Văn hóa - Du lịch

Bài 1: "Chìa khóa" thoát nghèo

Nguyên Thảo 25/06/2023 19:22

Đến Sơn La, Hà Giang, dễ dàng bắt gặp những hợp tác xã của đồng bào dân tộc thiểu số làm du lịch cộng đồng. Hợp tác xã giống như “ngôi nhà chung”, gắn kết các thành viên cùng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác phát triển dịch vụ, du lịch. Những mái nhà sàn nay đã khoác lên mình một diện mạo mới, đồng bào cũng đã dần thay đổi tư duy từ tự cung tự cấp sang phát triển kinh tế dịch vụ từ những lợi thế về sản vật tự nhiên, đời sống văn hoá.

1d6985318a275a790336.jpg
01-4-.png

Hà Giang là một tỉnh miền núi ở cực Bắc của Tổ quốc còn gặp nhiều khó khăn, có 19 dân tộc anh em sinh sống, trong đó số hộ nghèo có trên 37%. Thời gian qua, tỉnh Hà Giang đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân từng bước xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế gắn với du lịch.

Có vị trí gần sát cột cờ Lũng Cú với khoảng cách 1,4 km, Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang) khoác lên mình vẻ đẹp yên bình, thơ mộng nép mình ở dưới chân núi Rồng. Giống như một thanh âm trong trẻo giữa đất trời Hà Giang, Lô Lô Chải chính là "điểm sáng" trong phát triển du lịch cộng đồng của cao nguyên đá.

lo-lo-chai.jpeg
Ở bất cứ vị trí nào tại Lô Lô Chải cũng có thể ngắm nhìn cột cờ Lũng Cú ở trên đỉnh núi Long Sơn.

Trước đây, đồng bào Lô Lô ở địa phương sống dựa vào một vụ lúa nương, một vụ ngô trên núi đá. Phải đến năm 2010, khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất toàn cầu, cuộc sống của người dân đã có những thay đổi tích cực khi địa phương quan tâm hơn đến phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm.

Trong 10 năm trở lại đây, Lô Lô Chải đã có sự thay đổi khi dần tiếp cận với hoạt động phát triển du lịch và trở thành điểm nhấn trong các chuyến hành trình chinh phục cực Bắc. Từ tiềm lực sẵn có kết hợp các nguồn hỗ trợ khác nhau về cả vật chất và tinh thần, bản làng đã xây dựng thành công mô hình homestay đặc sắc nổi bật cho văn hóa của cao nguyên đá Đồng Văn.

01-5-.png

Để nâng cao hiệu quả làm du lịch cộng đồng, tỉnh Hà Giang đã giải ngân quỹ hỗ trợ nông dân cho 10 hộ vay 500 triệu đồng. Mỗi hộ được vay 50 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị hiện đại phục vụ khách du lịch.

Đặc biệt, tỉnh còn khuyến khích người dân thành lập mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã để phát triển du lịch cộng đồng theo hướng chuyên nghiệp hóa. Giúp Lô Lô Chải trở thành điểm đến chứ không chỉ là điểm dừng.

Để thôn Lô Lô Chải có được cuộc sống thay đổi như ngày hôm nay, có phần đóng góp rất quan trọng của Sình Dỉ Gai, từ năm 2008 đến nay anh được tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Lô Lô Chải. Sau hơn 14 năm làm người "vác tù và hàng tổng" anh Gai đã thực sự để lại dấu ấn tốt đẹp, là người kết nối sợi dây đoàn kết, chung tay, đồng lòng của mỗi người dân để cùng chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và hiện đại.

Anh Sình Dỉ Gai kể, trước đây cuộc sống của dân bản vô cùng khó khăn bởi thu nhập chỉ biết dựa vào cây ngô, cây lúa. Địa hình gồ ghề, chủ yếu là đá tai mèo sắc như dao, đường sá đi lại khó khăn, khí hậu lại khắc nghiệt, đồng bào sống theo phương thức tự cung, tự cấp nên dường như họ thu mình lại với thế giới bên ngoài. 

gai2.jpeg
Anh Sình Dỉ Gai chia sẻ cách làm du lịch cho người dân trong bản. (Ảnh: Nam Thái)

Cách đây hơn 10 năm, một cán bộ của Đại sứ quán Luxembourg tại Việt Nam đến đây du lịch, họ trầm trồ trước vẻ đẹp của bản Lô Lô Chải. Sau đó, họ đã làm việc với tỉnh và tài trợ cho 3 gia đình làm dịch vụ homestay, trong đó có nhà anh Gai. Nhưng hai nhà hàng xóm thất bại, chỉ còn mỗi gia đình anh Gai là làm được. 

"Cũng từ đó, tôi bắt đầu định hướng con đường làm du lịch, sửa sang lại chính căn nhà của mình. Lượng khách ngày một đông lên, đến nay gia đình tôi xây dựng được 3 căn homestay. Trung bình một tuần đón khoảng 300 lượt khách du lịch tới tham quan", anh Gai nói.  

Thấy nhà anh Gai làm homestay cho thu nhập khá, nhiều hộ khác trong bản cũng học tập làm theo. Hầu hết các căn nhà đều được bố trí theo phong cách truyền thống với hệ thống nhà vệ sinh, bàn uống nước, không gian sinh hoạt chung được bố trí rộng rãi, hợp vệ sinh. Các hiện vật cổ của người Lô Lô cũng được trưng bày tại nhà. 

Hiện nay, toàn bộ thôn Lô Lô Chải có 104 hộ là người Lô Lô và 10 hộ đồng bào Mông thì đã có 30 hộ làm dịch vụ lưu trú cộng đồng homestay. Những hộ không có điều kiện làm dịch vụ lưu trú cộng đồng homestay thì họ sẽ nuôi lợn, gà, trồng rau cung cấp cho những hộ làm dịch vụ lưu trú cộng đồng để phục vụ khách du lịch. Tính trung bình mỗi tháng, bản Lô Lô Chải đón hơn 1.000 lượt khách lưu trú, vào mùa hoa tam giác mạch, nơi đây gần như “cháy” phòng.

Song song đó, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô và đưa văn nghệ dân gian vào lễ hội trở thành một sản phẩm độc đáo phục vụ khách du lịch được quan tâm như: Tổ chức nhiều hoạt động tái hiện lại Lễ cúng tổ tiên nhân dịp các ngày lễ tết, mở lớp truyền dạy về phong tục (thầy cúng); truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ và duy trì một đội văn nghệ dân gian quần chúng gồm các nghệ nhân biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương và phục vụ khách tham quan du lịch, thành lập Hợp tác xã Lô Lô Chải chuyên sản xuất các sản phẩm đặc trưng truyền thống của dân tộc Lô Lô xã Lũng Cú tạo thu nhập cho người dân và thu hút khách du lịch tham quan.

b1.lolo.png

Từ khi làm du lịch, cuộc sống ấm no đã về trên vùng đất khó, người dân nơi đây vô cùng phấn khởi, đời sống được cải thiện rõ rệt. Hiện tại, hầu như gia đình nào cũng có ti vi, tủ lạnh và xe máy đi lại. Đặc biệt, nhận thức của bà con đã có chuyển biến rõ nét, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, biết khai thác lợi thế của địa phương vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Lô Lô Chải cứ như vậy trở thành điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới ở xã Lũng Cú. Anh Sình Dỉ Gai vinh dự là 1 trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc có mô hình làm du lịch homestay hiệu quả, giúp đỡ và tạo nhiều việc làm cho người dân trong bản Lô Lô Chải, góp phần vào xây dựng nông thôn mới nơi rẻo cao.

lolo9.jpeg
Những người Lô Lô ở Lũng Cú đã kể câu chuyện văn hoá của dân tộc mình bằng những sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, du lịch cộng đồng hiện đem lại thu nhập bình quân từ 50 - 70 triệu đồng/năm/hộ làm dịch vụ, trong đó có những hộ doanh thu đạt 200 triệu đồng/năm. 

Tiêu biểu như năm 2022, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, thôn Pả Vi Hạ (xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc) đón trên 250.000 lượt khách du lịch, doanh thu gần 125 tỷ đồng; thôn Nặm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ) đón trên 8.500 lượt khách, doanh thu đạt 4,25 tỷ đồng; thôn Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, Đồng Văn) đón trên 200.000 lượt khách, doanh thu khoảng 50 tỷ đồng; thôn Tha (xã Phương Độ, TP. Hà Giang) đạt 28.000 lượt khách, khách lưu trú trên 10,6 nghìn lượt, doanh thu ước đạt 10 tỷ đồng…

Tỉnh Hà Giang cũng đã phê duyệt Đề án Bảo tồn văn hóa truyền thống và nâng cao chất lượng dịch vụ các làng văn hóa đến năm 2025, trong đó tập trung ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng tại các làng văn hóa, góp phần đa dạng hóa và hoàn thiện sản phẩm du lịch cộng đồng

b1.2.png

Nằm ở độ cao trên 1.600m so với mặt nước biển, cách nhà máy thủy điện Sơn La khoảng 40km và cách thành phố Sơn La gần 80km theo đường TL106, xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, Sơn La) hiện ra như một bức tranh tuyệt đẹp, nằm nép mình trong những dãy núi cao hùng vĩ, được bao phủ bởi bạt ngàn cây xanh.

Thiên nhiên đã ưu đãi cho nơi đây cảnh quan tuyệt đẹp, khí hậu ôn hòa, dòng suối uốn lượn quanh bản làng và những mó nước khoáng nóng tại bản Lướt, bản Đớt và bản Khau Vai, cánh đồng lúa trải dài và những thửa ruộng bậc thang nối nhau trên các triền đồi.

Ngọc Chiến có 15 bản với hơn 2.200 hộ dân, chủ yếu là đồng bào các dân tộc Thái, Mông, La Ha sinh sống. Đồng bào ở đây còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân tộc mình cùng với điều kiện tự nhiên hoang sơ hùng vĩ, sự đa dạng các bản sắc văn hóa đã trở thành thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng. Vì vậy, các làng du lịch ở đây cũng rất độc đáo, để lại nhiều ấn tượng cho những du khách lần đầu đến với Ngọc Chiến.

Để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, bền vững, Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Ngọc Chiến đã được thành lập năm 2020, gồm 22 thành viên. Các thành viên đã được tập huấn về kỹ năng phát triển du lịch cộng đồng, kỹ năng nấu ăn, nâng cao chất lượng dịch vụ. 

Hợp tác xã đã cải tạo các homestay của bà con thành nơi lưu trú cho khách du lịch; kinh doanh mảng ăn uống chú trọng đến các món ăn truyền thống của dân tộc; khai thác vẻ đẹp thiên nhiên tắm khoáng nóng và thiết kế những tour tuyến trên địa bàn xã Ngọc Chiến để giúp khách tham gia trải nghiệm và khám phá. Trong năm 2022, hợp tác xã đã đón khoảng 12.000 lượt khách trong nước và quốc tế.

dulichnc.png
Một số mô hình du lịch cộng đồng ở xã Ngọc Chiến.

Anh Lường Văn Xiên - Giám đốc Hợp tác xã du lịch Ngọc Chiến theo học tại Trường Đại học Tây Bắc và ra trường năm 2011. Sau khi học xong, trở về quê hương và quyết định làm du lịch. Năm 2019, anh được tham gia dự án "Cải thiện sinh kế bền vững" do tổ chức AOP (Úc) tài trợ. Khi đó, mới chỉ có 5 homestay.

Năm 2020, kết thúc dự án thì Hợp tác xã du lịch cộng đồng Ngọc Chiến được thành lập và đến nay phát triển lên 20 hộ tham gia, với 50 lao động thường xuyên. 

luong-xien.jpeg
Anh Lường Văn Xiên - Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng xã Ngọc Chiến trao đổi về những thế mạnh du lịch trên địa bàn xã.

"Hợp tác xã được huyện hỗ trợ kinh phí để lập hòm thư điện tử, website, fanpage để quảng bá và tương tác với người tiêu dùng, chuẩn hóa sản phẩm và hoàn thiện các tiêu chí lĩnh vực du lịch của chương trình OCOP và được công nhận đạt 4 sao, nhiều du khách biết tới hợp tác xã nhiều hơn. Từ năm 2022 đến nay, hợp tác xã đã đón và phục vụ khoảng 30.000 lượt khách, thu nhập gần 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho 100 thành viên, lao động địa phương có thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng", anh Xiên cho biết.

Theo ông Bùi Tiến Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến, xã đã xây dựng thành công 2 sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, là "Hợp tác xã Du lịch cộng đồng xã Ngọc Chiến" và "Nếp tan Ngọc Chiến". Hiện, ở xã có 22 homestay, đáp ứng nhu cầu về ăn, ngủ, nghỉ, vui chơi và tắm nước khoáng nóng. Các bản Lướt, bản Nà Tâu hình thành bản du lịch, với các dịch vụ tắm khoáng nóng, dã ngoại, giao lưu trải nghiệm hoạt động văn hóa, văn nghệ, lửa trại, thưởng thức các món ăn truyền thống.

buitiensy.png

Trong thời gian dịp Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023, Hợp tác xã Du lịch Ngọc Chiến đã tổ chức một số hoạt động tham quan trải nghiệm ở Ngọc Chiến như tổ chức cho khách du lịch tham quan ăn Tết của bà con nhân dân hoặc tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ thể thao, khám phá bản sắc văn hóa dân tộc của bà con nhân dân trên địa bàn xã Ngọc Chiến.

Hiện nay, xã Ngọc Chiến đang tập trung tuyên truyền vận động người dân phát triển kinh tế gắn với phát triển nông nghiệp và du lịch; tiếp tục giữ gìn các giá trị truyền thống và xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch đẹp để Ngọc Chiến ngày càng thu hút du khách và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Để tạo điểm nhấn cho du lịch, từng bước hình thành các không gian du lịch chính, tới đây Ngọc Chiến sẽ phục dựng nhiều lễ hội truyền thống.

Chia sẻ về phát triển du lịch cộng đồng, ông Trần Xuân Việt - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cho biết: Những năm qua, tỉnh Sơn La đã có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, tập huấn về chuyển đổi số và các hình thức triển khai làm du lịch, các sản phẩm và hỗ trợ xây dựng 6 bản du lịch cộng đồng phù hợp với định hướng phát triển du lịch của tỉnh; hỗ trợ 31 hộ làm homestay kinh doanh du lịch cộng đồng tại bản và hỗ trợ 2 homestay vay vốn lãi suất thấp với tổng kinh phí 750 triệu đồng. 

Từ năm 2016 đến nay, các huyện, thành phố cũng đã bố trí nguồn vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng 21 biển quảng bá và biển chỉ dẫn du lịch, hỗ trợ xây dựng 50 công trình nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các điểm cộng đồng, điểm dịch vụ nghỉ homestay. Đồng thời, kêu gọi xã hội hóa đầu tư, cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn kết nối với các khu, điểm du lịch, bản du lịch.

Huy động các nguồn lực đầu tư hệ thống điện chiếu sáng dọc các tuyến đường vào nhà văn hóa, dọc trục đường nội bản; trồng hoa, cây xanh; hỗ trợ hệ thống thu gom rác, hệ thống biển chỉ dẫn và xây dựng nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn. Gần đây, các dịch vụ du lịch cộng đồng ngày càng phát triển, nhất là ở Mộc Châu, Vân Hồ, Quỳnh Nhai, Bắc Yên... với nhiều hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

tran-xuan-viet.png

LOẠT BÀI >>> Phát triển du lịch cộng đồng ở vùng cao: Bảo tồn văn hoá, tạo sinh kế bền vững

Nội dung & Trình bày: Nguyên Thảo

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: "Chìa khóa" thoát nghèo