Phát triển Thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn bình thường mới

Thanh Thảo| 23/10/2021 16:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thành phố Thông minh (TPTM) Bình Dương là đề án mong muốn xây dựng một hình ảnh Bình Dương mới, được quy hoạch bài bản theo mô hình TOD (mô hình phát triển chuỗi đô thị dọc theo các tuyến giao thông công cộng), là điểm đến của giao thương quốc tế và là nơi đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phát triển đô thị theo mô hình TOD

Vừa qua đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát trên địa bàn tỉnh Bình Dương và các tỉnh khu vực phía Nam, giai đoạn sắp tới, Bình Dương bước vào thời kỳ bình thường mới. Đây chính là lúc để phục hồi kinh tế và phát triển các dự án trọng tâm của tỉnh, đặc biệt trong đó là quyết tâm triển khai Đề án TPTM của Bình Dương.

Đề án TPTM mà trọng tâm hiện nay là đề án Vùng Đổi mới Sáng tạo Bình Dương đã cô đọng chiến lược phát triển của Bình Dương trong mô hình 5 lớp: Quy hoạch đô thị và giao thông; Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo; Về phát triển kinh tế cân bằng; Chuyển đổi số và Công nghiệp 4.0; Phát triển và thu hút nguồn nhân lực.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Becamex IDC cho biết: Về Quy hoạch đô thị và giao thông tập trung phát triển đô thị theo mô hình TOD, đây là mô hình phát triển chuỗi đô thị dọc theo các tuyến giao thông công cộng. Việc phát triển và quy hoạch các khu dân cư nhà ở theo mô hình TOD và Kiến tạo nơi chốn sẽ giúp phân bổ dân cư đồng đều, thúc đẩy thương mại địa phương, văn hóa giao thông công cộng, văn hóa đường phố. Tới đây, Becamex IDC chuẩn bị khởi công Điểm TOD đầu tiên A1. Và nhiều điểm đô thị TOD nữa sẽ được phát triển dọc theo tuyến giao thông công cộng kết nối vào với hệ thống Metro Bến Thành Suối Tiên. Trước tiên là hệ thống bus BRT và tương lai là hệ thống Metro.

Cùng với đó, giải quyết ùn tắt giao thông Quốc Lộ 13 và đường Mỹ Phước – Tân Vạn – Bàu Bàng. Trong đó có Dự án Cải tạo và nâng cấp Quốc Lộ 13 tại những điểm nghẽn bằng việc xây dựng các cầu vượt, hầm chui, đường gom, đường song hành dọc theo tuyến. Hiện tại, đội ngũ chuyên môn đã phân tích từng điểm nút và đề xuất giải pháp cụ thể cho từng nút giao thông.

phat-trien-thanh-pho-thong-minh.jpg
Phối cảnh điểm TOD A1- Thành phố Mới Bình Dương

Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo

Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo cũng là một trong những lớp quan trọng của mô hình này. Hiện nay tại TP Mới Bình Dương, trường ĐH Quốc tế Miền Đông đang có hơn 20 doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động, với hệ thống phòng Techlab, Fablad, Vườn ươm doanh nghiệp phục vụ khởi nghiệp, thu hút các nhà khởi nghiệp về sáng tạo ra các ý tưởng mới, ứng dụng vào thực tế cuộc sống. Điểm nhấn là công trình Xưởng thực nghiệm phục vụ khởi nghiệp trong công nghiệp, với lợi thế có nền tảng sản xuất công nghiệp, Bình Dương là nơi thích hợp nhất cho việc xây dựng và phát triển khởi nghiệp trong công nghiệp và sản xuất. Công trình hiện nay đang trong giai đoạn xây dựng và gần hoàn thiện, hứa hẹn sẽ là địa điểm lý tưởng cho việc thực hiện các ý tưởng khởi nghiệp trong công nghiệp.

Theo đó, để phát triển kinh tế cân bằng, việc thu hẹp khoảng cách giữa thương mại dịch vụ và công nghiệp là yêu cầu cấp bách của Bình Dương trong giai đoạn mới. Thấy được yêu cầu đó, việc xây dựng khu Trung tâm Thương mại Thế giới TP Mới Bình Dương, và trở thành thành viên của Hiệp hội các trung tâm thương mại thế giới WTCA là cánh cửa giúp Bình Dương giao thương với 230 trung tâm Thương mại thế giới trên toàn cầu. Trước đó Bình Dương đã tổ chức nhiều sự kiện quốc tế lớn như Horasis 2018, 2019, với sự tham gia của nhiều chính khách và doanh nhân trong và ngoài nước.

Ngoài ra, đề án Khu thử nghiệm thương mại điện tử xuyên biên giới, là đề án cấp quốc gia, thí điểm mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới đầu tiên tại Việt Nam. Hàng hóa phục vụ các sàn thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á sẽ đươc lưu trữ tại các kho ngoại quan tại đây, khi có đơn hàng phát sinh ở quốc gia nào thì hàng sẽ được chuyển đến đó và thông quan. Đề án sẽ là đòn bẩy giúp định vị Bình Dương là trung tâm Logistics cho Thương mại Điện tử khu vực Đông Nam Á.

Mặt khác Bình Dương có nền tảng công nghiệp lớn vì vậy việc phát triển công nghệ, xây dựng chiến lược chuyển đổi số cho cả khu vực công và khu vực tư rất phù hợp để phát triển công nghiệp 4.0. Thời gian qua Bình Dương đã có nhiều ấn tượng trong mô hình phát triển các khu công nghiệp thông minh, với việc ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ tự động hóa trong việc quản lý và vận hành các khu công nghiệp, như khu công nghiệp VSIP 3,…với chức năng nhà máy xử lý nước thải thông minh, tự động, đèn đường thông minh tiết kiệm năng lượng, camera giao thông thông minh,… Hiện nay, Becamex IDC cũng đang xây dựng trung tâm điều hành thông minh để quản lý các khu công nghiệp. Dần hình thành những khu chuyên môn nhằm thu hút các nhà khoa học và các kỹ sư về làm việc để phát triển các sản phẩm, nghiên cứu các công nghệ 4.0, nhà máy thông minh để từng bước ứng dụng trong thực tế sản xuất.

Đề án Thành phố Thông minh sớm trở thành hiện thực

Hơn 6 năm thiết lập mối quan hệ hữu nghị, tỉnh Bình Dương và thành phố Eindhoven, Becamex IDC cùng tổ chức Brainport, EIPO đã tích cực triển khai nhiều hoạt động hợp tác, mà nổi bật là phát triển Đề án TPTM Bình Dương. Đề án đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tạo đòn bẩy rất lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội Bình Dương thời gian qua.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết: Giai đoạn sắp tới, Bình Dương bước vào thời kỳ bình thường mới, tỉnh sẽ tiếp tục gắn kết chặt chẽ với Eindhoven, với tổ chức Brainport, EIPO, quyết tâm triển khai Đề án TPTM như mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra. Đây sẽ là động lực quan trọng để Bình Dương khôi phục sau làn sóng Covid-19, đột phá đón kỷ nguyên 4.0.

Một trong những trọng tâm của Đề án TPTM 2021-2026 là qui hoạch Vùng Đổi mới sáng tạo, tập trung nguồn lực để đưa tỉnh vươn cao hơn nữa trên trường quốc tế, gia nhập các hiệp hội uy tín trên thế giới. Đề án TPTM cũng như Vùng ĐMST sẽ phát triển dựa vào mô hình hợp tác chặt chẽ Ba Nhà: nhà nước – nhà doanh nghiệp – nhà trường, và tập trung triển khai 5 lớp.

Ban Điều Hành, Sở ban ngành liên quan phối hợp với Becamex IDC, doanh nghiệp, viện trường nhanh chóng tập trung đẩy mạnh các dự án trọng điểm của Thành phố Thông minh đã đề ra như: Khu Công nghiệp khoa học công nghệ, Trung tâm Thương mại thế giới WTC, Mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), phát triển Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo, đặc biệt trung tâm là Thành phố Mới - thành phố của ĐMST – KHCN. Quyết tâm hoàn thiện, đồng bộ hóa Cơ sở dữ liệu của từng ngành, là nền tảng để xây dựng Trung tâm Điều hành TPTM, hoàn thành trước 6/2022. Từng ngành, từng huyện thị phối hợp quyết tâm triển khai số hóa, cải cách hành chính, trước 1/1/2022 không còn thủ tục hành chính giấy.

Đồng thời tiếp tục tổ chức các sự kiện tầm vóc thế giới, đẩy mạnh hợp tác quốc tế: đặc biệt với Eindhoven, Brainport Hà Lan, Daejeon Hàn Quốc, ICF, Horasis, Hiệp hội các Trung tâm thương mại thế giới… cũng như kết nối với các thành phố, tổ chức khác. Thông qua Vùng ĐMST, duy trì, giữ vững Top21, Top7 của ICF, vươn đến các danh hiệu quốc tế và gia nhập các hiệp hội toàn cầu khác…

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT becamex IDC cho biết, phát triển nguồn nhân lực, là lớp quan trọng nhất trong mô hình 5 lớp. Nguồn nhân lực luôn quan trọng và quyết định sự thành công của mọi chiến lược, bởi vậy chiến lược phát triển, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực là vấn đề cốt lõi trong việc triển khai và phát triển Đề án TPTM. Đồng thời chỉ rõ, để một đô thị thông minh hay thành phố Thông minh phải thỏa mãn được 3 yếu tố kết nối, bao gồm: kết nối hạ tầng, kết nối xã hội và kết nối công nghệ.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển Thành phố thông minh Bình Dương giai đoạn bình thường mới