Sáng 26/12, Ban soạn thảo Luật Đối thoại, Hòa giải tại Tòa án đã có phiên họp đầu tiên công bố Quyết định thành lập và ra mắt Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chủ trì buổi họp.
Tạo ra bước đột phá về cải cách tư pháp
Phát biểu khai mạc, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Thực hiện Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, TANDTC đã ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và chuẩn bị dự thảo một số tài liệu của Dự án Luật.
Đây là buổi họp đầu tiên để ra mắt Ban soạn thảo Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án - một Dự án Luật rất quan trọng, góp phần đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính, tạo ra bước đột phá về cải cách tư pháp.
Để triển khai xây dựng Luật này đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, Ban soạn thảo cần có kế hoạch cụ thể, khoa học. Trong đó, việc phân công trách nhiệm và sự phối hợp giữa các thành viên Ban soạn thảo phải hết sức cụ thể, chặt chẽ; các công việc phải làm theo quy định của Luật Ban hành văn bản, quy phạm pháp luật cần phải được thực hiện nghiêm túc, đúng trình tự, thủ tục và đáp ứng yêu cầu về thời hạn.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội nghị
Tại phiên họp, Ban soạn thảo thông qua Kế hoạch xây dựng dự án Luật, Quy chế hoạt động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập. Đồng thời, dành thời gian chủ yếu để cho ý kiến đối với một số nội dung của dự án Luật còn có ý kiến khác nhau. Bởi đây sẽ là cơ sở để cơ quan chủ trì soạn thảo định hướng, tiếp tục hoàn thiện các nội dung của dự thảo Luật, bảo đảm khi dự án Luật được gửi sang Uỷ ban Tư pháp để thẩm tra sẽ có sự đồng thuận cao của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học; bảo đảm các quy định của dự án Luật khả thi, phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đạt được mục tiêu đề ra.
Báo cáo về quan điểm chỉ đạo và định hướng xây dựng dự án Luật, đại diện Vụ pháp chế và quản lý khoa học TANDTC cho biết: Hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là nhu cầu và đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, cao thượng, “hai bên cùng thắng”, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai, tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân.
Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề của Tòa án trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp.
Với ý nghĩa nêu trên, tăng cường hòa giải, đối thoại luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, được xác định trong nhiều văn kiện quan trọng về cải cách tư pháp. Tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Việc Tòa án mở rộng thí điểm hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành là một hướng đi đúng đắn".
Xây dựng Luật để đáp ứng nhu cầu xã hội
Cơ chế hòa giải ngoài tố tụng, ngoài Tòa án được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân tiến hành theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng chất lượng hòa giải không cao; phần lớn là những tranh chấp, xích mích nhỏ trong nhân dân; kết quả hòa giải không có giá trị bắt buộc nên hiệu lực thi hành hạn chế.
Cơ chế hòa giải, đối thoại trong tố tụng có giá trị pháp lý và được thi hành bằng con đường thi hành án nhưng chủ thể tiến hành hòa giải, đối thoại là Thẩm phán - người sẽ tiến hành xét xử, bị hạn chế bởi các quy định pháp luật về sự vô tư, khách quan, chỉ tuân theo pháp luật, phải chấp hành Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán, nên nhiều trường hợp khó linh hoạt để đưa ra những giải thích, lời khuyên có tình, có lý giúp các bên tranh chấp cảm thông, chia sẻ, nhượng bộ và hòa giải.
Quang cảnh Hội nghị
Những năm qua, các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính vẫn không ngừng tăng lên tỷ lệ thuận với quy mô tăng dân số và tăng trưởng của nền kinh tế. Cùng với những sửa đổi, bổ sung của các đạo luật mới, thẩm quyền của Tòa án được mở rộng, làm cho số lượng các vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng nhiều so với các năm trước, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp; số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ngày càng nhiều.
Tòa án luôn trong tình trạng quá tải; nhiều vụ án dân sự, hành chính phải xét xử qua nhiều cấp trong nhiều năm; bản án, quyết định của Tòa có hiệu lực pháp luật nhưng chậm được thi hành đã ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với Tòa án.
Với thực trạng pháp luật và tình hình giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thông qua hòa giải, đối thoại như trên đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nghiên cứu, xây dựng một cơ chế pháp lý mới đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của người dân và xã hội.
Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật Hòa giải được quán triệt theo hướng: Thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về việc hoàn thiện pháp luật về hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, đối thoại các khiếu kiện hành chính; cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội về nâng cao tỷ lệ hòa giải thành các vụ việc dân sự; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của thiết chế hòa giải, thương lượng trong giải quyết tranh chấp, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, giữ gìn sự đoàn kết trong nhân dân; đổi mới thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án; giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế, xã hội
Bảo đảm nguyên tắc về cải cách tư pháp, cải cách hành chính, không làm tăng bộ máy, tổ chức, biên chế của TAND; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Khuyến khích các bên tự nguyện sử dụng hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính; việc xét xử là phương thức giải quyết tranh chấp được sử dụng cuối cùng nếu việc hòa giải, đối thoại tại Tòa án không thành.
Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật về hòa giải, đối thoại.
Đặc biệt, để xây dựng Luật này, TANDTC đã tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của pháp luật nước ngoài về hòa giải, đối thoại; phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, góp phần đáp ứng việc hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Hội nghị đã tiến hành công bố Quyết định thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập; thảo luận cho ý kiến về hồ sơ dự án Luật.