Đâu chỉ là hành vi quay lén phim chiếu rạp, đằng sau lại là cả một câu chuyện về văn hóa và câu chuyện bản quyền ở ta.
Đâu chỉ có phim Việt, nhiều phim nước ngoài cũng bị khán giả quay lén khi vừa ra rạp. Một phần vì muốn “khoe”, một số khác lại mang mục đích kiếm lời vì những phim chiếu rạp phải mất một thời gian dài mới đến được tất cả mọi người. Ở đây, lại là câu chuyện văn hóa xem phim và chuyện bản quyền đối với sản phẩm phim nói riêng và các sản phẩm văn hóa nói chung, ở ta mới chỉ nghiêm trên giấy?
Đau đầu chuyện quay lén phim
Trường hợp bộ phim Cô Ba Sài Gòn của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân bị một thanh niên sinh năm 1998 quay lén đang làm xôn xao cả làng phim Việt và dư luận. Đây không phải là lần đầu tiên phim Việt bị quay lén ở rạp và phát tán rộng rãi trên mạng xã hội, gây thiệt hại nặng nề cho phía nhà sản xuất và phía đơn vị phát hành. Theo ước tính của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, với 30 phút bị phát tán trên mạng xã hội, họ bị thiệt hại khoảng 250 triệu đồng. Hiện tại, Ngô Thanh Vân đã làm việc với cơ quan công an tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, nơi thanh niên quay lén và khẳng định sẽ kiên quyết và không khoan nhượng trong cuộc chiến “nói không với quay lén phim chiếu rạp”.
Ngô Thanh Vân làm việc với cơ quan công an trong vụ việc phim Cô Ba Sài Gòn bị quay lén
Trong biên bản giải trình sự việc, cậu thanh niên này đã thừa nhận về hành vi của mình "có live stream phim, bị nhân viên phát hiện và tôi đã xóa ngay sau đó", đồng thời chịu mọi hình thức xử lý theo quy định pháp luật. Hiện tại, T. đã được giao cho công an xử lý.
Ngô Thanh Vân cũng vì chuyện này mà đăng đàn bức xúc, tuyên bố có thể sẽ không sản xuất phim nữa vì cho rằng những trường hợp này đang giết chết phim Việt.
Trước đó, NSND Hồng Vân cũng đã "khóc than" trên trang cá nhân của mình khi phim Xóm trọ 3D bị quay lén. Hay như trường hợp của bộ phim Em chưa 18 của đạo diễn Lê Thanh Sơn và Charlie Nguyễn ra rạp cách đây vài tháng cũng từng bị quay lén và tung lên mạng xã hội khiến cho nhà sản xuất của bộ phim đau đầu, dàn diễn viên thậm chí còn gặp nhiều gạch đá. Chính Ngô Thanh Vân cũng từng khóc ngay tại buổi họp báo khi “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” do mình sản xuất cũng bị khán giả quay len. Danh sách phim bị vi phạm bản quyền dài ra theo từng năm. Không chỉ riêng phim Việt, hàng loạt phim bom tấn nước ngoài cũng bị quay lén.
Theo đánh giá tại một cuộc hội thảo về bản quyền phim điện ảnh và truyền hình ở Việt Nam, có đến 40% các bộ phim chiếu rạp bị phát tán ngay khi công chiếu. Hành vi này ảnh hưởng mạnh đến doanh thu và có thể khiến đơn vị phát hành hay bản thân rạp chiếu bị phạt nặng vì vấn đề bản quyền.
Có thể nói đích ngắm đầu tiên của nạn quay lén phim chiếu rạp chính là các bộ phim Việt Nam đang trong đợt công chiếu. Những bộ phim hot thường trở thành đối tượng của các web phim trực tuyến. Việc quay lén này đã đem về nguồn lợi không nhỏ cho những trang web này. Những năm vừa qua được coi là "hố đen" của dòng phim nội địa khi những tác phẩm điện ảnh nước nhà liên tục bị phát tán bản nháp lên mạng. Các bộ phim hot đều không thoát khỏi ống kính của các phim tặc.
Câu chuyện bản quyền và văn hóa xem phim
Sau sự việc gây ồn ào của Cô Ba Sài Gòn và nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, nhiều người lại đặt câu hỏi về văn hóa xem phim của người Việt và vấn đề bản quyền ở ta.
Những năm gần đây, thị trường phim Việt đã có một vài tín hiệu đáng mừng khi mang đến cho khán giả những bộ phim có sự đầu tư về cả nội dung lẫn kĩ thuật. Nhiều bộ phim ra rạp nhận được sự quan tâm và yêu mến của khán giả như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Em chưa 18,… Tuy nhiên, nếu nói phim Việt ngày càng phát triển thì ý thức xem phim của người Việt lại ở mức báo động khi ngày càng nhiều bộ phim gặp phải sự cố bị quay lén, livestream trong thời gian ra rạp. "Bản cam" - từ khóa không xa lạ với những người xem phim trên Internet. Chỉ cần gõ "Bản cam phim" trên Google, hàng triệu kết quả được đề xuất, từ phim Việt cho đến phim nước ngoài và cả những phim mới phát hành. Chỉ cần một chiếc camera cầm tay hay điện thoại thông minh, thành quả từ công sức và tiền bạc của đoàn làm phim bỗng trở thành "của miễn phí" trên mạng.
Công nghệ phát triển cho phép truyền tải trực tuyến video trên Facebook lại càng khiến nạn xâm phạm bản quyền tác phẩm điện ảnh trở nên nhức nhối. Livestream chính là một hình thức truyền hình trực tiếp trên facebook, nhiều người đã sử dụng hình thức này để thu hút sự chú ý của cộng đồng.
“Vì yêu nghề và tâm huyết. Vì những giá trị truyền thống. Và vì mong muốn được gửi đến khán giả thông điệp hãy thương yêu những gì ông bà ta để lại. Chiếc áo dài sẽ luôn là thứ chúng ta cần bảo tồn. Xin hãy yêu quý và trân trọng cái gốc rễ, cũng như mong khán giả hãy ủng hộ những gì được làm nên bởi chính chúng ta....”- nhà sản xuất Ngô Thanh Vân nhắn nhủ đến khán giả sau sự việc vừa qua.
Có thể thấy, việc quay lén phim chiếu rạp dù vô tình hay hữu ý của một bộ phận khán giả, trong đó hầu hết là những người còn rất trẻ đã gây ra thiệt hại lớn đối với nhà sản xuất và phản ánh được thực trạng về văn hóa xem phim người Việt còn thua xa các nước tiên tiến trên thế giới, những quốc gia có nền công nghiệp điện ảnh phát triển hơn ở ta rất nhiều.
Có nhiều người dù đã biết những quy định của rạp và của pháp luật về bản quyền nhưng vẫn ngang nhiên thực hiện hành vi quay lén, tung lên mạng. Điều đó xuất phát từ bản tính tò mò, ham miễn phí của một bộ phận người Việt và hơn hết là vì sự “thích nổi tiếng”, và muốn được “khoe” với thiên hạ. Bởi họ biết rằng, khi livestream hay phát tán trên các trang mạng thì họ sẽ được quan tâm, chú ý nhiều hơn và bạn bè có thể xem hết trọn vẹn bộ phim mà không phải bỏ tiền ra rạp. Nhưng có một bộ phận quay lén lại xuất phát từ việc kiếm lợi, họ càng lôi kéo càng nhiều người xem, số tiền họ kiếm được càng nhiều. Điều này gây thiệt hại không nhỏ cho nhà sản xuất và đơn vị phát hành phim, gây bức xúc trong dư luận.
Mặc dù hiện tại đã ra nhiều luật, tổ chức bảo vệ bản quyền tác phẩm nghệ thuật, bảo vệ quyền nghệ sĩ nhưng vấn nạn vi phạm bản quyền vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí ngày càng phức tạp.
Theo Điều 225 Bộ Luật Hình sự năm 2015 về tội xâm phạm quyền tác giả, hành vi này có thể bị phạt với khung phạt cao nhất là 1 tỉ đồng và 3 năm tù giam, mức phạt thấp nhất cũng khoảng 50 triệu đồng. Còn theo Nghị định 131, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng. Các chủ thể quyền có thể áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền của mình theo điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ.
Trước Cô Ba Sài Gòn, hầu hết các nhà sản xuất phim chỉ biết “kêu trời” khi phim của mình bị quay lén sau khi vừa ra rạp. Khi các bản quay lén này bị phát hiện chủ yếu chỉ xử phạt ở mức lập biên bản và yêu cầu gỡ video nhưng đến chỉ khi đến Cô Ba Sài Gòn, nhà sản xuất đã quyết tâm lên tiếng bảo vệ "đứa con tinh thần" của mình, sâu xa hơn là bảo vệ một nền điện ảnh trong sạch cho chính họ và khán giả. Đây cũng là khởi đầu cho các nhà sản xuất phim sau này để có thể chấm dứt tình trạng quay lén phim ra rạp, xem phim một cách văn minh hơn, tôn trọng đoàn phim, đơn vị phát hành, và đặc biệt là tuân thủ quy định về luật sở hữu trí tuệ, luật bản quyền, bảo vệ một nền điện ảnh đúng nghĩa.
Đã đến lúc cần xử thật nặng những hành vi quay lén phim chiếu rạp hay thông điệp nói không với quay lén phim chiếu rạp mà nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đưa ra sau sự cố của Cô Ba Sài Gòn.