cho người cao tuổi.

PGS.TS Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ (Bệnh viện Lão khoa Trung ương) nhận định: Hiện vẫn còn nhiều người Việt chủ quan với bệnh này. Khi có vấn đề về trí nhớ, nhiều người nghĩ đó là quá trình lão hóa bình thường, là bệnh của tuổi già, mà không nghĩ đến có thể đó là triệu chứng sa sút trí tuệ. 

Chính vì vậy, khi các triệu chứng về suy giảm trí nhớ tăng lên cùng với các rối loạn chức năng nhận thức khác, bệnh nhân mới được người nhà đưa đi khám. Điều này dẫn tới thực trạng nhiều bệnh nhân đến khám muộn, bệnh ở giai đoạn nặng. Biến chứng, ảnh hưởng của sa sút trí tuệ trong sinh hoạt rất nguy hiểm, bệnh nhân có thể bỏng, ngã, gặp các chấn thương nguy hiểm.

Hầu hết các trường hợp người cao tuổi đến khám ở giai đoạn tương đối muộn, thường sau 1-2 năm có triệu chứng, cho tới khi có biểu hiện rối loạn nhận thức nặng, ảnh hưởng lớn đến nhận thức bản thân mới đến khám. Số người được khám sớm, phát hiện sớm rất hạn chế.

PGS.TS Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu trí nhớ và sa sút trí tuệ (Bệnh viện Lão khoa Trung ương)

Nhiều bệnh nhân đến viện ở giai đoạn trung bình khi quên nhiều, có rối loạn nhận thức khác như không có khả năng nói chuyện, mất sử dụng động tác, đi lạc đường, loạn thần, hoang tưởng. Thậm chí, có nhiều cụ nhịn ăn, nhịn đói vài ngày dẫn tới tụt đường huyết, suy dinh dưỡng, hoặc có người ăn thái quá. Có người không chịu tắm gội cả tuần, hay đi lại lang thang, đêm mất ngủ.

Theo các bác sĩ, sa sút trí tuệ được chia làm 3 giai đoạn:

- Giai đoạn đầu: Người bệnh giảm sự tiếp thu thông tin, lặp đi lặp lại một câu hỏi hay một vấn đề, mất khả năng quản lý tài chính, không nhớ đồ cất ở đâu và dễ bị nhầm, lạc đường.

- Giai đoạn giữa: Các triệu chứng rõ ràng hơn, người bệnh không nhớ sáng mình ăn gì, quên một số kỷ niệm trong quá khứ, không nhớ số điện thoại của mình, hay nhầm lẫn...

- Giai đoạn cuối: Người bệnh không nhận thức được môi trường xung quanh, đi lang thang, không nhận ra bạn bè người thân, không nhớ lịch sử bản thân, mất kiểm soát bàng quang và ruột, thay đổi nhân cách và hành vi. Các triệu chứng càng ngày nặng lên, người bệnh cần sự hỗ trợ tất cả trong cuộc sống hàng ngày.

TS.BS Trần Thị Hà An - Trưởng phòng Điều trị tâm thần người già, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết thêm, hiện trên thế giới cứ 3 giây lại có thêm 1 người bị sa sút trí tuệ. Tại Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, gần như ngày nào cũng tiếp nhận các bệnh nhân đến khám, vì có biểu hiện sa sút trí tuệ. Trong đó, khoảng 60-80% bệnh nhân sa sút trí tuệ nhập viện do bệnh lý Alzheimer và đối tượng mắc bệnh thường là những người trên 60 tuổi. Nữ giới mắc bệnh nhiều hơn nam.

Sa sút trí tuệ không phải là bệnh có thể chữa khỏi, mà chỉ điều trị giảm triệu chứng. Các phương pháp điều trị không dùng thuốc, hoặc dùng thuốc và chăm sóc toàn diện có thể làm giảm các triệu chứng và làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.

Bác sĩ khuyến cáo, người già khi có biểu hiện không bình thường như quên kéo dài, quên có xu hướng tăng lên, rối loạn cảm xúc, hành vi nên đi khám sớm. Người bệnh sa sút trí tuệ khi được phát hiện, điều trị trong giai đoạn đầu sẽ có kết quả rất tích cực, ngược lại nếu bệnh tiến triển đến giai đoạn Alzheimer thì hiệu quả rất thấp. Ở giai đoạn nặng, hiệu quả điều trị thấp, bệnh nhân có nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hầu hết người bệnh bị sa sút trí tuệ đến viện ở giai đoạn muộn