Phóng sự - Ghi chép

Sức sống mới trên đảo tiền tiêu

Huyền Thương 22/09/2023 - 06:33

Từ xưa đến nay, Lý Sơn được biết đến không chỉ là “Vương quốc tỏi”, mà trên hòn đảo như nét chấm vội giữa biển khơi của tỉnh Quảng Ngãi này còn chứa đựng những dấu tích truyền đời về Đội thủy binh Hoàng Sa Bắc Hải anh hùng. Nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, hòn đảo tiền tiêu đã và đang “thay da đổi thịt” mỗi ngày.

Quê hương của Hải đội Hoàng Sa

Huyện đảo Lý Sơn là một đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 30km, có diện tích trên 10km2, bờ biển dài 25km, dân số hơn 22.000 người với 3 xã đảo gồm An Hải, An Vĩnh (đảo Lớn) và An Bình (đảo Bé). Phần lớn các hộ dân Lý Sơn sống bằng nghề biển, một bộ phận nhỏ làm nghề nông và các ngành nghề khác. Huyện đảo này nằm trong hệ thống các đảo tiền tiêu về phía biển, có vị trí quan trọng trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng kinh tế, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.

Xung quanh Lý Sơn có nhiều đá ngầm, tàu thuyền đa phần neo đậu ở khu vực cầu cảng phía nam của đảo. Cảnh quan huyện đảo này được nhiều du khách trong và ngoài nước đánh giá là “Đảo Jeju của Việt Nam”. Bởi theo những nhà khoa học cho hay thì đảo Lý Sơn được hình thành nhờ sự phun trào của núi lửa các đây hàng triệu năm….

Từ lâu, Lý Sơn không chỉ nổi tiếng với nghề trồng tỏi mà còn thu hút được nhiều du khách đến khám phá, bởi nó vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ với nhiều cảnh quan thiên tạo kỳ thú. Tính trung bình, mỗi năm hòn đảo này thu hút trên 30.000 lượt khách đến tham quan, du lịch.

Theo truyền thuyết của dân tộc Kor, đảo Lý Sơn là một phần của vùng núi Trà Bồng trôi dạt về phía Biển Đông sau trận giao tranh dữ dội của Thần Nước và người anh hùng Doang Đác Tố, chủ làng Tali Talok. Nhưng theo các nhà địa chất học thì hòn đảo xinh này được hình thành từ vài triệu năm trước do vận động phun trào nham thạch của các núi lửa.

Còn theo sử liệu thì đến tận cuối thế kỷ 16, Lý Sơn vẫn còn hoang vu. Mãi đến đầu thế kỷ 17, đời vua Lê Kính Tông mới có người từ đất liền đến khai phá. Cho đến nay, dân số trên đảo đã lên tới trên 22.000 người. Nghề chính là nông nghiệp và đánh bắt hải sản. Trong đó đặc biệt phải kể đến giống hành tía và tỏi Lý Sơn được trồng trên cát trắng đã tạo được thương hiệu trên cả nước.

Như bao làng quê duyên hải, ở Lý Sơn cũng có tục thờ cá voi, còn gọi là cá ông. Đó chính là chỗ dựa tinh thần của người đi biển. Trước hiểm họa bão tố luôn là nguy cơ phải đối mặt, mọi người chỉ biết đặt niềm tin vào chốn tâm linh, trước và sau mỗi chuyến đi biển đều đến đền thờ thắp nhang cầu khấn hoặc cảm tạ ngài cá ông phù hộ, độ trì cho chuyến đi được bình yên, gặp nhiều may mắn.

Đặc sắc Lễ khao lề thế lính

Nhắc đến Lý Sơn, người ta luôn nhớ đến Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, nhớ đến một đội hải binh hùng mạnh. Thời gian trôi qua đã lâu với bao thế cuộc đổi thay, các Hải đội Hoàng Sa cũng không còn nữa. Nhưng mỗi năm cứ đến khoảng giữa tháng 3 âm lịch, người dân ở đảo Lý Sơn lại thành kính làm lễ cúng tế để con cháu đời sau mãi mãi không quên những vị hùng binh vị quốc vong thân.

img_1695289886376_1695312697271.jpg
Cụ Phạm Quang Tĩnh (SN 1930) - hậu duệ đời thứ 8 của Cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh.

Cụ Phạm Quang Tĩnh (SN 1930) - hậu duệ đời thứ 8 của Cai đội Hoàng Sa Phạm Quang Ảnh (thời vua Gia Long 1802 – 1820) năm xưa, kể: Suốt hơn ba thế kỷ, cứ mỗi năm lại có 70 suất đinh của các dòng họ trên đảo Lý Sơn luân phiên nhau vâng mệnh triều đình đi đo đạc thủy trình, khai thác tài nguyên biển và sau này thêm nhiệm vụ cắm mốc dựng bia chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Để tưởng nhớ những người lính Hoàng Sa bỏ mình nơi biển cả, để những người chuẩn bị lên đường yên tâm làm nhiệm vụ, và với niềm mong ước người thân ra đi có ngày trở về, hàng năm, vào khoảng giữa tháng 3 âm lịch, các tộc họ trên đảo Lý Sơn lại tổ chức Lễ khao lề tế lính (cũng gọi là Lễ khao lề thế lính).

Tế lính là để cúng cho những anh linh vong thân vì Tổ quốc được nhẹ nhàng siêu thoát. Còn thế lính là dùng hình nhân thế mạng cúng thần linh thay thế sinh mạng người lính Hoàng Sa sắp lên đường. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là một lễ hội độc đáo, chỉ Lý Sơn mới có và duy trì từ xa xưa cho tới ngày nay.

Tuy còn mang nặng niềm tin vào thần thánh hay các thế lực siêu nhiên, song Lễ khao lề thế lính mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện nguyện cầu, mong cho người lính Hoàng Sa được bình yên trong suốt những ngày tháng lênh đênh trên biển với bao hiểm nguy chờ đón. Nghi thức khao lề tế lính là sự tưởng nhớ và biết ơn đến những người thân trong gia đình dòng họ đã phải vì đất nước, vì lệnh vua mà hy sinh, bỏ thân nơi biển cả.

img_1695289876263_1695312700126.jpg
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.

Để nhớ tới các bậc tiền nhân, mỗi đầu năm, các dòng họ trên đảo Lý Sơn đều tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Đồ cúng lễ trong lễ khao lề thế lính có thuyền lễ làm bằng tre, giấy ngũ sắc, có đủ buồm, cờ như thuyền buồm dùng để đi Hoàng Sa. Trên thuyền đặt những hình nộm làm bằng bột gạo tượng trưng cho cai đội và binh phu.

Trong lễ khao lề thế lính truyền thống, chủ bái khi hành lễ là tộc trưởng, bồi tế là trưởng các chi. Những thanh niên trai tráng sắp lên đường ra Hoàng Sa sẽ đứng hầu thần suốt thời gian tế lễ.

Khởi đầu là nghi thức khấn mời anh linh của những cai đội và binh phu Hoàng Sa về minh chứng và phù hộ cho con cháu. Giữ vai trò điều hành lễ tế, thầy pháp trong trang phục mũ tam sơn, khăn ấn, áo dài. Những gia đình có người thân làm nhiệm vụ đi lính Hoàng Sa tin rằng thầy pháp có mối liên hệ với thần linh, có thể phù phép gửi linh hồn người sống vào hình nhân, để hình nhân gánh chịu mọi tai ương cho người sống. Những ai lên đường làm nhiệm vụ sẽ cảm thấy an tâm vì đã được hình nhân thế mạng.

Kết thúc buổi lễ là nghi thức tiễn đưa. Đi đầu là những thanh niên mang cờ, phướn. Tiếp theo là thành viên các tộc họ khiêng thuyền lễ ra phía bờ biển để thả những chiếc thuyền có hình nhân đã được làm phép thế mạng xuống biển.

Mấy năm gần đây, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa ngày càng được tổ chức long trọng, quy mô hơn và thu hút được rất nhiều sự quan tâm của người dân trên đảo cũng như nhân dân cả nước.

“Thay da đổi thịt” mỗi ngày

Đặc biệt, kể từ ngày Dự án cấp điện lưới quốc gia cho Lý Sơn bằng hệ thống cáp ngầm đã được khánh thành và chính thức đi vào hoạt động (28/9/2014), sức sống mới trên huyện đảo này ngày càng trỗi bật. Đây cũng là một dấu ấn, một sự kiện hết sức đặc biệt đối với mỗi người dân trên đảo.

Trước đó, hàng nghìn hộ dân với trên hai vạn nhân khẩu ở Lý Sơn phải chịu cảnh thiếu điện trầm trọng. Mỗi ngày người dân chỉ được sử dụng nguồn điện luân phiên 6 tiếng (người dân xã An Vĩnh có điện thắp sáng thì xã An Hải chịu cảnh mất điện) bằng trạm phát điện chạy dầu diesel với khoảng 10.000 Kwh mỗi ngày. Riêng người dân đảo An Bình sử dụng điện từ hệ thống pin năng lượng mặt trời thiếu ổn định.

img_1695289897322_1695312694813.jpg
Một góc Lý Sơn.

Nhưng giờ đây, huyện đảo Lý Sơn đã chính thức có điện quốc gia, với sản lượng điện trung bình tăng gấp đôi so với trước và luôn đảm bảo nguồn điện xuyên suốt 24/24. Sau khi có điện cùng tiềm năng lợi thế của mình, Lý Sơn đã và đang vươn mình mạnh mẽ. Đảng, Nhà nước và các Bộ ngành từ trung ương đến địa phương cũng dành sự quan tâm cho Lý Sơn, để vùng đất này ngày càng xứng danh là quê hương của Đội Hùng binh Hoàng Sa thuở trước.

Bên cạnh đó, đề án xây dựng huyện đảo Lý Sơn thành đảo du lịch gắn với an ninh quốc phòng được xúc tiến mạnh mẽ, dựa trên tiềm năng sẵn có của địa phương để hình thành các tuyến du lịch văn hóa trên cơ sở tham quan các di tích lịch sử văn hóa với các điểm du lịch tự nhiên, du lịch tâm linh, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực … Với nhiều công trình được ưu tiên kêu gọi đầu tư với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, trong tương lai không xa, Lý Sơn sẽ là điểm đến thú vị của du khách, từng bước mang lại cho hòn đảo kiên trung này những giá trị kinh tế mà thiên nhiên và con người nơi đây đáng được hưởng.

Rời Lý Sơn, hình ảnh còn đọng lại mãi trong tâm trí mỗi người là tượng đài Hải đội Hoàng Sa hiên ngang, sừng sững, trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, tinh thần quả cảm, ý chí quyết tâm bám biển, khẳng định chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Những nét truyền thống văn hóa đặc sắc của cha ông vẫn được các tộc họ trên đảo Lý Sơn trân trọng gìn giữ, không để mai một theo năm tháng. Đó là nghĩa, là tình của muôn đời con cháu kính ngưỡng sự gian khổ hy sinh của các bậc tiền nhân, để thế hệ này nhắc nhở thế hệ sau: Hoàng Sa, Trường Sa mãi trong tim mỗi người dân trên đảo Lý, mãi trong tim mỗi người dân đất Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức sống mới trên đảo tiền tiêu