Văn hóa - Du lịch

Phát triển du lịch Pù Luông chuyên nghiệp, hấp dẫn, đầu tư cáp treo

Thanh Phương 30/11/2023 - 17:04

Ngày 30/11, UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái của tỉnh, có tính chuyên nghiệp, có cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.

Đề án thực hiện trên diện tích 16.986,16ha thuộc phạm vi quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (Pù Luông) và kết nối với các xã vùng đệm 2 huyện Bá Thước và Quan Hóa. Kinh phí dự kiến khoảng 182,93 tỷ đồng.

dulichbt.jpg
Pù Luông có cảnh sắc tuyệt đẹp, người dân giữ được nét văn hóa truyền thống.

Chỉ tiêu cụ thể của đề án đến năm 2025: Đón khoảng 15.800 lượt khách du lịch đến Pù Luông (khách quốc tế chiếm 30%, khách nội địa 70%), góp phần đạt mục tiêu 108.000 lượt khách đến huyện Bá Thước và 15.000 lượt khách đến huyện Quan Hóa; Doanh thu đạt khoảng 12,6 tỷ đồng.

Thu hút được ít nhất 2 nhà đầu tư để hợp tác, liên kết và thuê môi trường rừng để phát triển du lịch trong rừng đặc dụng Pù Luông; xây dựng hoàn thiện khu hành chính tại thôn Pà Ban, xã Thành Sơn và tập trung phát triển các điểm tham quan, du lịch tại thác Canh Chan, hang Kho Mường, đỉnh Pù Luông, suối Già.

puluongbt.jpg
Nhiều khu nghỉ dưỡng đẳng cấp được đầu tư xây dựng tại Pù Luông.

Kết nối các điểm du lịch tạo thành 9 tuyến du lịch nội vùng, 7 tuyến kết nối liên vùng và 5 tuyến chạy marathon băng rừng. Tạo việc làm cho trên 300 người (trực tiếp và gián tiếp) và góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người lên 52 triệu đồng/năm.

Đến năm 2030, đón được khoảng 27.000 lượt khách (khách quốc tế chiếm 35%, khách nội địa 65%) góp phần đạt mục tiêu 370.000 lượt khách đến huyện Bá Thước và 31.700 lượt khách đến huyện Quan Hóa. Doanh thu đạt khoảng 33 tỷ đồng, đưa tỷ trọng từ nguồn thu du lịch trở thành nguồn thu chính, tái đầu tư phát triển Pù Luông.

lnagnghedl.jpg
Những làng nghề truyền thống vẫn được duy trì để thu hút du khách.

Kêu gọi nhà đầu tư thiết kế, xây dựng hệ thống tuyến cáp treo nối liền khu Trung tâm hành chính đi đỉnh Pù Luông, kết nối khu du lịch Cao Sơn (thôn Son - Bá - Mười); tập trung đầu tư 3 điểm tham quan, du lịch tại quần thể Thông Pà Cò, khu du lịch Cao Sơn và khu nghỉ dưỡng sinh thái Pù Luông. Kêu gọi, thu hút được ít nhất 3 nhà đầu tư để hợp tác, liên kết và thuê môi trường rừng để phát triển du lịch; tạo việc làm cho khoảng 500 lao động (trực tiếp và gián tiếp) trên địa bàn.

Định hướng đến năm 2045, đón được khoảng 50.000 lượt khách du lịch đến Pù Luông (khách quốc tế chiếm 50%, khách nội địa 50%) góp phần đạt mục tiêu 500.000 lượt khách đến huyện Bá Thước và 50.000 lượt khách đến huyện Quan Hóa.

khachtaydl.jpg
Khách nước ngoài thích thú khi khám phá Pù Luông.

Tổng thu từ hoạt động du lịch khoảng 85 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tăng trưởng 257% so với năm 2030. Từ đó, đưa Pù Luông trở thành một trong những trung tâm du lịch sinh thái của tỉnh, có tính chuyên nghiệp, có cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc trưng, chất lượng cao.

Các loại hình du lịch bao gồm: Du lịch sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe; du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa bản địa; du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh; du lịch thể thao, mạo hiểm; du lịch khám phá kết hợp học tập, nghiên cứu chuyên đề về hệ sinh thái rừng trên núi đá, đa dạng các loài động, thực vật rừng, môi trường khí hậu, địa hình; du lịch nông nghiệp.

Đề án cũng đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể về bảo vệ môi trường du lịch, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; các cơ chế, chính sách; giải pháp nâng cao nhận thức và phát triển nguồn nhân lực du lịch; quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; phát triển loại hình, sản phẩm du lịch; đầu tư và liên kết phát triển du lịch...

Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; thu hút, kêu gọi đầu tư thuê môi trường rừng, phát triển, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương gắn với xây dựng thương hiệu du lịch sinh thái Pù Luông.

Thời gian qua, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có với cảnh sắc tuyệt đẹp của Pù Luông, ngành du lịch Thanh Hóa và chính quyền địa phương đã quy hoạch, phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng.

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Bá Thước có khoảng hơn 80 cơ sở lưu trú; trong đó số cơ sở lưu trú dạng homestay, khu nghỉ dưỡng tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông tập trung chủ yếu ở các xã Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng; nhiều hộ liên doanh, liên kết với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài đến đầu tư và nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô.

Số lượt khách và doanh thu từ du lịch không ngừng tăng qua các năm. Năm 2022, hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh trở lại sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, du lịch Bá Thước đón 82.646 lượt khách, vượt 122% so với năm trước, cao nhất từ trước đến nay (khách quốc tế là 5.447 lượt, khách trong nước là 77.199 lượt). Từ đầu năm 2023 đến nay, du lịch Bá Thước đón 50.054 lượt khách (8.451 lượt khách nước ngoài), lượng khách trung bình khoảng trên 1.500 lượt/ngày đêm; doanh thu ước đạt trên 85 tỷ đồng...

Các sản phẩm du lịch của huyện không ngừng được làm mới, đa dạng, phong phú hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách. Điều quan trọng, hấp dẫn nhất của du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng Pù Luông là gia tăng tính trải nghiệm, bảo tồn hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Du khách được thỏa sức trải nghiệm thực tế đời sống cộng đồng tại địa phương như: Tìm hiểu phong tục, tập quán, leo núi đào măng, hái rau rừng, thưởng thức các giá trị văn hóa ẩm thực với các món ăn đặc sản, dân gian mà không kém phần hấp dẫn (vịt Cổ Lũng, cá sông lòng hồ Thủy điện Bá Thước 2, cá Dốc, lợn Mán, măng đắng, rau rừng...; tham quan, trải nghiệm mua sắm sản phẩm dệt thổ cẩm thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm, tham gia chợ phiên phố Đoàn; tìm hiểu nghề nấu rượu siêu men lá; sản phẩm dược liệu khu Son - Bá - Mười...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch Pù Luông chuyên nghiệp, hấp dẫn, đầu tư cáp treo