Dường như câu chuyện xử phạt hành chính trong giáo dục đã không còn chỉ là mối quan tâm của một bộ phận giáo viên, phụ huynh mà chính những sinh viên trong ngành sư phạm cũng "đứng ngồi không yên".
Cơ hội thất nghiệp cao mà gánh thêm khoản phạt thà học ngành khác
Những ngày qua, dường như vấn đề xử phạt hành chính trong giáo dục đã gây hoang mang cho rất nhiều bạn sinh viên, đặc biệt là những sinh viên đang theo học ngành sư phạm.
Trước Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong giáo dục, PV báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn với một số sinh viên đang theo học ngành sư phạm. Theo bạn L.M.T – sinh viên năm 2 trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Em thấy phạt như thế nặng quá, lương giáo viên thì thấp, như bọn em ra trường chưa có bằng thạc sĩ làm việc cho nhà nước mà lương theo hệ số 2.34 nhân với lương cơ bản nếu phạt 20-30 triệu đồng thì chỉ cần một phép tính đơn giản là biết mất bao nhiêu tháng lương để nộp phạt”.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
L.M.T cũng chia sẻ thêm, nếu mà lương giáo viên cao như nước ngoài thì các hình phạt để răn đe cũng không vấn đề gì. Nhưng nếu sinh viên mới ra trường mức lương cơ bản thì những năm đầu tiên đi làm vẫn cần sự hỗ trợ của gia đình. “Mặc dù yêu nghề nhưng cũng phải có tiền trang trải cuộc sống, sinh hoạt cho bản thân và gia đình”, L.M.T chia sẻ thêm.
Còn theo N.T.V – sinh viên năm nhất trường ĐH Sư phạm Vinh – Nghệ An nói: “Thực sự những ngày qua, nhiều bạn trong lớp em có ý định thi lại đại học. Một phần vì các bạn lo lắng không tìm được việc làm. Cộng thêm, Bộ GD-ĐT vừa ban hành Dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong giáo dục càng khiến các bạn lo lắng hơn. Thậm chí có nhiều bạn dùng đam mê thực sự của mình để theo đuổi ngành học cũng đang cảm giác hoang mang”.
N.TV cũng chia sẻ thêm, Bộ GD-ĐT nói đưa ra nghị định này nhằm bảo vệ nhà giáo, nhân viên, cán bộ quản lý trong trường hợp bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm và xâm phạm thân thể nhưng dường như Bộ chưa hiểu được những khó khăn mà ngành sư phạm hiện đang gặp phải.
“Chúng em rất mừng khi Bộ GD-ĐT nâng chuẩn để chọn sinh viên sư phạm, nhiều chính sách để quan tâm đến ngành sư phạm nhưng gánh thêm những gánh nặng về xử phạt thì chỉ làm cho giáo viên mệt mỏi, chán và tìm cách “hành nghề an toàn” mà không quan tâm đến học sinh học cái gì hay nhân cách của các em ra sao”, N.TV nhấn mạnh.
Nhiều sinh viên đang học theo ngành sư phạm cảm thấy lo lắng khi Bộ GD-ĐT đưa ra Dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong giáo dục. Ảnh Hải Nam.
Lương thấp phạt cao ai còn muốn đi dạy nữa?
Theo chàng sinh viên L.M.T: “Nếu mà đưa ra phạt hành chính mà lương vẫn không tăng thì em nghĩ sẽ rất ít người muốn làm nghề giáo. Đi dạy mà suốt ngày canh cánh lo mình mắc lỗi nhìn thấy học sinh là “sợ” vậy thì thực sự sẽ không thể cống hiến được”.
Trước những Dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong giáo dục, L.M.T kiến nghị, Bộ GD-ĐT trước hết nên giải quyết việc làm cho sinh viên ngành sư phạm sau khi ra trường. Ra trường nguy cơ thất nghiệp thì cao, lương cơ bản thì thấp đã thế dư luận nhiều khi không hiểu mà lên án thì sẽ chỉ làm cho ngành giáo dục đi xuống.
“Bên cạnh đó, những thay đổi trong thi THPT quốc gia, những thay đổi trong chương trình giáo dục phổ thông mới mặc dù chưa ra trường nhưng bọn em cũng phải tìm hiểu để sau này lỡ thay đổi cũng ứng phó kịp. Bởi vậy Bộ GD-ĐT nên hiểu những áp lực mà sinh viên ngành sư phạm cũng như những giáo viên đang gánh phải để khi đưa ra các Nghị định cần cân nhắc thật kỹ”, L.M.T nói thêm.
Còn quan điểm của anh Nguyễn Sóng Hiền - nghiên cứu sinh Trường ĐH Newcastle (Australia) cho rằng: “Khi cơ sở vật chất chưa đáp ứng được các yêu cầu giảng dạy. Khi người giáo viên đang phải căng mình vì những thay đổi của chương trình mới, sách giáo khoa mới, tôi e rằng, những xử phạt này càng khiến cho tư tưởng, tâm lý giáo viên thêm chán nản và ức chế”.
Anh Sóng Hiền cũng thẳng thắn bày tỏ: "Bấy lâu nay tôi có cảm nhận Bộ GD-ĐT đang làm việc rất cảm tính. Nhiều chính sách ban hành hết sức "ngẫu hứng", thiếu đi sự thăm dò dự luận và lấy ý kiến của những người trực tiếp bị tác động, đó chính là đội ngũ giáo viên, các em học sinh và phụ huynh. Đồng thời, cách làm của Bộ GD-ĐT hiện nay chỉ mang tính chắp vá, thiếu tầm nhìn chiến lược. Đặc biệt, thiếu một triết lý giáo dục làm nền tảng căn cơ để thúc đẩy các nguồn lực giáo dục hướng tới con người thế kỷ 21- thế kỷ toàn cầu hoá".
Anh Sóng Hiền kiến nghị, trước lúc đưa ra hình thức xử phạt, Bộ GD-ĐT hãy cải thiện thu nhập cho đội ngũ giáo viên, đảm bảo đời sống cho cho giáo viên. Như vậy, việc dạy thêm học thêm chẳng cần đến Nghị định hay hình thức xử phạt nào cũng có thể giải quyết được.
"Bộ GD-ĐT cũng nên trực tiếp lắng nghe ý kiến rộng rãi với đội ngũ giáo viên để họ có cơ hội bày tỏ và chia sẻ những quan điểm của mình, có như vậy những chính sách ban hành ra mới có khá năng thực thi cao. Còn chưa lắng nghe, làm theo kiểu mệnh lệnh chỉ tạo nên những ức chế dồn nén trong giáo viên. Khi tư tưởng và tâm lý họ không thoải mái, sẻ ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục và người bị thiệt thòi không ai khác chính các em học sinh. Hãy lắng nghe giáo viên nói, họ cần được tôn trọng”, anh Sóng Hiền nói thêm.