Sơ kết thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tại TAND tỉnh Thanh Hóa

Quốc Huy| 02/04/2019 20:27
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 2/4/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị Sơ kết thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Tòa án.

Tham dự hội nghị có mặt của đồng chí Lê Văn Minh, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao – Đại diện ban chỉ đạo TANDTC; đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Đồng chí Hà Huy Hùng, Phó chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa cùng toàn thể đội ngũ lãnh đạo, Thẩm phán TAND hai cấp tỉnh Thanh Hóa và các hòa giải viên tham gia hoạt động thí điểm.

Toàn cảnh Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Hà Huy Hùng, Phó chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau khi nhận được Kế hoạch số 301/KH-TANDTC ngày 1/10/2018 của TANDTC, tập thể lãnh đạo, Ban cán sự Đảng TAND tỉnh đã ban hành các văn bản báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các nội dung cụ thể những việc cần làm ngay đến TAND các cấp thực hiện thí điểm. Bên cạnh đó, còn ban hành các văn bản gửi Thành ủy, Thị ủy, Huyện ủy, Viện kiểm sát nhân dân  tỉnh và Viện kiểm sát các địa phương nơi thực hiện thí điểm để phối hợp chỉ đạo, thực hiện.

Vào ngày 9/1/2018, Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định thành lập  06 trung tâm Hòa giải, đối thoại tại tòa án gồm: 5/27 đơn vị  Tòa án cấp huyện và 01 Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhân dân tỉnh. Lựa chọn, rà soát , chỉ định 22 đối thoại viên, hòa giải viên. Trong đó, mỗi Tòa án phân công 01 đồng chí lãnh đạo làm Giám đốc Trung tâm hòa giải, đối thoại theo đúng quy định.

Cũng từ thời điểm thành lập đến nay, 06 Trung tâm hòa giải, đối thoại đã tiếp nhận và thụ lý 593 vụ, việc; tỷ lệ các vụ việc được đưa ra hòa giải là 510/593=86%; tỷ lệ hòa giải thành, đối thoại thành trên tổng số vụ việc đưa ra hòa giải, đối thoại là 298/510=58%. Trong đó, tỷ lệ hòa giải thành của vụ việc dân sự là 26/81=32%; Hôn nhân gia đình là 268/343=78%; Kinh doanh thương mại là 1/3=33%; Hành chính 1/83=4%; Lao động 0 vụ việc.

Đồng chí Hà Huy Hùng, Phó Chánh án TAND Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị

Đồng chí Hà Huy Hùng, Phó Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, từ khi thành lập các Trung tâm hòa giải, đối thoại, TANDTC cũng như TAND tỉnh Thanh Hóa đã rất quan tâm chỉ đạo trong việc tập huấn về kỹ năng, trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải cho các hòa giải viên, đối thoại viên. Ngay trong tuần đầu của tháng 8/2018, khóa tập huấn đầu tiên đã được diễn ra tại TANDTC với sự tham gia của hướng dẫn của các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc và các chuyên gia nước ngoài.

Ngoài thành quả đạt được trong thời gian ngắn thí điểm, TAND tỉnh Thanh Hóa cũng đã rút ra một số kinh nghiệm đáng lưu ý như: Việc lãnh đạo, chỉ đạo của Giám đốc Trung tâm và Chánh án tòa án phải cụ thể, sâu sát kịp thời, phân công cho hòa giải viên phải phù hợp với năng lực, kinh nghiệm của từng hòa giải viên; Thẩm phán phải giúp cho hòa giải viên, đối thoại viên về mặt pháp lý, hỗ trợ xây dựng phương án hòa giải, đối thoại, yêu cầu hòa giải viên phải có kế hoạch vụ thể với từng việc, với thời gian bố trí hợp lý.

Cần phải phân công và cử thêm thư ký giúp việc cho các hòa giải viên, hỗ trợ việc tống đạt; hỗ trợ cho các hòa giải viên trong trường hợp cần thiết. Phải tiến hành xác minh, thu thập thêm chứng cứ hoặc đến gia đình vận động, thuyết phục đối với những đương sự cố ý không đến Trung tâm tham gia hòa giải, đối thoại.

Thẩm phán TANDTC Lê Văn Minh chia sẻ kinh nghiệm với các hòa giải viên, đối thoại viên

Các hòa giải viên, đối thoại viên ngoài việc phải nghiên cứu kỹ đơn và các tài liệu, chứng cứ kèm theo đối với các tranh chấp về đất đai, cần phải đến tận nơi có tranh chấp để xem xét tại chỗ, tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp tại địa phương. Qua đó phát hiện ra những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, cũng như nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của đương sự để có phương án hòa giải hiệu quả. Tham khảo thêm ý kiến của các cán bộ chuyên môn xã, huyện trong lĩnh vực đất đai, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch phương án hòa giải phù hợp. Hòa giải viên cần phải dự kiến các tình huống có thể xảy ra khi tiến hành hòa giải và có hướng xử lý, xác định được thời điểm để họp kín riêng với từng bên đương sự

Bên cạnh đó phải thường xuyên (hàng tuần) tổ chức họp rút kinh nghiệm với hòa giải viên, đối thoại viên, cập nhật kiến thức pháp luật hướng dẫn mới về nghiệp vụ, tổ chức trao đổi giữa các hòa giải viên, đối thoại viên với nhau và với Thẩm phán nhằm tìm ra phương pháp hòa giải, đối thoại mới mới có hiệu quả hơn.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa phát biểu tại Hội nghị

Tại hội nghị, Thẩm phán TANDTC  Lê Văn Minh đã ghi nhận những thành quả đạt được của các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Thanh Hóa, bên cạnh đó, Thẩm phán Lê Văn Minh cũng chia sẻ một số kinh nghiệm với các đối thoại viên, hòa giải viên sau khi đại diện các Trung tâm hòa giải tham gia tham luận.

Bên cạnh việc ghi nhận và biểu dương những kết quả trong việc triển khai Đề án thí điểm, đồng chí Đỗ Minh Tuấn cũng đã thẳng thắn nêu ra những vấn đề còn bất cập trong việc thực hiện, triển khai đề án. Đồng chí Đỗ Minh Tuấn cho biết tỉnh Thanh Hóa đã, đang và sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để các Trung tâm hòa giải, đối thoại, cũng như các hòa giải viên, đối thoại viên phát huy hơn nữa vai trò, nhiệm vụ cũng như ý nghĩa của các Trung tâm hòa giải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơ kết thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tại TAND tỉnh Thanh Hóa