Dù cửa rừng đã được đóng từ lâu nhưng “máu rừng” vẫn chảy, thậm chí, ngày càng phức tạp. Điển hình là các vụ phá rừng ở Ban quản lý Rừng phòng hộ Đăk Đoa, Gia Lai.
Từ đầu năm 2020 đến nay, tại lâm phần quản lý của Ban quản lý Rừng phòng hộ Đăk Đoa, Gia Lai (Ban QLRPH Đăk Đoa) xảy ra các vụ phá rừng làm rẫy, khai thác gỗ rừng tự nhiên… một cách “vô tội vạ” khiến nhiều cán bộ bị xử lý.
Theo đó, tại báo cáo mới nhất vào ngày 9/6 của UBND huyện Đăk Đoa, nói rõ tại tiểu khu 420 (địa giới hành chính xã Đăk Sơmei), thuộc lâm phần quản lý của Ban QLRPH Đăk Đoa đã xảy ra tình trạng phá rừng làm rẫy và khai thác lâm sản trái pháp luật.
Rừng bị đốn hạ để lấy gỗ.
Cụ thể: Hành vi phá rừng làm rẫy trái pháp luật tại lô 5, khoảnh 7 với diện tích 4.500m2. Đây là rừng tự nhiên, trạng thái (TXP), quy hoạch rừng sản xuất. Tại hiện trường, lực lượng chức năng ghi nhận diện tích rừng ở đây chủ yếu là cây lồ ô và một số cây rừng có đường kính từ 8-42cm, chiều cao thân cây từ 5-8m, hiện đã bị chặt phá, phát dọn. Toàn bộ phần cành, lá và thực bì đã được đốt cháy. Thời gian bị phá được xác định vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 2020.
Cùng với đó, tại lô 5, lô 6 của khoảnh 7 này còn bị chặt hạ 4 cây gồm mít, sao và cầy. Đường kính gốc trung bình dao động từ 35-50cm. Thời điểm bị chặt hạ được xác định vào đầu tháng 6/2020.
Trước đó gần 2 tháng, cũng lâm phần thuộc Ban QLRPH Đăk Đoa, lực lượng chức năng đã phát hiện tại tiểu khu 406, 408 (địa phận xã Hà Đông) có tới 41 gốc cây bị đốn hạ thuộc loại rừng tự nhiên (27 gốc mới, 14 gốc cũ). Đường kính cây dao động từ 35cm đến gần 1m. Số gỗ còn lại tại hiện trường lên đến 34,8m3. Vụ việc đang được giao cho Công an huyện Đăk Đoa phối hợp với các lực lượng chức năng hoàn tất hồ sơ, khởi tố vụ án để điều tra làm rõ.
Một điều khá đặc biệt, trong các báo cáo ngày 9/6 của UBND huyện Đắk Đoa, các đối tượng chưa được xác định. Vậy nhưng, cơ quan chức năng lại nhận định mục đích của việc chặt gỗ về là để làm nhà.
Phá rừng làm rẫy là tình trạng nhức nhối trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Được biết, đến nay đối với vụ phá rừng được phát hiện vào khoảng tháng 4/2020, một số tập thể và cá nhân chỉ bị kiểm điểm đến khiển trách. Trong đó, lãnh đạo đơn vị Hạt Kiểm lâm huyện nhận hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm trước lãnh đạo huyện Đăk Đoa và Chi cục Kiểm lâm. Một kiểm lâm địa bàn bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm; một kiểm lâm bị kỷ luật khiển trách.
Riêng Ban QLRPH Đăk Đoa đã tổ chức họp, bỏ phiếu với tất cả các những người trong Hội đồng đều kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Hiện đơn vị đã báo cáo lên Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai và đang đợi Sở trả lời đồng ý hay không đồng ý với hình thức kỷ luật này.
Đối với vụ phát hiện rừng mới nhất, các cơ quan chức năng liên quan vẫn đang đợi chỉ đạo từ cấp trên trong quá trình xử lý trách nhiệm. Vậy nhưng, với việc rừng liên tiếp bị xâm hại, thiết nghĩ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp mạnh tay hơn không chỉ với người xâm hại, mà còn đối với lực lượng thực thi bảo vệ rừng.