Với người dân nơi đây có lẽ nói “không sợ chết” cũng đúng khi mà đời này qua đời khác, người dân Mẫn Xá, xã Vân Môn (huyện Yên Phong-Bắc Ninh) vẫn miệt mài sống chung với sự ô nhiễm và độc hại từ nghề tái chế nhôm.
Nghề đúc nhôm ở làng Mẫn Xá đã xuất hiện cách đây cả nửa thế kỷ, với hàng trăm xưởng đúc nhôm nằm xen kẽ với khu dân cư, hình thành trên cơ sở gia đình và kinh nghiệm được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ban đầu, người dân đúc xoong, nồi nhưng nay chủ yếu là đúc thanh nhôm. Nhờ sản xuất kinh doanh có hiệu quả, thu lãi lớn nên nhiều hộ dân Mẫn Xá trở nên khá giả và giàu có. Tuy nhiên cái giá phải trả là sự ô nhiễm môi trường sống nghiêm trọng, tràn lan các chất thải độc hại và căn bệnh ung thu đến với hàng loạt các gia đình nơi đây là điều tất yếu.
Người dân Mẫn Xá, xã Vân Môn (huyện Yên Phong-Bắc Ninh) đã sống cùng với nghề tái chế nhôm đã hơn nửa thế kỷ nay.
Biết độc nhưng vẫn làm
Đến với làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá, ai cũng sẽ giật mình bởi những tiếng động ầm ầm đập vào tai. Mùi nồng nồng khó thở bao phủ không khí trong làng bốc ra từ những lò nung đúc phế liệu đang hoạt động.
Quanh đường làng, đâu đâu cũng thấy những bãi xỉ chất đống, bốc mùi khó chịu. Những ao tù chứa các nguồn nước thải khiến nước có màu đen kịt, bốc mùi hôi thối. Các rãnh nước thì ngập ngụa rác thải từ các hộ dân làm nghề. Chỗ thì đen, chỗ thì bạc trắng, chỗ thì đặc sệt màu vàng.
Mới có hít một chút không khí nơi đây thôi mà tôi đã cảm thấy khó thở ở trong ngực, vậy nhưng người dân ở đây vẫn hàng ngày sống chung với bầu không khí ô nhiễm, họ cặm cụi làm việc trong những lò, xưởng đang bốc khói đen nghi ngút.
Khi tôi mang thắc mắc với những người đang làm việc ở trong xưởng về mùi khó chịu nơi đây thì được một chị nhanh nhảu nói: “Chắc chú mới ở đâu tới đây nên không ngửi được mùi này chứ gì. Chúng tôi ngửi mùi này đã mấy chục năm nay rồi, sinh ra cũng đã quen vậy rồi nên có thấy sao đâu”.
Nhìn sang bên cạnh, thấy 2 người công nhân mỗi người bịt một chiếc khăn mặt kín mít chỉ hở mỗi 2 con mắt đang thay nhau dùng xẻng xúc bột nhôm đang đỏ lửa đổ vào các phôi đúc. Theo tính toán của các chuyên gia, bên cạnh các lò đúc thì hàm lượng bụi và khói luôn vượt quá tiêu chuẩn cho phép tới 10-15 lần, điều này khiến tôi tự nghĩ không hiểu qua lớp khăn mặt kia hàm lượng khói bụi liệu giảm đi được mấy phần.
Khi được hỏi, một thợ chuyên nấu phôi nhôm chia sẻ: “Làm việc ở đây nguy hiểm lắm, suốt ngày phải tiếp xúc với lửa nhiệt độ cao, khói bụi nghi ngút lại không có bảo hộ lao động nên hầu như ai cũng bị ảnh hưởng. Nhẹ thì cháy sạm da, nặng thì ốm yếu, sức khỏe tổn hại nhanh chóng nhưng ngày công cao, từ 500.000 - 600.000 đồng/người nên vì mưu sinh nên không ai muốn bỏ khi còn sức”.
Qua tìm hiểu, nhôm thải được các đầu nậu thu mua tập kết về Mẫn Xá với giá rẻ. Cụ thể lon bia có giá 20.000 đồng - 25.000 đồng/kg; khung cửa nhôm thải giá 25.000 đồng - 29.000 đồng/kg..
Trong các xưởng tái chế, nhôm phế liệu được chất chồng thành đống cao ngất chờ vào lò để nung chảy. Vỏ lon bia, xoong nồi cũ, dây điện, phụ tùng máy móc, vành xe hỏng, khung nhôm kính... được thu mua ở khắp nơi sau đó tập kết về xưởng.
Với hơn 300 lò tái chế, đúc nhôm lớn nhỏ, số lượng người lao động lên đến gần 1000 người thì tính trung bình ở làng này tái chế được 8000-10000 tấn nhôm phế thải mỗi năm.
Theo một chủ lò cho biết thì cứ 1kg phế liệu thì thu được 3 lạng nhôm, 7 lạng xỉ còn lại được đem ra ao bòn đãi tiếp cho đến khi hết thì thôi. Còn đối với nhôm thông thường, trong công đoạn tái chế thì cứ 1kg nhôm sẽ thu được 7-8 lạng. “Ớ đây xỉ nhiều đến nỗi không có chỗ vứt nữa rồi”.
Các bao tải chứa xỉ ngổn ngang khắp các lề đường, đồng ruộng, ngõ ngách trong làng.
Đúng như vậy, dọc đường làng ngổn ngang các bao tải chứa xỉ, rồi cả xỉ vứt bừa bãi ra ngoài ruộng, vứt xung quanh các mép ao, bãi rác thải sinh hoạt cũng không còn chỗ chứa, do đã bị lấp đầy bởi hàng chục tấn xỉ thải ra mỗi tháng.
Các ao, hồ trong làng đều đặc quánh một màu đen, đồng ruộng đã bị nghề nấu nhôm “bức tử”, nguồn đất, nguồn nước ô nhiễm không thể canh tác được nữa. Lúa trồng đều không trổ bông, có thì cũng chỉ toàn hạt lép. Ngay cả những cây xà cừ, bạch đàn bên đường cũng héo úa rồi chết dần, chết mòn.
Ao, ngòi là nơi bòn đãi lượng nhôm còn sót lại trong những đống xỉ, cùng với nước thải từ các cơ sở sản xuất đổ ra, đã khiến cho nước trở nên đen kịt, bốc mùi hôi thối.
Đi dọc quanh làng thì hy hữu mới gặp một hộ gia đình không làm nghề tái chế nhôm. Ngồi lại hỏi chuyện, bà chủ nhà kể: “Gia đình tôi không ai làm nghề này cả, người thì làm nhà nước, người thì làm kinh doanh nhưng do sinh ra trong làng nghề nên vẫn phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm, mặc dù không làm thật đấy nhưng ảnh hưởng thì vẫn thế. Nhiều khi khói bụi của các lò đúc bên cạnh bay sang kết thành lớp dày đặc trên mái nhà, khi trời mưa xuống lượng hóa chất độc hại trên mái bị hòa tan có khi còn sủi bọt và có mùi rất khai, nếu rớt trúng tay còn gây phồng dộp”.
Theo ông Nguyễn Đức Phúc, Chủ tịch UBND xã Văn Môn, trong tái chế nhôm, công đoạn ô nhiễm nhất là nấu nhôm. Nguyên liệu được dùng chủ yếu là phế liệu nhôm có nguồn gốc từ vỏ lon, phôi nhôm từ các động cơ chứa đầy dầu mỡ, khung nhôm, xoong nồi nhôm... Trong quá trình nấu, các chất dầu mỡ bám trên phôi nhôm, lớp sơn bên ngoài các lon nước ngọt khiến khí thải bốc mù mịt và đen kịt. Chịu hậu quả nhiều nhất là người làm thuê, họ trực tiếp tiếp xúc cả ngày trong lò với những khối quặng và chất thải.
Và những căn bệnh không tránh khỏi
Trước tình hình ô nhiễm không những giảm đi mà ngày càng trầm trọng hơn thì liên tiếp nhiều người chết do bệnh ung thư là việc đã được báo trước.
Theo thống kê của Trạm Y tế xã Văn Môn cho thấy, những căn bệnh thường gặp nhất là bệnh phổi, gan, bệnh tiêu hóa, bệnh về mắt, đau mắt hột, viêm ngứa và phụ khoa... trong đó tỷ lệ ung thư phổi, lao phổi, gan là chủ yếu. Mỗi năm bình quân số bệnh nhân tử vong tại Văn Môn khoảng 30 người, trong đó có khoảng 20 người bị chết do ung thư.
Hầu hết các bệnh nhân được chuyển đến Trạm đều là những người đã từng có thời gian tiếp xúc trực tiếp và ở gần khu tái chế, nung nấu. Lúc này bệnh đã ở giai đoạn cuối do phát hiện quá muộn vì chủ quan, không khám bệnh định kỳ để phát hiện kịp thời. Tỷ lệ trẻ em mắc các bệnh về hô hấp chiếm tỷ lệ khá cao khoảng 70%...
Không chỉ vậy, ở đây ngày càng nhiều phụ nữ đẻ non hoặc con chết yểu, đặc biệt là các ca đẻ quái thai có chiều hướng tăng lên trong các năm gần đây, trẻ con sinh ra thì chậm lớn, gầy gò. Tuổi thọ trung bình của người dân tại làng và các làng xung quanh cũng thấp hơn nhiều so với tuổi thọ trung bình của cả nước.
Do ý thức của các hộ sản xuất còn kém, hầu hết các hộ chỉ chú trọng vào sản xuất và lợi nhuận mà không quan tâm đầu tư cho việc xử lý chất thải, cải thiện môi trường của cơ sở sản xuất.
Ô nhiễm môi trường các làng nghề ở Bắc Ninh vẫn là bài toán chưa có đáp số. Sức khỏe của người dân nơi đây đang được chính họ mang ra trao đổi với lợi nhuận.