Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng các yêu cầu lý luận và thực tiễn, trong đó có quy định rút kháng cáo, kháng nghị trong giai đoạn xét xử phúc thẩm.
Điều 342 BLTTHS năm 2015 quy định thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị. Theo đó: Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, Viện Kiểm sát ra quyết định kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo; người kháng cáo rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo; Viện Kiểm sát ra quyết định kháng nghị hoặc Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị.
So với Điều 238 BLTTHS năm 2003, thì Điều 342 BLTTHS năm 2015 đã sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 và khoản 3 Điều này, cụ thể: “2. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên tòa phải lập văn bản và gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm phải thông báo cho Viện Kiểm sát, bị cáo và những người có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị biết về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị. Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa được ghi vào biên bản phiên tòa.
3. Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện kiểm sát rút một phần kháng nghị tại phiên tòa mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác thì Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định về việc rút một phần kháng cáo, kháng nghị và quyết định đình chỉ xét xử phần kháng cáo, kháng nghị đó trong bản án phúc thẩm”.
Theo đó, nếu việc rút kháng cáo, kháng nghị trước khi mở phiên tòa, thì phải lập văn bản thông báo và gửi Tòa án xét xử phúc thẩm. Tòa án xét xử phúc thẩm có trách nhiệm thông báo cho Viện Kiểm sát, bị cáo và những người liên quan đến kháng cáo, kháng nghị biết việc rút kháng cáo, kháng nghị. Nếu việc rút kháng cáo, kháng nghị tại phiên tòa xét xử thì ghi biên bản phiên tòa. Như vậy, thủ tục rút kháng cáo, kháng nghị có thể áp dụng cho cả 2 trường hợp: rút một phần kháng cáo, kháng nghị và rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị.
Trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện Kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị trước khi mở phiên tòa xét xử phúc thẩm, thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. Nếu việc rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị tại phiên toà, thì do Hội đồng xét xử thực hiện.
Ảnh minh họa
Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện Kiểm sát rút một phần kháng nghị mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác, thì một phần kháng cáo, kháng nghị đã rút phải đình chỉ xét xử. Việc ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo, kháng nghị đã rút trước khi mở phiên tòa do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thực hiện; tại phiên tòa do Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định về việc rút đó và quyết định đình chỉ xét xử phần kháng cáo, kháng nghị đó trong bản án phúc thẩm.
Như vậy, khi rút kháng cáo, kháng nghị, thì hậu quả pháp lý của việc rút là đình chỉ xét xử phúc thẩm (tùy vào mức độ rút mà đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với vụ án hoặc đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo, kháng nghị đã rút).
Một số nội dung không thay đổi so với BLTTHS năm 2003 như: Người kháng cáo có quyền rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo, Viện Kiểm sát có thẩm quyền rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị; trường hợp rút toàn bộ kháng cáo, kháng nghị thì việc xét xử phúc thẩm phải được đình chỉ…
Tuy nhiên tại khoản 3 Điều 342 BLTTHS 2015 có thay đổi đáng kể so với khoản 2 Điều 238 BLTTHS năm 2003, đó là: “Trường hợp rút một phần kháng cáo, Viện Kiểm sát rút một phần kháng nghị tại phiên tòa mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác, thì Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định về việc rút một phần kháng cáo, kháng nghị và quyết định đình chỉ xét xử phần kháng cáo, kháng nghị trong bản án phúc thẩm”.
Liên quan đến nội dung này, khoản 2 Điều 348 BLTTHS 2015 quy định: “Trường hợp người kháng cáo rút một phần kháng cáo, Viện Kiểm sát rút một phần kháng nghị trước khi mở phiên tòa mà xét thấy không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị khác thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo, kháng nghị đã rút”. Như vậy, thời điểm trước hoặc tại phiên tòa nếu một phần kháng cáo, kháng nghị bị rút mà phần đó không liên quan đến kháng cáo, kháng nghị còn lại, thì phần kháng cáo, kháng nghị đã rút phải được đình chỉ và Hội đồng xét xử không xem xét đến.
So sánh Điều 241 BLTTHS năm 2003 với Điều 345 BLTTHS năm 2015 quy định về phạm vi xét xử phúc thẩm, khoản 2 Điều 249 BLTTHS năm 2003 với khoản 3 Điều 357 BLTTHS năm 2015 quy định về sửa bản án sơ thẩm đối với những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng nghị thì thấy tinh thần và nội dung không thay đổi: “Trường hợp có căn cứ, Hội đồng xét xử phúc thẩm có thể sửa bản án sơ thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều này cho những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị”…
Quy định về xét xử phúc thẩm nói chung và rút kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm nói riêng trong BLTTHS năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Có thể thấy, quy định rút kháng cáo, kháng nghị đã ghi nhận việc đề cao tính tự nguyện của chủ thể kháng cáo, kháng nghị và góp phần bảo đảm tính ổn định của bản án, giảm bớt số lượng án mà cấp phúc thẩm phải xét xử đồng thời tiết kiệm nhiều nguồn lực cho người tham gia tố tụng và các cơ quan tiến hành tố tụng.