Văn hóa - Du lịch

Bài 4: Chuyển đổi số - "Đòn bẩy" cho du lịch cộng đồng

Nguyên Thảo 29/06/2023 - 19:38

Trong định hướng chung phát triển ngành du lịch, du lịch cộng đồng đang là hướng đi mới được kỳ vọng sẽ mang lại một nguồn thu ổn định. Vì vậy, gắn kết du lịch cộng đồng với chuyển đổi số và hướng tới các mục tiêu phát triển điểm đến, sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng sẽ là “đòn bẩy” phát triển du lịch trong tương lai.

b4-chuyendoiso(1).png
ban-sao-bai-1-dlcd-1-.png

Chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch nói riêng là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Đây cũng là vấn đề mang tính chiến lược được đặt ra trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đại dịch Covid-19 khiến cách thức tiếp cận du lịch thay đổi. Nắm bắt xu thế đó, ngành du lịch đã và đang tích cực triển khai "du lịch số". Đây được xem như "đòn bẩy" thúc đẩy ngành du lịch phục hồi và phát triển bền vững hơn. 

Trước đây, việc truyền thông, quảng bá du lịch chủ yếu được thực hiện trực tiếp thông qua các hội thảo, hội chợ, giới thiệu sản phẩm, trải nghiệm về du lịch, thì những năm gần đây, đặc biệt sau khoảng thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, xu hướng này đã có nhiều thay đổi, trong đó đặc biệt chú trọng việc sử dụng các nền tảng xã hội, hệ thống mạng internet và các thiết bị thông minh. Từ đó, quảng bá du lịch qua nền tảng số được xem là con đường nhanh nhất để đưa hình ảnh du lịch đến gần với du khách trong và ngoài nước hơn.

Theo ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đổi mới, sáng tạo, phát triển du lịch thông minh, chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu và là định hướng ưu tiên của du lịch toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã rất chủ động với nhiều chủ trương, chính sách để tận dụng những cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để phát triển đất nước nói chung, phát triển du lịch nói riêng.

b4-nguyenlephuc.png

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, phát triển du lịch cộng đồng cốt lõi phải bắt đầu từ định hướng sản phẩm du lịch và thị trường mục tiêu. Sản phẩm đặc sắc, mang đặc trưng, lợi thế bản địa, chất lượng cao và hướng tới thị trường nào là vấn đề quyết định sự thành công của du lịch cộng đồng. Ứng dụng công nghệ là công cụ kết nối, giải pháp thúc đẩy đưa sản phẩm tới thị trường.

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với chuyển đổi số thực chất là sử dụng ứng dụng công nghệ kết hợp với khai thác các giá trị bản địa, truyền thống, sức mạnh cộng đồng, hình thành điểm đến có sản phẩm đặc trưng, chất lượng cao.

Cùng với đó là kết nối, vận dụng các hoạt động truyền thống với các ứng dụng mới như quảng cáo trực tuyến, đặt tour trực tuyến - booking online (đối với tour, homestay, ẩm thực, dịch vụ trải nghiệm...), thanh toán trực tuyến nhằm đưa đến cho khách du lịch những trải nghiệm tốt nhất. 

Thực hiện xúc tiến, quảng bá, rút ngắn khoảng cách, đưa những giá trị truyền thống, đặc sắc nhất của các điểm du lịch cộng đồng ở vùng cao đến với khu vực đô thị, thu hút du khách đến thông qua các kết nối ứng dụng công nghệ như website, mạng xã hội, công cụ tìm kiếm trực tuyến…

Đồng thời, xây dựng, phát triển các kênh phân phối, sàn giao dịch trực tuyến kết nối với thị trường gửi khách phục vụ riêng cho quảng bá điểm đến và thúc đẩy sản phẩm du lịch cộng đồng; hỗ trợ các hộ gia đình, điểm du lịch cộng đồng trực tiếp đăng ký, chào bán sản phẩm du lịch   trên cơ sở kết nối với các kênh thông tin, xúc tiến quảng bá của ngành du lịch.

"Một mục tiêu khác trong việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với chuyển đổi số đó là nâng cao nhận thức, hỗ trợ người dân nông thôn tiếp cận, làm chủ công nghệ, vận dụng các ứng dụng công nghệ hiệu quả trong phát triển du lịch", ông Nguyễn Lê Phúc cho biết.

Cũng theo ông Phúc, hiện nay, phần lớn điểm đến và sản phẩm du lịch cộng đồng có quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất tự phát, chủ yếu do các hộ gia đình, hợp tác xã, tổ hợp tác khai thác nên hạn chế về năng lực, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ thấp hơn... so với các khu vực khác. Do đó, cần sự hỗ trợ của nhà nước, của các chuyên gia để chuyển đổi số ở khu vực này đi vào thực chất, hiệu quả.

Cần thực hiện kết nối và xây dựng các ứng dụng thuận tiện nhất để bà con ở những vùng cao, vùng nông thôn, vùng khó khăn có cơ hội tiếp cận công nghệ số, tiếp cận thị trường du lịch. Đồng thời có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng dài hạn, thường xuyên về công nghệ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như người dân để nâng cao trình độ, năng lực tiếp cận với công nghệ phục vụ phát triển du lịch.

chuyen-doiso.jpeg
Người dân học cách sử dụng điện thoại thông minh, áp dụng công nghệ vào du lịch cộng đồng.

Theo ông Phạm Hải Quỳnh  - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ trong tiếp cận khách du lịch là xu hướng tất yếu và trong các giải pháp phát triển du lịch Việt Nam, ứng dụng công nghệ thông tin được coi là khâu đột phá. Đây là hướng đi đúng và cần thiết của du lịch Việt Nam để tận dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ. 

Trong thời đại công nghệ 4.0, kết nối qua không gian mạng giúp làm mờ khoảng cách địa lý, cũng như tạo ra những ấn tượng, trải nghiệm ban đầu cho du khách. Nhằm tạo ra sức bật, đưa du lịch cộng đồng phát triển, cần xây dựng những câu chuyện về giá trị nhân văn tại nơi đó; phát triển một bộ thuyết minh cho các tuyến du lịch; tạo ra những hình ảnh, hoặc biểu tượng về những nét văn hóa, lịch sử đặc thù, đặc hữu.

phamhaiquynh(1).png
chuyendoiso(1).jpeg

Tổng Cục Du lịch đã ban hành Quyết định số 553/QĐ-TCDL về Kế hoạch triển khai Đề án "Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn".

Kế hoạch được ban hành nhằm tổ chức quán triệt đầy đủ, sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, chủ trương và chính sách của Đảng và Chính phủ gồm có: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 3/9/2020 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, cụ thể hóa và tổ chức triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Quyết định số 3570/QĐ-BVHTTDL ngày 21/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án "Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn".

b4-tit.png

Là một trong những địa phương đi đầu trong việc ứng dụng nền tảng số trong lĩnh vực du lịch cộng đồng, Hà Giang đã thể hiện sự linh hoạt, thích ứng trong tình hình mới.

Ông Nguyễn Hồng Hải - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết, để thúc đẩy ngành "công nghiệp không khói", Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết số 18 của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tạo nền tảng cho thúc đẩy văn hóa, du lịch. 

Nhiều đề án, dự án triển khai công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, như: Đề án Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Đề án Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch; Đề án Giáo dục kỹ năng sống và văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020…

Mặt khác, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, như: Tổ chức biên soạn tin, bài, tiểu phẩm… bằng nhiều tiếng dân tộc; tuyên truyền cổ động trực quan (pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu); tuyên truyền lưu động, qua hệ thống loa phát thanh, tuyên truyền miệng tại các buổi sinh hoạt khu dân cư, nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố… ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, đăng tải, giới thiệu đặc trưng văn hóa Hà Giang trên các nền tảng số. Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành thực hiện tốt nhiệm vụ đối với lĩnh vực văn hóa, du lịch.

b4-chuyendoi.png

Ngành du lịch của tỉnh triển khai linh hoạt, đồng bộ các giải pháp ứng dụng truyền thông số trong quảng bá; phối hợp triển khai hệ thống phần mềm Cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động. Đồng thời, ký kết thỏa thuận về việc hợp tác triển khai thí điểm kế hoạch truyền thông du lịch; phát triển thêm kênh tiếp cận khách du lịch mới trên Instagram sử dụng tên gọi "Check in Hà Giang". Tổng đài chăm sóc khách hàng đa kênh với bộ nhận diện các kênh tương tác mới đã hoạt động, gồm: Thoại qua đầu số hotline 19001046; mạng xã hội: Fanpage Facebook và Instagram "Check in Hà Giang"; cổng thông tin du lịch myhagiang.vn và ứng dụng du lịch thông minh Hà Giang Tourism; email checkinhagiang.cskh@gmail.com. 

Đổi mới hình thức, nội dung, xây dựng clip quảng bá du lịch trên các trang web, mạng xã hội youtube, tiktok; tổ chức thường niên các lễ hội, sự kiện; tích cực tham gia quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng; tiếp tục triển khai thí điểm Cổng thông tin du lịch, ứng dụng du lịch thông minh và tổng đài chăm sóc khách hàng đa kênh về du lịch đang là những giải pháp đồng bộ, hiệu quả giúp mũi nhọn du lịch tỉnh ta tạo bước đột phá mới, hội nhập kịp thời, thu hút đông đảo du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với mảnh đất địa đầu Tổ quốc.

Trích đoạn trong MV "Hà Giang ơi" quảng bá nét đẹp Hà Giang.

Có thể khẳng định, với những gì Hà Giang đã và đang triển khai để phát triển ngành du lịch, với những nỗ lực không ngừng từ phía các nhà quản lý, các đơn vị doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ, cơ quan chuyên môn cùng sự phối hợp tích cực từ các ngành, các cấp, tại mỗi địa phương trong tỉnh đều đã và đang thể hiện sự quyết tâm, phấn đấu đưa du lịch Hà Giang phát triển mạnh mẽ, hoàn thành được chỉ tiêu đề ra đón 3 triệu lượt khách du lịch vào năm 2025, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh; góp phần quảng bá bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, tạo sinh kế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Bằng sự nỗ lực vượt qua khó khăn do đại dịch đã mang lại hiệu quả tích cực trong quảng bá văn hóa, du lịch, tạo môi trường kết nối, tương tác giữa đơn vị kinh doanh, cung ứng dịch vụ du lịch về điểm đến, các dịch vụ ăn uống, lưu trú, vận tải cho du khách, xây dựng hình ảnh Hà Giang đổi mới, năng động.

bai-1-dlcd-1-.png

Theo ông Nguyễn Cao Cường - Giảng viên Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ báo chí Truyền thông (Hội Nhà báo Việt Nam), chuyên gia chuyển đổi số, ở khu vực nông thôn và miền núi thì du lịch cộng đồng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận công nghệ. Sự hạn chế kiến thức về du lịch, ứng dụng công nghệ và cách giữ gìn các giá trị bản địa cũng là rào cản của rất nhiều điểm du lịch cộng đồng. Hơn nữa nhiều giải pháp công nghệ đòi hỏi chi phí lớn, trong khi thu nhập từ các dịch vụ du lịch cộng đồng chưa cao.

"Khi triển khai làm chuyển đổi số cho bản Lô Lô Chải (Hà Giang), Ngọc Chiến (Sơn La) hay một số điểm đến phía Bắc, chúng tôi gặp nhiều khó khăn về đào tạo và hỗ trợ cho phần lớn người dân. Đôi khi việc đào tạo vấp ngay từ ban đầu; nhiều người dân ngay cả việc chụp ảnh, viết nội dung, gửi hình ảnh để giới thiệu cơ sở của mình cũng không có chọn lọc, không tạo ra được điểm nhấn để thu hút khách du lịch tới địa phương", ông Cường nói.

b4-nguyencaocuong.png

Nhìn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang) từng ngày thay da đổi thịt với cơ sở hạ tầng dịch vụ, điện lưới và nước sạch được trang bị đầy đủ, đường làng được đổ bê tông, ít người biết rằng, gần hai chục năm trước, nơi đây từng là thôn làng hẻo lánh và lạc hậu, đời sống của bà con gặp không ít khó khăn. Kể từ khi phát triển mô hình du lịch cộng đồng đến nay, diện mạo thôn làng đã thực sự khởi sắc, trong đó phải kể tới vai trò của người đặt nền móng.

Là thế hệ 7x, lại sinh sống ở bản làng của một huyện miền núi địa đầu Tổ quốc, cứ ngỡ ông Sình Dỉ Gai, dân tộc Lô Lô, trú tại xã Lũng Cú (Hà Giang) sẽ “lạc hậu” trong việc sử dụng công nghệ thông tin. Nào ngờ, khi tiếp xúc mới hay, người đàn ông này sử dụng mạng xã hội thuần thục không chỉ để phục vụ mục tiêu giao lưu, kết nối thông tin với mọi người mà còn như một giải pháp để quảng bá, tìm nguồn khách hàng đến với homestay của gia đình.

anh-chup-man-hinh-2023-06-29-luc-5.31.07-ch.png
Những hình ảnh về du lịch Lô Lô Chải được đăng tải lên mạng xã hội khiến ai cũng muốn "xách ba lô lên và đi".

Trước dịch bệnh Covid-19, ngôi nhà cổ xây dựng cách đây hơn trăm năm đã được sửa sang trở thành homestay của nhà trưởng thôn Sình Gai đón khoảng 300 lượt khách/tuần. Thu nhập từ dịch vụ nghỉ khoảng chừng 20-30 triệu đồng/tháng. Năm 2020 và 2021 do dịch bệnh Covid-19 bùng phát, homestay không có khách. Năm 2022, dịch bệnh được khống chế, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, hai vợ chồng anh quyết định đẩy mạnh trở lại dịch vụ du lịch cộng đồng.

Cách mà anh Sình Gai quảng bá và mời khách tới với làng mình, nhà mình là sử dụng mạng xã hội. Mọi thông tin liên quan đến dịch vụ ăn, nghỉ, vui chơi, giải trí đều được anh chia sẻ công khai lên mạng xã hội. Như Sình Gai nói: “Nhờ cách làm không mất phí này, homestay đã bắt đầu có khách trở lại, đánh dấu sự phục hồi đầy triển vọng”.

Thực hiện chương trình trọng tâm của các cấp về phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống, thôn Lô Lô Chải đang cụ thể hóa theo hướng phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ. Các hộ làm du lịch đang thực hiện rất bài bản, để thuận tiện, khách du lịch đến đây có thể đặt phòng nghỉ, đặt cơm trên Facebook, Zalo.

Các hộ kinh doanh cập nhật hằng ngày về khai báo tạp trú, tạm vắng trên nhóm zalo riêng. Làng Lô Lô Chải với vốn có là văn hóa truyền thống được lưu giữ và bảo tồn, người dân làm du lịch ở đây đang tiến tới sự chuyên nghiệp, đây chính là những yếu tố thu hút du khách nhiều hơn trong nay mai.

Chị Sình Thủy thực hiên clip tiếng Anh giới thiệu về du lịch cao nguyên đá Đồng Văn

Thuộc thế hệ 8X nên Lường Văn Xiên -  Giám đốc Hợp tác xã du lịch cộng đồng Ngọc Chiến (huyện Mường La, Sơn La) còn sử dụng mạng xã hội để quảng bá, mời gọi khách du lịch sớm hơn anh Gai. Từ năm 2015, anh Xiên đã quảng bá trên Facebook; rồi sau đó tiếp tục quảng bá trên Zalo.

Nhiều clip về cảnh đẹp ở xã Ngọc Chiến được đăng tải lên mạng xã hội.

Anh Xiên chia sẻ, hợp tác xã đã được huyện hỗ trợ 280 triệu đồng để lập hòm thư điện tử, website, fanpage để quảng bá và tương tác với người tiêu dùng, chuẩn hóa sản phẩm và hoàn thiện các tiêu chí lĩnh vực du lịch của chương trình OCOP và được công nhận đạt 4 sao, nhiều du khách biết tới hợp tác nhiều hơn.

Theo anh Xiên, tận dụng mạng xã hội trong kinh doanh dịch vụ du lịch mang lại rất nhiều lợi ích. Một là không mất phí quảng bá. Hai là giảm chi phí quảng cáo cho các điểm du lịch cộng đồng trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong khi vẫn "lôi kéo" được khách du lịch đến với mình. Vậy nên, anh quyết định sẽ tiếp tục tận dụng các mạng xã hội khác như TikTok, Instagram để mở rộng việc kinh doanh của hợp tác xã.

img_6342(1).jpg
Thói quen thanh toán không tiền mặt dần trở nên phổ biến ở các điểm du lịch cộng đồng nhờ vào quá trình chuyển đổi số.

Chị Hà Thu Giang, đến từ TP.HCM tâm sự, nghe địa danh Ngọc Chiến đã lâu nên muốn được một lần đến đây thăm quan, trải nghiệm. Do xa xôi, cách trở, nên trước khi bắt đầu hành trình, chị phải tìm hiểu rất kỹ thông tin về dịch vụ lưu trú, ăn nghỉ, các sản phẩm du lịch ở Ngọc Chiến được cập nhật rất thường xuyên các trang Facebook, Zalo của các gia đình làm dịch vụ du lịch cộng đồng. Nhờ đó, chuyến đi rất thành công.

LOẠT BÀI >>> Phát triển du lịch cộng đồng ở vùng cao: Bảo tồn văn hoá, tạo sinh kế bền vững

Nội dung & Trình bày: Nguyên Thảo

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Chuyển đổi số - "Đòn bẩy" cho du lịch cộng đồng