Văn hóa - Du lịch

Bài 3: Hướng đi bền vững cho ngành du lịch

Nguyên Thảo 27/06/2023 13:59

Hiện nay du lịch cộng đồng đang được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững nhất cho cư dân bản địa. Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương.

b3.jpg
bai-1-tit-3.png

Năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thực tế ghi nhận, ngành du lịch đã triển khai đúng hướng và có những bước chuyển đổi mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, ngành du lịch Việt Nam đã tập trung ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông vận tải, thông tin, dịch vụ du lịch, nơi vui chơi, giải trí, văn hóa... phục vụ du lịch, nâng cao sức hấp dẫn của tài nguyên du lịch, bảo đảm tính bền vững môi trường và phát triển nguồn nhân lực du lịch, tạo nên "đòn bẩy" quan trọng giúp Việt Nam trở thành điểm đến thu hút đối với du khách trong nước và quốc tế.

Trong đó, du lịch cộng đồng đã và đang là một trong những xu hướng du lịch quan trọng, nhận được nhiều sự đồng thuận trong chiến lược phát triển du lịch. Việc phát triển du lịch cộng đồng tạo ra cơ hội phát triển bền vững cho các địa bàn, nhất là vùng nông thôn, vùng đồng bào các dân tộc, cho các làng nghề, làng quê,… Phát triển du lịch cộng đồng góp phần bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị văn hóa tại các địa phương.

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi vùng miền, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, lối sống riêng khác nhau tạo thành nét cuốn hút riêng. Đặc biệt, dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu khách, đây là một trong những yếu tố hấp dẫn và thiện cảm đối với du khách quốc tế.

b3-nguyentrungkhanh.png

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, du lịch cộng đồng đang mang lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế bền vững cho người dân bản địa. Hiện tại, nhiều địa phương đã triển khai những mô hình du lịch cộng đồng khá thành công, trong đó nổi bật là ở những tỉnh miền núi phía Bắc: Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai…

Rất nhiều bản du lịch cộng đồng có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút nhiều du khách nội địa và quốc tế như: làng du lịch cộng đồng Lô Lô Chải, Pả Vi, Du Già (tỉnh Hà Giang); bản du lịch cộng đồng bản Áng, Lướt, Hùn (tỉnh Sơn La); bản du lịch cộng đồng Bản Hồ, Cát Cát (tỉnh Lào Cai); bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, Sì Thâu Chải (tỉnh Lai Châu);...

b3-note5.png

Năm 2022, Tổng cục Du lịch đã xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam. Mục tiêu của đề án nhằm: Thống nhất nhận thức và quan điểm về phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam, gắn phát triển du lịch cộng đồng với nâng cao đời sống người dân, góp phần đẩy mạnh phong trào xây dựng kinh tế xã hội nông thôn; 

Đánh giá thực trạng tình hình phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam để phát hiện những vấn đề cần giải quyết trong khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao mức sống cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số, miền núi và ít người. Từ đó xây dựng căn cứ pháp lý, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, cơ chế quản lý, phối hợp các bên tham gia trong hoạt động du lịch cộng đồng; 

Đề xuất giải pháp đưa sản phẩm du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng gắn chặt với xây dựng nông thôn mới, gắn với chương trình OCOP, gắn phát triển du lịch cộng đồng với chương trình xóa đói giảm nghèo, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, ven biển và hải đảo, góp phần đa dạng hóa ngành nghề cho cộng đồng dân cư tại chỗ, cải thiện sinh kế cho người dân, tiến tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Thời gian triển khai dự án trong giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

hoa.jpeg
Nụ cười hồn nhiên của trẻ nhỏ trên các nương hoa tam giác mạch. Ảnh: Lê Việt Khánh

Thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) cho biết, lượng khách du lịch tham gia các hình thức du lịch cộng đồng và sinh thái chiếm khoảng 10% tổng lượng khách du lịch với doanh thu khoảng 30 tỷ USD/năm. Mỗi năm, tỷ lệ khách du lịch cộng đồng tăng từ 10-30%, cao hơn các hình thức du lịch truyền thống khoảng 4%.

Việt Nam cũng nằm trong xu thế ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước lựa chọn các điểm du lịch cộng đồng để trải nghiệm, nhất là trong và sau thời kỳ bùng phát của đại dịch Covid-19, du khách có xu hướng tránh các đô thị ồn ã để đắm mình trong không gian yên tĩnh, trong lành của vùng quê.

du-khach.jpeg
Du khách Pháp thưởng thức ẩm thực tại gia đình ông Sình Dỉ Gai ở thôn Lô Lô Chải (Hà Giang)

Báo cáo của Tổng Cục Thống kê cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 4,6 triệu lượt người, gấp 12,6 lần cùng kỳ năm 2022. Đạt gần 57,5% mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế cả năm 2023.

Trước đó, năm 2022, tổng số khách du lịch nội địa ước đạt hơn 101,3 triệu lượt, vượt xa mục tiêu 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm và cũng cao hơn cả con số kỷ lục 85 triệu lượt của năm 2019. Tổng thu du lịch năm 2022 ước đạt 495.000 tỷ đồng.

Du lịch Việt Nam đã nhận được 16 giải thưởng du lịch tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới năm 2022 - khu vực châu Á và châu Đại Dương. Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam từ sau khi Việt Nam chính thức mở cửa sau đại dịch (ngày 15/3/2022) cho đến nay đã phát huy hiệu quả.

Đây là những minh chứng sinh động cho sự phát triển của du lịch Việt Nam, củng cố niềm tin về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Với những kết quả này, chúng ta có thêm sự tự tin, kinh nghiệm, nhận thức rõ hơn về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của du lịch Việt Nam để bước vào giai đoạn phát triển mới, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, gắn phát triển du lịch với phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Năm nay, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón ít nhất 8 triệu khách quốc tế. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82 đặt ra cụ thể nhiều nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Nhiều chính sách đột phá về thủ tục xuất nhập cảnh, thị thực đã được Quốc hội thông qua, kỳ vọng tạo “cú hích” đón khách quốc tế tới Việt Nam.

bai-1-dlcd-2-.png

Cộng đồng là nền tảng phát triển của mọi xã hội. Cộng đồng có thể được hiểu ở những mức độ, quy mô khác nhau từ làng, bản đến bộ tộc, dân tộc, quốc gia. Tác động của cộng đồng lên các giá trị tài nguyên, trong đó có tài nguyên du lịch và qua đó ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững. Chính vì vậy một trong những phương thức tiếp cận quan trọng cho phát triển du lịch bền vững là đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, trong đó các giá trị truyền thống và vai trò của cộng đồng được phát huy đầy đủ nhất.

TS Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) cho biết: Du lịch cộng đồng đã xuất hiện từ năm 1997 tại một số địa phương như Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Nam... Sau hơn 20 năm phát triển, du lịch cộng đồng đã phát triển mở rộng trên toàn quốc.

Cùng với trào lưu khách du lịch quốc tế tham gia loại hình du lịch trải nghiệm cộng đồng gia tăng mạnh trên toàn cầu, hoạt động du lịch cộng đồng ở nước ta đã sôi động hơn; thu hút sự quan tâm, phát triển ở nhiều địa phương, kể cả ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng.

b3-note4.png

Ở Việt Nam, du lịch cộng đồng được định nghĩa tại Khoản 15 Điều 3 Luật Du lịch 2017 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018): "Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi"

Việt Nam là một nước nông nghiệp với hơn 70% dân số sống tại các vùng nông thôn cùng với truyền thống văn hóa lịch sử gắn liền với sản xuất nông nghiệp là chủ đạo, nên việc khai thác các giá trị du lịch gắn với nông nghiệp, nông dân và nông thôn sẽ giúp cải thiện đời sống người dân nông thôn, khôi phục, bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống địa phương, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch hiện có. Đồng thời xây dựng mối liên kết bền vững giữa cộng đồng, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân liên quan đến phát triển du lịch cộng đồng, phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Thay cho việc rời quê hương đi tìm việc làm để cải thiện cuộc sống, không ít người dân đã bám trụ lấy đồng đất quê hương, đánh thức những tiềm năng vốn có của bản làng để xóa đói, giảm nghèo. Không chỉ tìm những cây trồng, vật nuôi mới, bà con còn khai thác những vẻ đẹp bình dị mà đặc sắc của cảnh sắc, văn hóa dân tộc để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Đây cũng là hướng đi mà nhiều địa phương đang lựa chọn để tập trung phát triển.

b3-notre3.png
b3-lecung.png

Là người gắn bó với các hoạt động hỗ trợ, hướng dẫn bà con khởi nghiệp du lịch cộng đồng ở nhiều vùng miền trên cả nước, ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam nhận định: Du lịch cộng đồng căn cứ trên giá trị vốn có của cộng đồng từng địa phương để khai thác, để dần đưa cộng đồng tham gia vào du lịch với tiêu chí du lịch xanh, du lịch bền vững; dần chuyển đổi từ các nghề trước đây để tham gia vào phát triển du lịch cộng đồng, căn cứ trên thực tế khách đến để chuyển đổi.

Ở đây, người dân địa phương sẽ mời du khách đến cộng đồng của mình, cung cấp chỗ ở cho họ và tạo điều kiện cho du khách trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa với những sinh hoạt rất đời thường và những món ăn dân dã đậm chất địa phương. Đồng thời, giúp du khách khám phá và tìm hiểu về các giá trị truyền thống khác của người dân. Song song với đó, họ có thể kiếm thu nhập với tư cách là người quản lý đất đai, doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ, sản xuất hoặc nhân viên. Hơn nữa, nguồn thu từ chi tiêu của khách du lịch cũng sẽ được sử dụng để mang lại lợi ích cho cộng đồng trong việc bảo tồn tài nguyên và di sản bên cạnh việc giúp đỡ cư dân địa phương duy trì cuộc sống đơn thuần.

Du lịch cộng đồng đã có sự phát triển tích cực, trong đó có khu vực miền núi phía Bắc, góp phần đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp, tạo sinh kế, cải thiện đời sống cho người dân, đặc biệt là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, nhờ phát triển du lịch cộng đồng, ý thức gìn giữ nét đẹp truyền thống, xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan văn minh, sạch đẹp của bà con cũng được nâng lên, đóng góp tích cực vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Cũng theo ông Phạm Hải Quỳnh, giá trị văn hóa bản địa là "chìa khóa" để phát triển du lịch cộng đồng. Chính vì vậy, muốn phát triển du lịch cộng đồng bền vững, mỗi địa phương phải có định hướng rõ ràng, nghiên cứu, phân tích, lựa chọn những giá trị văn hóa đặc trưng của từng dân tộc gắn với phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo. Bên cạnh đó, cần có lộ trình thực hiện cụ thể, huy động sự đóng góp của các chuyên gia chuyên sâu về du lịch cộng đồng trong công tác tư vấn, đào tạo nhân lực, xây dựng cảnh quan bản làng và các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

b3-phaiquynh.png

LOẠT BÀI >>> Phát triển du lịch cộng đồng ở vùng cao: Bảo tồn văn hoá, tạo sinh kế bền vững

Nội dung & Trình bày: Nguyên Thảo

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Hướng đi bền vững cho ngành du lịch