Quyền sở hữu trí tuệ: Doanh nghiệp còn rất thờ ơ

Minh Hiếu| 27/11/2015 09:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc bảo hộ chặt chẽ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) trên thế giới có ý nghĩa sống còn đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế của tất cả mọi quốc gia trong tương lai. Đây là công cụ pháp lý mà bất cứ quốc gia nào muốn phát triển đều phải sử dụng.

Tuy nhiên, ở nước ta, vấn đề quyền SHTT chưa được các DN coi trọng…

Thờ ơ đăng ký và bảo vệ quyền SHTT   

Có thể nói mặc dù không đóng góp trực tiếp vào giá trị gia tăng cho sản phẩm nhưng việc đăng ký Sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các sản phẩm của một doanh nghiệp lại tạo một môi trường pháp lý, giúp hoạt động đầu tư về tiền của, công sức, trí tuệ của doanh nghiệp được bền vững. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự coi trọng vấn đề này, cụ thể là doanh nghiệp chỉ quan tâm đến việc sáng tạo sản phẩm mới hoặc tập trung vào khâu tiêu thụ mà không quan tâm đến việc đăng ký và bảo vệ quyền SHTT đối với các sản phẩm của mình. Theo Cục Sở hữu trí tuệ, trong số 95.000 nhãn hiệu đăng ký bảo hộ tại Cục Sở hữu Công nghiệp Việt Nam, chỉ 20% là của doanh nghiệp Việt Nam. Trong số đó, đa số nhãn hiệu đăng ký lại là của các doanh nghiệp tư nhân, rất ít doanh nghiệp Nhà nước tham gia. Hậu quả là, sau khi nhãn hiệu bị chủ thể khác sử dụng thì chi phí bỏ ra để giành lại các nhãn hiệu này là rất tốn kém; hay khi có sản phẩm nhái xuất hiện, quyền lợi của doanh nghiệp sẽ không được bảo đảm.

Quyền sở hữu trí tuệ: Doanh nghiệp còn rất thờ ơ

Hội thảo về vai trò của báo chí và quyền SHTT

Bên cạnh đó, từ năm 2005 đến nay, dù việc đăng ký và cấp chứng nhận bảo hộ ở Việt Nam tăng bình quân hàng năm 20% nhưng trên thực tế, hệ thống thực thi quyền SHTT vẫn còn yếu kém, không có Tòa án chuyên ngành để giải quyết tranh chấp giữa các doanh nghiệp về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp; đội ngũ giám định viên còn rất ít; tất cả các vi phạm SHTT tại Việt Nam vẫn đang được xử lý bằng xử phạt hành chính…

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, hiện nay, tình trạng sao chép bất hợp pháp quyền SHTT về hàng hóa diễn ra rất phổ biến, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Trong hai năm 2013-2014, riêng Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã xử lý hơn 32.400 vụ việc liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng, xâm phạm bản quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu… Tổng số tiền phạt lên tới 139 tỷ đồng; tiêu hủy hàng triệu sản phẩm xâm phạm quyền SHTT, giả mạo nhãn hiệu… Đó là chưa kể đến những vi phạm SHTT do các lực lượng khác phát hiện và xử lý như Công an, quản lý thị trường…

Đáng lo ngại hơn, nguy cơ này sẽ ngày càng tăng khi sắp tới TPP có hiệu lực, thị trường được mở cửa rộng rãi cho 11 nước thành viên.

Đăng ký SHTT để bảo vệ quyền lợi của mình

Quyền SHTT bao gồm các quyền sở hữu đối với sản phẩm của hoạt động trí tuệ và tinh thần như tác phẩm văn học, nghệ thuật, tác phẩm khoa học, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý và giống cây trồng.

Các đối tượng sở hữu trí tuệ được Nhà nước bảo hộ gồm: Đối tượng quyền tác giả (bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học); đối tượng quyền liên quan đến quyền tác giả (bao gồm cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá); đối tượng quyền sở hữu công nghiệp (bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý); đối tượng quyền đối với giống cây trồng là giống cây trồng và vật liệu nhân giống (Điều 3, Luật Sở hữu trí tuệ).

Quyền SHTT đang khẳng định vai trò không thể thiếu trong quá trình hình thành một nền kinh tế toàn diện và phát triển bền vững. Chứng chỉ về quyền SHTT là vật chứng bảo đảm cho thành công của mỗi doanh nhân, doanh nghiệp tiến vào thị trường thế giới. Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt, trong bối cảnh TPP sắp có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tham gia môi trường cạnh tranh quốc tế với cường độ cao, với những yêu cầu chặt chẽ về thực thi các quy định về sở hữu công nghiệp. Do đó, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, các doanh nghiệp cần đăng ký SHTT để bảo vệ quyền lợi của mình và hạn chế những tác động xấu trong lĩnh vực này.

Về phía Nhà nước, cần hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký tài sản trí tuệ họ đang có như kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, tên thương mại, bằng sáng chế, đồng thời là đào tạo khẩn trương đội ngũ giám định viên về SHTT cũng như là Thẩm phán của các Tòa án dân sự.

Ngoài ra, cũng cần phải có những thay đổi trong một số luật như Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sản phẩm chất lượng hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật... Về lâu dài, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các Bộ, ngành đề xuất sửa Luật Hình sự, Luật Xử phạt vi phạm hành chính vì trong những luật ấy có những điều khoản liên quan đến SHTT và tiêu chuẩn đo lường chất lượng... cho phù hợp với những quy định quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền sở hữu trí tuệ: Doanh nghiệp còn rất thờ ơ