Sau khi đạt 53,7 điểm vào tháng 1/2022, chỉ số nhà quản trị mua hàng ngành xuất Việt Nam (PMI) tiếp tục tăng lên 54,3 điểm trong tháng 2/2022.
IHS Markit vừa công bố báo cáo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 2/2022.
Trong đó có ba điểm nhấn đáng chú ý: Sản lượng và đơn đặt hàng mới tăng với tốc độ cao nhất trong mười tháng; Tỷ lệ tạo việc làm chỉ ở mức khiêm tốn và các vấn đề đang diễn ra với nguồn cung cấp nguyên liệu thô.
Theo báo cáo, khu vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục phục hồi vào tháng 2, chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhanh hơn nữa và sự tự tin được duy trì. PMI của Việt Nam đã tăng từ 53,7 điểm vào tháng 1 lên 54,3 điểm vào tháng 2, báo hiệu một sự tăng trưởng đáng kể tháng thứ tư liên tiếp. Các điều kiện kinh doanh hiện đã được cải thiện sau nhiều tháng bị gián đoạn do làn sóng COVID-19 lần thứ tư trong năm 2021.
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng và điều kiện kinh doanh ổn định đã góp phần làm sản lượng sản xuất tăng nhiều tháng liên tiếp.
Những yếu tố này đã thúc đẩy mức độ lạc quan của giới kinh doanh về triển vọng sản lượng trong năm tới. Hơn một nửa số người tham gia khảo sát cho biết, sản lượng dự kiến tăng tới đây.
Tuy nhiên, bức tranh sản xuất không hoàn toàn tốt đẹp khi các doanh nghiệp vẫn đang gặp vướng mắc về nguồn cung hạn chế. Điều này đang kìm hãm đà tăng sản lượng, theo IHS.
Các công ty vẫn gặp khó khăn trong việc thuyết phục một lượng đủ lớn công nhân trở lại nhà máy để giải quyết lượng công việc tồn đọng, trong khi nguyên vật liệu vẫn khan kiếm.
Các nhà sản xuất cho biết, giá cả đầu vào tiếp tục tăng mạnh phản ánh việc các nhà cung cấp nâng giá bán nguyên liệu. Doanh nghiệp cũng đề cập đến giá dầu phi mã gần đây. Việc chuyển gánh nặng chi phí sang khách hàng đã khiến giá bán tháng sao cao hơn tháng trước trong 18 tháng. Tốc độ tăng đã nhanh hơn so với tháng 1.
Hoạt động mua hàng hóa đầu vào đã tăng mạnh trong tháng 2 khi các công ty cố gắng nhập hàng để hỗ trợ tăng sản lượng. Do đó, tồn kho hàng mua đã tăng nhanh nhất trong 10 tháng, trở thành mức tăng lớn nhất từng được ghi nhận. Tồn kho thành phẩm cũng tăng vào giữa quý I, mặc dù mức tăng chỉ là nhẹ.
Tuy nhiên, phía IHS cũng thông tin, các nhà sản xuất đang hy vọng những khó khăn sẽ giảm dần trong các tháng tới, giúp sản lượng thoát khỏi sự kìm hãm này.