Ngày 7-12, khi nghe tin Hội đồng Thẩm phán TANDTC bác kháng nghị của VKSND cùng cấp thì đã có rất nhiều người hụt hẫng; trong số đó có lương y Phạm Thị Hồng - bởi trước đó chính bà đã “tuyên” 3 thanh niên này không hề phạm tội hiếp dâm vì họ còn...“trai trinh”. Để tìm hiểu, chúng tôi đã đến gặp lại bà Hồng...
Cuộc trò chuyện với bà Hồng làm vỡ ra nhiều chuyện xung quanh cái gọi là “huyệt trai trinh” mơ hồ, được nhiều tờ báo tung hô, dẫn đến nhiều ngộ nhận trong dư luận mấy năm vừa qua.
Chân dung “Bao Công thời hiện đại”
Chiều 8-12, trong căn nhà nhỏ nằm khuất nẻo trong con ngõ sâu hun hút ở phường Phúc La (quận Hà Đông, Hà Nội), chúng tôi “hân hạnh” được tiếp kiến với Lương y Phạm Thị Hồng, người từng được báo chí tung hô “Bao Công thời hiện đại”. Trong cuộc trò chuyện kéo dài suốt buổi chiều, bà Hồng đã trải lòng mình về cuộc đời cũng như “mối lương duyên” với “huyệt trai trinh” và vụ “kỳ án hiếp dâm” xảy ra ở xã Dương Nội, Hoài Đức, Hà Tây (nay là Hà Nội) gây xôn xao dư luận 10 năm qua.
Bà Phạm Thị Hồng
Theo lời bà Hồng kể, bà sinh năm 1956 trong một gia đình có nguồn gốc ở Bến Tre, cha mẹ ruột là cán bộ tập kết ra Bắc vào những năm 1954. Sau khi sinh, vì lý do phải về miền Nam tiếp tục công tác, cha mẹ bà có gửi bà cho một gia đình tản cư ở huyện Kim Bôi, Hòa Bình làm con nuôi. Sinh sống ở đó một thời gian, gia đình bà chuyển về định cư tại xã Hợp Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Tây.
“Từ nhỏ, tôi vẫn nghĩ mình là con đẻ, mãi đến năm 20 tuổi, tình cờ có chú Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, bạn chiến đấu cũ của cha mẹ ruột bà ngày xưa) tìm đến tận nhà và trao cho tôi những kỷ vật còn sót lại của cha mẹ ruột. Thực sự, sau khi đọc lá thư cha tôi để lại, tôi đau xót, hụt hẫng và không muốn tin đó là sự thật. Nhưng, khi có kết quả giám định ADN, tôi mới biết đó hoàn toàn là sự thật…”, bà Hồng chia sẻ.
Về Bến Tre một thời gian để thăm lại quê cha đất tổ, bà lại ra Bắc và vào học khóa II trường Trung cấp y học dân tộc Tuệ Tĩnh. “Đáng lẽ, tôi đã là một cô giáo mầm non, nhưng từ khi biết mẹ ruột từng là y sĩ nên tôi quyết tâm đeo đuổi nghề y để tiếp nối”. Tốt nghiệp, bà công tác tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tây (nay là Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Hà Nội) cho đến bây giờ.
Năm 1984, bà Hồng xây dựng gia đình cùng một cán bộ Bộ Ngoại giao. Vợ chồng bà sinh được hai người con một trai, một gái. Hiện nay, người con trai của bà Hồng đã là bác sĩ, công tác cùng bệnh viện với mẹ, còn cô con gái đang là sinh viên Đại học Y khoa Hà Nội.
Cuốn sách về “Huyệt trai trinh”?
Chúng tôi lắng nghe và chia sẻ với bà Hồng những được mất của cuộc đời mà bà phải nếm trải, rồi đi vào vấn đề chính là “huyệt trai trinh”. Như báo chí đã phản ánh kỹ, tháng 12-2006, phạm nhân Nguyễn Đình Lợi gặp gỡ với lương y Phạm Thị Hồng khi được Công an đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông điều trị do bị liệt nửa người sau tai biến mạch máu não. Bà Hồng khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng, 3 chàng thanh niên này vẫn còn "tân", chưa từng quan hệ với bất kỳ người phụ nữ nào thông qua cách bấm huyệt “Dương Minh”. Thậm chí vị thầy thuốc này sẵn sàng tự thiêu để chứng minh cho nhận định đó của mình là đúng.
"Bao Công thời hiện đại" - người đồng hành cùng 3 bị án Kiên, Tình, Lợi trong những ngày kêu oan.
Sau phát hiện đó, bà Hồng tự nguyện đi kêu oan cho 3 thanh niên này, và sau gần 3 năm, Viện trưởng VKSNDTC đã kháng nghị bản án phúc thẩm, tạm đình chỉ thi hành bản án, 3 thanh niên được tự do, vì thế một số tờ báo coi bà Hồng là “Bao Công thời hiện đại”.
Bà Hồng trả lời báo chí rằng, bà hay đọc sách cổ nên biết huyệt đạo này, chúng tôi xin được hỏi về cuốn sách quý đó, bà Hồng cho hay:
Bà Hồng diễn giải những nội dung trong cuốn sách...
“Trong một lần đi lễ Phật, tôi vô tình được Hòa thượng trụ trì chùa Võ Lăng (xã Dân Hòa, Thanh Oai, Hà Nội) tặng cho một cuốn sách của tác giả là Hòa thượng Thích Tố Liên về phương pháp châm cứu, bấm huyệt. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, tôi nhận thấy ở đó có những kiến thức y học mà không có sách vở nào ghi lại. Đúc rút những kinh nghiệm từ cuốn sách đó, kết hợp với quá trình trải nghiệm thực tiễn, tôi phát hiện ra “huyệt trai tân” ở nam giới…”, bà Hồng kể.
Theo bà Hồng, ở mỗi người đàn ông có một huyệt Ế phong nằm ngay điểm sát dưới sau dái tai. Hai tai giống như hai cái quạt (tức là ế), hai dái tai có thể gập ra vào như để quạt gió (tức là phong), vì vậy gọi là Ế phong. Đường kinh Dương Minh lại là đường kinh "đa khí đa huyết", chủ về Vệ khí ở phần biểu để giúp cơ thể chống lại ngoại tà.
- Hiếp dâm hay quan hệ tình dục có nhiều mức độ, có thể xuất tinh hay không xuất tinh, có thể vào trong hay ra ngoài cơ thể, liệu huyệt Dương Minh có thay đổi trong các mức độ khác nhau này? Chúng tôi băn khoăn.
- Một người bình thường nếu thấy rằng khí Dương Minh vẫn còn, nghĩa là người đàn ông đó chưa bao giờ quan hệ tình dục với phụ nữ. Dương Minh giống như một sợi mạch hồng hào, to như hạt ngô nằm dưới dái tai, chỉ đứt khi người đàn ông có quan hệ và phải… xuất tinh vào cơ quan sinh dục nữ, nếu xuất ra ngoài, khí Dương Minh vẫn còn. Với phụ nữ thì xem đường kinh Khuyết âm, nằm ở vùng ức, nếu chưa quan hệ với đàn ông thì cũng sẽ không đứt. Những lương y chuyên sâu sẽ biết cách xem cái huyệt này. Bà Hồng giảng giải.
Nghe bà Hồng phân tích, chúng tôi càng thấy rối như canh hẹ, lúc thì “huyệt trai trinh” như “sợi mạch hồng hào”, lúc thì “to như hạt ngô”. Hứng chí, bà Hồng bảo nó to như… kinh nghiệm của bà.
Để thuyết phục chúng tôi, bà Hồng còn tuyên bố: “Đem 100 đàn ông ra, tôi có thể xem ai còn, ai “mất trinh”. Nếu sai, tôi xin được “tử hình”…”. Trong rất nhiều lá đơn mà bà có dự định gửi đi các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương đều có ghi rõ điều này, hai tiếng “tử hình” được nói khơi khơi.
Thuyết phục mãi, bà Hồng cũng cho chúng tôi xem cuốn “cẩm nang” mà bà đã thuộc “nằm lòng” từng dấu chấm, dấu phẩy. Điều bất ngờ là cuốn cẩm nang cổ đó là cuốn sách quốc ngữ, dày hơn 600 trang, có tên CHÂM CỨU HỌC. Lật một số trang, chúng tôi thấy sách có ghi phương pháp bấm cả trăm huyệt đạo con người, nhưng đặc biệt là tịnh không hề có dòng thông tin nào về huyệt Dương Minh, “huyệt trai trinh”. Cuốn sách được in năm 1965, không đề nhà xuất bản nào ấn hành, và của tác giả là Thượng tọa Thích Tâm Ấn chứ hoàn toàn không phải của Hòa thượng Thích Tố Liên như bà Hồng giới thiệu.
Bà Hồng: "Đây là cuốn sách chỉ có duy nhất một bản… trên toàn thế giới".
Lý giải về sự “nhớ nhầm” cả về năm xuất bản lẫn tác giả cuốn sách mà mình nghiền ngẫm mấy chục năm trời, bà Hồng cho biết: Vì mới mổ chân cho nên hay quên! Nhưng có một điều bà luôn nhớ và khẳng định, cuốn sách này chỉ có duy nhất một bản… trên toàn thế giới. Có thể cũng vì yếu tố “độc quyền” và “duy nhất” đó, nên cả thế giới mới có mình bà Hồng biết đến “huyệt trai trinh”?
Và đến giờ, sau mấy chục năm có được cuốn “cẩm nang” đó, bà Hồng vẫn chưa truyền thụ lại cho ai về khả năng tiên đoán “trai tân” mặc dù có nhiều người muốn học. Tôi cảm thấy điều này hơi trái với sự hăng hái, nghĩa khí ngút trời đi minh oan gần đây của bà Hồng? Thậm chí, trong một buổi giao lưu trực tuyến trên báo chí, khi có độc giả hỏi rằng: Với những thanh niên cần chứng minh cái “trinh tiết” cho cô gái mình yêu, liệu bà có giúp? Bà Hồng im lặng.
Ngộ nhận đến khó tin
Biết hỏi thêm cũng không có thông tin gì mới, chúng tôi cảm ơn buổi trò chuyện cởi mở của bà Hồng và đi tìm hỏi chuyên gia để xác tín cái huyệt “Dương Minh” kỳ ảo này một lần nữa.
Lương y lão thành Nguyễn Văn Bách, 87 tuổi, nguyên là thầy thuốc Bệnh viện Đông y Nguyễn Bỉnh Khiêm, khi nghe chúng tôi kể về ý kiến của bà Hồng xung quanh "huyệt trai tân", cụ Bách nói rồi bật cười: Làm thuốc một đời nhưng tôi chưa bao giờ thấy nói đến huyệt Dương Minh xác định trinh tiết như thế. Không biết các chị ấy đọc sách ở đâu…
Trước đó, báo chí cũng phản ánh một số ý kiến của các thầy thuốc không đồng tình với nhận định của Lương y Hồng. BS.Trần Văn Bản, Phó Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho rằng, các sách Đông y kinh điển đều không thấy nhắc tới huyệt Dương Minh hay Khuyết âm để phân biệt trinh tiết.
ThS.Đoàn Minh Thụy (khoa Ngoại Nam học, Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam) - Tổng Thư ký Hội Y học giới tính Việt Nam cũng khẳng định ông đã nhiều năm nghiên cứu, chữa bệnh bằng phương pháp Đông y, song chưa từng tiếp cận tài liệu nào nói về huyệt Dương Minh.
Còn với “vạch trinh tiết”, ông Nguyễn Quốc Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho rằng: “Đã nhiều năm nghiên cứu, chữa bệnh bằng phương pháp Đông y, nhưng tôi chưa bao giờ đọc hay học được từ các bậc tiền bối về cách nhận diện trai tân qua “vạch trinh tiết” ở trên tay hay qua mẹo vặt”.
Thầy thuốc ưu tú Phùng Đình Khánh, Chủ tịch Hội Đông y Ninh Bình khẳng định: “Trong y học cổ truyền không có vạch, huyệt đạo hay bài thuốc nào chỉ cho cách nhận diện trai tân...”.
Với tư cách là một chuyên gia có thâm niên nghiên cứu lâu năm về pháp y tình dục, TS.Vũ Dương, Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia, trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam cũng cho rằng, “tuyệt đối không có chuyện trinh tiết của đàn ông hay đàn bà còn hay mất được thể hiện thông qua các biểu hiện bên ngoài của cơ thể”.
Cũng theo ông Dương, bất kỳ một bác sĩ nào muốn có một nhận định về việc một người đàn ông hay đàn bà đã có sinh hoạt tình dục hay chưa thì phải qua thăm khám, chứ không thể nhìn bên ngoài rồi phỏng đoán được, vì sẽ dẫn đến những sai lầm, nhất là trong ngành pháp y.
Và hơn ai hết, chính bà Hồng cũng không tin tưởng ở cái huyệt trinh tiết mơ hồ, ấm ớ đó. Trong một bài trả lời phỏng vấn, bà Hồng đã kể rằng, sau khi thăm khám cho Nguyễn Đình Lợi, bà Hồng đã gặp Giáo sư Nguyễn Tài Thu và sau cuộc gặp, bà Hồng rất “hoang mang”. Chính vì “hoang mang” không dám chắc vào những phán quyết quyết liệt bất thường với tư cách một thầy thuốc nên thay vì rút lại ý kiến, bà Hồng lặn lội đi tìm đọc hồ sơ, từ việc đọc hồ sơ, bà Hồng mới “phát hiện” ra những sai sót trong tố tụng, để từ đó dân thân vào vụ việc đình đám này.
Thực ra, những sai sót trong tố tụng đã được các luật sư phân tích, có ý kiến, nên việc “phát hiện” của bà Hồng, cộng với sự nghĩa khí và những mối quan hệ gia đình, bà Hồng đã bị lôi vào cuộc, thành “Bao Công” bất đắc dĩ mà thôi.
Xét xử một con người bằng… kinh nghiệm?
Điều đáng buồn là sau khi biết Hội đồng Thẩm phán TANDTC bác kháng nghị, khẳng định 3 bị cáo có tội, tức là phán đoán “huyệt trai trinh” của bà Hồng không đúng, thì không thấy đó là điều đáng suy nghĩ, mà bà Hồng lại cho hay là sẽ theo kiện đến cùng. Và, bà cũng đã chuẩn bị cả một tập đơn dày ngun ngút. Bà Hồng giờ đây đã trở thành nạn nhân của chính cái “huyệt trai tân” mơ hồ kia rồi.
Bà Hồng quả quyết: “Tôi vẫn tin 3 thanh niên đó không phạm tội! Không cần nói đến khoa học làm gì, tôi chỉ cần kinh nghiệm là đủ chứng minh...!"
Khi được hỏi, giả sử những đối tượng lúc thực hiện hành vi hiếp dâm, vì một lý do nào đó họ không “lên đỉnh” hoặc xuất tinh ra ngoài cơ thể nạn nhân, liệu họ có vô tội? Bà vẫn quả quyết: “Tôi vẫn tin 3 thanh niên đó không phạm tội! Không cần nói đến khoa học làm gì, tôi chỉ cần kinh nghiệm là đủ chứng minh…!”.
Lòng nhiệt tình của bà Hồng thật đáng quý, nhưng việc xem xét một hành vi phạm tội không đơn giản, với kiến thức của trường Trung cấp y học dân tộc Tuệ Tĩnh trang bị và 30 năm công tác, bà Hồng hẳn đã có được nhiều kinh nghiệm quý, nhưng có lẽ kiến thức y học còn mênh mông. Chỉ dựa vào kinh nghiệm của mình mà bất chấp khoa học, bất chấp tính pháp lý thì câu chuyện đã vượt ra khỏi phạm vi của một thầy thuốc chân chính mất rồi. Nếu bà Hồng còn tiếp tục hành nghề “Bao Công thời hiện đại” thì không biết hậu quả sẽ đến đâu…
Cũng có thể đó chỉ là cái tính cách “thích nổ” của bà - chả dám trách. Chỉ tiếc là sự bốc đồng ấy, không hiểu vô tình hay hữu ý mà được lắm người tin và đã “thổi” cho bà. Điều ấy mới thực sự gây ra nhiều hệ luỵ.
Nhóm PVĐT