Những người có mái tóc kiểu Afro, tóc vàng, tóc tết hoặc thậm chí đầu hói có thể nhận được sự bảo vệ mới ở Pháp, nơi một nhà lập pháp đến từ vùng Caribe thuộc Pháp đã đưa ra một dự luật chống phân biệt đối xử dựa trên chất tóc, độ dài, màu sắc hoặc kiểu cách đặc biệt.
Dự luật 'lịch sử'
Trong khi một số người cho rằng luật này là không cần thiết, nhiều người cho rằng nó sẽ lấp đầy khoảng trống trong luật pháp hiện hành, nhằm giải quyết vấn đề phân biệt đối xử.
Sau nhiều năm nghe đủ loại bình luận xúc phạm từ bạn học về mái tóc xoăn Afro (tóc xoăn xù bông) của mình, Kenza Bel Kenadil cũng gặp phải sự miệt thị tương tự khi cô bắt đầu đi làm. Ở tuổi 17, cô đã bị nhận xét tại nơi làm việc rằng, mái tóc của cô “thiếu chuyên nghiệp, bẩn thỉu và hoang dã”.
Cuối cùng, khi nhận công việc lễ tân tại một khách sạn ở miền Nam nước Pháp, cô đã bị quản lý la mắng. “Hoặc là cô về nhà và thay kiểu tóc”, sếp cô gầm lên, “hoặc không đến làm việc”.
Sự phân biệt đối xử dựa trên chất tóc, độ dài, màu sắc hoặc kiểu tóc là trọng tâm của dự luật được Olivier Serva, một nghị sĩ thuộc nhóm nghị viện tổng hợp LIOT (các quyền về Tự do, Độc lập, Hải ngoại và Lãnh thổ) từ đảo Guadeloupe thuộc vùng Caribe của Pháp đề xuất. Mục đích của ông là những hành vi phân biệt đối xử về tóc sẽ bị pháp luật trừng phạt. Được giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 9/2023, dự luật sẽ được tranh luận tại Quốc hội vào ngày 28/3/2024.
Trong khi Serva dẫn đầu cuộc chiến chính trị nhằm chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử về tóc thì Bel Kenadil (26 tuổi) lại tiến hành cuộc chiến trực tuyến của riêng mình trong nhiều năm. Cô đăng video lên mạng xã hội - trong số đó có một số video đã thu hút hàng triệu lượt xem - để khiến mọi người chú ý đến vấn đề này.
Khi bị quản lý ở khách sạn đe dọa nhiều năm trước, cô đã về nhà “trong nước mắt” và buộc tóc thành búi. Cô nói: “Tôi không hiểu tại sao mái tóc của mình lại ảnh hưởng đến tính chuyên nghiệp hoặc khả năng được tuyển dụng của mình”.
Để ngăn chặn những tình trạng như vậy tiếp tục xảy ra trong tương lai, Serva đang đề xuất bổ sung những hành vi cụ thể liên quan tới tóc vào danh sách phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình.
“Nó mang tính lịch sử”, Serva nói vào ngày 18/3, sau khi dự luật được Ủy ban Pháp luật Pháp nhất trí đưa ra tranh luận tại Quốc hội. “Pháp là quốc gia đầu tiên trên thế giới nhận thấy sự phân biệt đối xử về tóc ở cấp quốc gia".
Điều này gần như đúng. Mỹ là quốc gia duy nhất ban hành luật về phân biệt đối xử với mái tóc. Một dự luật được gọi là Đạo luật Vương quyền ("Tạo ra một thế giới cởi mở và tôn trọng cho tóc tự nhiên") đã được Hạ viện thông qua vào tháng 3/2022. Đạo luật này nêu rõ, bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về tóc dựa trên chủng tộc tại nơi làm việc, ở nơi công cộng và chống lại những người tham gia các chương trình được liên bang hỗ trợ như chương trình nhà ở, đều bị pháp luật nghiêm cấm.
Dự luật, đặc biệt tăng cường bảo vệ trường học và nơi làm việc đối với phụ nữ da đen, những người bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự phân biệt đối xử về tóc, đã được thông qua ở 24 tiểu bang bao gồm New York, California, Arizona và Texas. Nhưng cho đến nay, luật pháp liên bang vẫn không thành công vì các đảng viên Cộng hòa ở Thượng viện đã ngăn cản việc thông qua đạo luật này vào tháng 12/2022.
Tại Vương quốc Anh, Ủy ban Nhân quyền và Bình đẳng đã ban hành một chỉ thị vào tháng 10/2022 về việc ngăn chặn tình trạng phân biệt đối xử về tóc trong trường học. Nhằm mục đích giúp “các nhà lãnh đạo trường học thúc đẩy một môi trường hòa nhập”, chỉ thị đề cập đến các phần của Đạo luật Bình đẳng để đảm bảo các tổ chức không phân biệt đối xử một cách bất hợp pháp trong chính sách của họ. Mặc dù được áp dụng cho tất cả các hình thức phân biệt đối xử về tóc, nhưng vẫn tập trung vào chủng tộc vì “những nghiên cứu và các vụ án tại tòa cho thấy sự phân biệt đối xử… ảnh hưởng không tương xứng đến những học sinh có kiểu tóc hoặc tóc có kết cấu châu Phi”.
Đã có khung pháp lý, nhưng liệu đã đủ?
Trở lại Pháp, văn bản giới thiệu dự luật phân biệt đối xử về tóc của Serva cho rằng, “những người bị phân biệt đối xử dựa trên chất tóc, màu sắc hoặc kiểu tóc của họ thiếu khung pháp lý cụ thể”.
Nhưng không phải tất cả các nghị sĩ đều chia sẻ quan điểm của ông về vấn đề này và cho rằng, đã có nhiều biện pháp để chống lại sự phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình ở Pháp.
Eric Rocheblave, một chuyên gia luật lao động nói rằng, theo luật lao động của Pháp, “sự phân biệt đối xử dựa trên ngoại hình đã bị cấm” ngay cả khi không có “điều khoản rõ ràng đối với phân biệt đối xử về tóc”.
Rocheblave nhấn mạnh nếu có trường hợp phân biệt đối xử “dựa trên tóc, không có tóc, màu sắc, độ dài hoặc ngoại hình, tôi có thể liên hệ nó với luật pháp hiện hành”.
Điều 225-1 của Bộ luật Hình sự quốc gia liệt kê 25 trường hợp cấu thành sự phân biệt đối xử bị pháp luật cấm, chẳng hạn như khuynh hướng tình dục hoặc quan điểm chính trị. Nhưng đối với những người ủng hộ luật phân biệt đối xử về tóc của Pháp, danh sách này vẫn chưa đủ.
“Nếu vậy thì chúng tôi đã không bị mất việc vì mái tóc của mình. Chúng tôi sẽ không phải chịu những bình luận xúc phạm từ đồng nghiệp. Và tiếp viên của Air France sẽ không phải đưa vụ việc của mình lên Tòa phúc thẩm Pháp”, Bel Kenadil phản bác, dẫn chứng trường hợp của Aboubakar Traoré, người đã kiện Air France vào năm 2012 vì phân biệt đối xử sau khi anh bị cấm bay vì thắt bím tóc phía sau.
Air France cho biết, kiểu tóc của anh không tuân thủ các quy định trong sách hướng dẫn bay dành cho nhân viên, trong đó cho phép nữ nhân viên nhưng không cho phép nam nhân viên tết tóc trên máy bay.
Mười năm sau, Tòa phúc thẩm cao nhất của Pháp ra phán quyết có lợi cho Traoré. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa án tuyên bố rằng, chính sách của hãng là phân biệt giới tính, chứ không phải phân biệt đối xử về tóc.
Kiểu tóc, màu sắc, độ dài hoặc chất tóc
Mặc dù Điều 225-1 quy định rằng “sự phân biệt dựa trên nguồn gốc, giới tính, tình trạng gia đình, tình trạng mang thai, ngoại hình… cấu thành sự phân biệt đối xử với một người”, Serva vẫn quyết tâm cung cấp “sự làm rõ pháp lý cần thiết” bằng cách bao gồm “kiểu tóc, màu sắc, độ dài hoặc chất tóc”. Quy định chi tiết và cụ thể này sau đó sẽ phải được đưa vào các điều khoản của Luật Lao động và Bộ luật Dịch vụ Dân sự của Pháp liên quan đến vấn đề phân biệt đối xử.
Vì Pháp không thu thập dữ liệu dựa trên chủng tộc, sắc tộc hay tôn giáo nên không có nghiên cứu cấp quốc gia nào về mức độ phân biệt đối xử về tóc đối với người da đen ở Pháp.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu năm 2023 của Mỹ do Dove và LinkedIn thực hiện, mái tóc của phụ nữ da đen “có khả năng bị coi là thiếu chuyên nghiệp cao gấp 2,5 lần”. Bên cạnh đó, một nghiên cứu của Vương quốc Anh từ năm 2009 được trích dẫn trong phần giới thiệu dự luật của Serva đã phát hiện ra rằng, cứ ba phụ nữ tóc vàng thì có một người nhuộm tóc màu nâu để tăng cơ hội được tuyển dụng và được coi là “thông minh hơn” trong môi trường chuyên nghiệp.
Serva cũng cho biết sự phân biệt đối xử về tóc ảnh hưởng đến những người đàn ông hói trong một cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Pháp France info vào tháng 4 năm ngoái, đồng thời khẳng định các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng, những người đàn ông hói "có khả năng thăng tiến trong công ty của họ ít hơn 30%".
Văn bản giải thích kèm theo dự luật phân biệt đối xử về tóc của Serva đề cập đến tầm quan trọng của lòng tự trọng và sự tự tin cá nhân, nhưng cũng đề cập đến một yếu tố sức khỏe quan trọng khi nói đến mái tóc xoăn hoặc có kết cấu Afro.
"Một người không thể để tóc tự nhiên trong môi trường chuyên nghiệp, hoặc giáo dục sẽ bị buộc phải giấu tóc hoặc thay đổi bằng cách sử dụng các sản phẩm hóa học”, văn bản viết. “Điều này không hề vô hại. Kiểu tóc buộc chặt cuối cùng có thể dẫn đến rụng tóc do lực kéo và các sản phẩm dùng để duỗi tóc bằng hóa chất có thể gây bỏng da đầu.
Một nghiên cứu năm 2022 của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) cho thấy, những phụ nữ sử dụng các sản phẩm duỗi tóc bằng hóa chất có nguy cơ mắc ung thư tử cung cao hơn những phụ nữ không dùng.
Bel Kenadil nhấn mạnh: “Đây là bằng chứng cho thấy vấn đề này cần được xem xét nghiêm túc".