Phó Thủ tướng: Không thể để đợt dịch đau thương, tổn thất lớn xảy ra lần nữa

Thảo Nguyên| 10/11/2021 17:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhấn mạnh cuộc chiến chống Covid-19 vẫn đang tiếp diễn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị khẩn trương khắc phục các hạn chế, không thể để một đợt dịch đau thương nữa.

Chiều 10/11, phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên chất vấn về lĩnh vực y tế sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra các biện pháp cần triển khai ngay để giữ vững thành quả chống dịch và để Việt Nam có thể thật sự ở trạng thái bình thường mới.

Phó Thủ tướng cho biết, nếu ví chống dịch là một cuộc chiến thì đến nay, chúng ta kiểm soát được tình hình theo Nghị quyết 128 và mọi việc dường như được khởi sắc. Chỉ số phục hồi Covid-19 theo nghiên cứu 1 tháng trước, chúng ta đứng chót bảng thì bây giờ đã đứng giữa bảng.

dam.jpeg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

"Tuy nhiên, cuộc chiến này vẫn đang tiếp diễn. Từ mấy ngày nay số ca nhiễm vẫn tăng, ngay các đại biểu ngồi đây có nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh mấy hôm nay họp Quốc hội vẫn phải thường xuyên chỉ đạo với tỉnh nhà. Tất cả những ý kiến, góp ý của các đại biểu về các bất cập, hạn chế, là người trực tiếp theo dõi từ đầu, đã nằm ở trong vùng dịch, tôi thấy rất đúng", ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng, có những thứ mới xuất hiện trong lúc chúng ta chống dịch khi hệ thống y tế bị quá tải, nhưng cũng có những tồn tại, không chỉ trong ngành y tế, trong cả quản lý điều hành, xã hội nói chung. Chúng ta phải khẩn trương khắc phục bởi không thể để một đợt dịch gây đau thương, tổn thất lớn như vừa rồi xảy ra nữa.

Ông cho rằng, không chỉ lực lượng y tế, công an, quân đội, mà lực lượng cán bộ chính quyền, ở TP.HCM hay các địa phương có ca nhiễm nặng là vô cùng vất vả và đều quá tải. Có những phường ở Bình Dương có tới 18.500 người nhiễm. Cả Đồng bằng sông Cửu Long nhiễm ít nhưng căng hơn dây đàn vì không có vắc xin, hệ thống y tế yếu…

"Chúng ta không phải xã hội lý tưởng, quản lý như máy tính, hằng đêm chúng tôi vẫn phải giải quyết hàng trăm bà con đi từ TP.HCM, Bình Dương về các tỉnh. Giải quyết thông thoáng cho đi cũng không được vì hôm sau bà con về nhiều hơn, mà giữ bà con lại, người già, trẻ con, có khi là mưa gió, day dứt lắm. Tất cả đồng chí lãnh đạo các tỉnh đều vô cùng day dứt, không có ai yên lòng được đâu. Giờ chúng ta phải giữ vững được thành quả này", ông Đam chia sẻ.

Theo đó, Phó Thủ tướng cho rằng những việc cần tập trung là tiêm khi có vắc xin về, chấp nhận còn lây lan, song tốc độ lây chậm đi và tỉ lệ nhiễm nặng sẽ thấp hơn, cho phép chúng ta bình tĩnh hơn sau khi tiêm xong vắc xin.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thông tin hiện Việt Nam đã đảm bảo đủ vắc xin tiêm hai mũi cho người từ 18 tuổi và sẽ lần lượt phân bổ cho các tỉnh, thành trong tháng 11.

"Bây giờ chúng ta tập trung tiêm thật an toàn", ông Đam nói và phân tích thêm, dù tiêm hết vắc xin cho tất cả dân số từ 12 tuổi trở lên, mới chỉ đạt 80% dân số được bảo vệ. Vì vậy, người dân cần tiếp tục thực hiện các biện pháp 5K để tránh quá tải cho hệ thống y tế.

Việt Nam cũng sẽ chủ động về vắc xin, kit xét nghiệm trong thời gian tới; nguồn thuốc điều trị cũng đã được đảm bảo. Việc cách ly người nhiễm, nghi nhiễm sẽ theo phương thức mới, "để mọi người được thực sự sống trong bình thường mới như các nước châu Âu đang làm".

"Việt Nam sẽ vươn lên là một trong nhóm các nước có độ bao phủ vắc xin lớn nhất thế giới. Thời gian một tháng tới rất quan trọng", Phó Thủ tướng cho hay.

Ông nói thêm là tiêm vắc xin rồi nhưng vẫn lây nhiễm, nên phải đeo khẩu trang. Theo đó, Quốc hội làm gương đeo khẩu trang, toàn dân chúng ta vẫn phải 5K. Bởi nếu không thực hiện, lây nhiễm nhiều người, sẽ quá tải hệ thống y tế. Dẫn chứng, hiện ta mới tiêm 100% người từ 12 tuổi trở lên thì cũng chỉ được 80% dân số, vắc xin bảo vệ cũng chỉ được 80%, nên chỉ 64% được bảo vệ. Do đó, ta không làm tốt an toàn trong sinh hoạt, sản xuất thì sẽ dẫn tới quá tải, khi mấy chục triệu người vẫn còn nguy cơ.

Về thuốc điều trị, nước ta đã có đủ thuốc điều trị virus như molnupiravir. Điều quan trọng là điều trị sớm và thực hành điều trị tại nhà. Đặc biệt, cần giám sát người có bệnh nền, tuổi cao, nhất là trẻ em do chưa được tiêm vắc xin. Ai có triệu chứng phải điều trị ngay lập tức.

"Quan trọng nhất là phải diễn tập năng lực chỉ huy, phối hợp, điều hành với tất cả lực lượng. Bình thường có thể làm tốt nhưng khi bước vào tình trạng đặc biệt nghiêm trọng, tình trạng khẩn cấp, thảm họa y tế thì lúng túng. Không chỉ tập huấn về y tế mà cán bộ quản lý cơ sở cấp huyện cũng cần tập huấn. Làm tốt những điểm này, sẽ tránh được tổn thất và kinh tế sẽ phục hồi", ông Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng: Không thể để đợt dịch đau thương, tổn thất lớn xảy ra lần nữa