Vừa qua, Báo Công lý nhận được đơn kiến nghị của bà Nguyễn Thị Đào, trú tại số 6C, tổ 37, cụm 5, Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội, phản ánh về việc UBND quận Tây Hồ gây khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ.
Theo phản ánh, diện tích đất 615m2 đất thể hiện trong sổ mục kê năm 1960 mà gia đình bà Nguyễn Thị Đào đang thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) là đất ông cha, tổ tiên để lại.
Ngày 28/6/2018, bà Đào đã làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ số 6C, hẻm 37/5/27 Xuân La để có thể xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống.
Theo quy định của UBND TP Hà Nội về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất, thì thời gian để UBND cấp quận, huyện tại Hà Nội cấp giấy chứng nhận QSDĐ và quyền sở hữu nhà ở cho hộ gia đình là không quá 40 ngày (Quyết định 12/2017/QĐ-UBND ngày 31/3/2017 của UBND TP.Hà Nội). Tuy nhiên đến nay đã hơn 1 năm kể từ ngày nộp hồ sơ, bà Nguyễn Thị Đào vẫn chưa được UBND quận Tây Hồ cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Nguyên nhân của việc chậm trễ này được cho là bà Nguyễn Thị Đào không cung cấp các giấy tờ theo đúng yêu cầu của Phòng Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) quận Tây Hồ.
Văn bản 293TN&MT của Phòng tài nguyên và Môi trường quận Tây hồ yêu cầu cung cấp hồ sơ
Cụ thể tại văn bản số 293/TN&MT của Phòng TN&MT quận Tây Hồ, yêu cầu bà Đào cung cấp giấy tờ về nhà đất biến động từ ông Duyệt sang ông Bích (ông Duyệt là bố đẻ của ông Bích chồng bà Nguyễn Thị Đào). Tuy nhiên tại sổ mục kê năm 1960, ghi rõ chủ sở hữu là ông Nguyễn Tất Duyệt, tới năm 1970 ông Duyệt mất đi (thời điểm này không có quy định pháp luật nào của Nhà nước về thừa kế, khi mất đi và để lại di sản), để lại mảnh đất này cho vợ chồng con trai duy nhất là ông Nguyễn Tất Bích và bà Nguyễn Thị Đào quản lý sử dụng, đồng thời cũng là nơi để thờ cúng tổ tiên. Từ đó đến nay, đã 48 năm, gia đình ông Bích, bà Đào quản lý, sử dụng mảnh đất này.
Theo Khoản 1 Điều 623 Bộ Luật Dân sự năm 2015 có quy định về thời hiệu thừa kế: Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.
Những hồ sơ mà bà Nguyễn Thị Đào cung cấp để được cấp giấy chứng nhận QSD đất.
Mặt khác cũng theo văn bản số 293/TN&MT Phòng TN&MT quận Tây Hồ, yêu cầu bà Đào bổ sung bản đồ năm 1960 để làm căn cứ cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Bà Nguyễn Thị Đào đã làm việc với UBND phường Xuân La, nhiều lần cung cấp các giấy tờ cần thiết, sổ mục kê 1960 và cũng đã thống nhất với diện tích 615 m2 tại sổ mục kê này.
Biên bản làm việc giữa UBND phường Xuân La và bà Nguyễn Thị Đào
Vậy căn cứ vào Luật Đất Đai năm 2013; Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và đặc biệt là Quyết định 12/2017/QĐ-UBND ngày 31/3/2017 của UBND TP. Hà Nội đã quy định rõ về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất ổn định, thì việc yêu cầu người dân phải cung cấp giấy tờ biến động về nhà đất từ năm 1960 giữa người bố để lại cho con trai liệu có đúng thủ tục pháp luật?.
Đến đây, dư luận đặt ra câu hỏi nguyên nhân vì sao thời gian cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho gia đình bà Đào lại kéo dài đến vậy? Liệu có phải bà Nguyễn Thị Đào đang bị “làm khó” trong việc xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ?
Sổ mục kê năm 1960 thể hiện phần diện tích đất được gia đình bà Nguyễn Thị Đào xác nhận
Để làm rõ hơn những nội dung này Phóng viên Báo Công lý đã liên hệ đặt lịch làm việc với các cơ quan chức năng quận Tây Hồ, tuy nhiên vẫn chưa có thời gian cụ thể.
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.