Văn hóa - Du lịch

Bài 2: Bảo tồn văn hóa gắn với du lịch

Nguyên Thảo 26/06/2023 07:15

Du lịch cộng đồng là một loại hình quan trọng của du lịch Việt Nam, không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nhiều vùng nông thôn, cải thiện cuộc sống của người dân mà còn đóng góp tích cực vào việc bảo tồn, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

c51c5adf3cb2ececb5a31.jpg
01.png

Văn hóa tạo nên sự khác biệt của mỗi quốc gia. Sự đa dạng, độc đáo, riêng có của mỗi nền văn hóa, mỗi điểm đến là yếu tố hấp dẫn du khách khám phá, trải nghiệm. Phát triển du lịch thông qua bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa không chỉ thu hút, đáp ứng nhu cầu của du khách mà còn góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc đến với bạn bè quốc tế.

Đảng, Nhà nước ta luôn xác định, nhấn mạnh vai trò của văn hóa với phát triển du lịch. Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã chỉ rõ, trong quá trình phát triển du lịch phải chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Ngày 17/6/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 1662/QÐ-BVHTTDL về việc tổ chức xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới. Kế hoạch nhằm mục đích tổ chức các hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống và các phong trào văn hóa, văn nghệ vui tươi, lành mạnh, loại bỏ những hủ tục lạc hậu, tăng cường tinh thần đoàn kết cộng đồng, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước...

Tại lễ khai mạc "Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM HANOI 2023", Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Du lịch được xem như "ngành công nghiệp không khói", đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Xu hướng phát triển du lịch xanh, bền vững trên cơ sở bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa truyền thống, gắn với bảo vệ môi trường là xu hướng phát triển của thời đại. Du lịch đồng thời là cầu nối để gắn kết giữa truyền thống với hiện đại, giữa các dân tộc, các nền văn hóa trên thế giới. Du lịch phát triển góp phần tạo nguồn thu cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, ngược lại các di sản văn hoá, tài nguyên văn hóa được bảo tồn sẽ tạo nên nét riêng có, hấp dẫn du khách của mỗi quốc gia.

Đối với đất nước Việt Nam, tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hoá, với nguồn cội "con Lạc cháu Hồng", được coi là nguồn lực đặc biệt quan trọng để xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt và có khả năng cạnh tranh cho các điểm đến, hướng tới phát triển du lịch bền vững trong quá trình phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19.

nguyenvanhung.png

Theo PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), mô hình du lịch cộng đồng ở nước ta đã tập trung khai thác được các giá trị văn hóa, lối sống, ẩm thực, thuộc sở hữu của cộng đồng dân cư trên nhiều vùng miền. Đặc biệt, người dân đóng vai trò quan trọng trong việc trực tiếp cung cấp các dịch vụ, hướng dẫn du khách trải nghiệm, cảm nhận văn hóa, lối sống tại địa phương.

Du lịch cộng đồng đã giúp Việt Nam khai thác, giới thiệu và bảo tồn giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, giá trị văn hóa đặc sắc. Thông qua hoạt động du lịch cộng đồng, nét văn hóa truyền thống, thói quen sinh hoạt và đời sống thường nhật của đồng bào dân tộc thiểu số chính là yếu tố hấp dẫn du khách quốc tế đến khám phá, trải nghiệm.

gsphamhonglong.png
01(1).png

Thực tế phát triển du lịch những năm gần đây cho thấy, các loại hình văn hóa dân gian dân tộc đã và đang phát huy được sức hút riêng, tạo nên những nét đặc trưng, ấn tượng của mỗi điểm đến, hình thành nên một loại hình văn hóa du lịch riêng biệt của từng địa phương. 

Nhận thấy tiềm năng, ngay từ năm 2008, tỉnh Sơn La đã có chính sách cụ thể để thu hút cộng đồng chung tay xây dựng du lịch cộng đồng trở thành một trong những sản phẩm đặc thù của tỉnh. Sơn La đã liên tục ban hành chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Các mô hình du lịch cộng đồng ở Sơn La còn góp phần đắc lực trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Nhiều phong tục tập quán, trò chơi dân gian, lễ hội, nghề thủ công truyền thống được phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị khi gắn với việc phát triển du lịch, góp phần đa dạng hóa các hoạt động trải nghiệm cho du khách....

bai2-dlcd.png

Tại điểm du lịch cộng đồng bản Áng (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, Sơn La), các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang màu sắc dân gian dân tộc đã dần trở thành điểm nhấn, sản phẩm dịch vụ không thể thiếu cho du lịch tại đây. Dựa trên chất liệu dân ca, dân vũ, các tiết mục biểu diễn được dàn dựng mang tính truyền thống, giàu bản sắc đặc trưng là hoạt động mang tính cộng đồng, kết nối giữa người dân địa phương, người làm du lịch với du khách.

Ông Nguyễn Văn Quân - Chủ tịch UBND xã Đông Sang cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ xã Đông Sang đã xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết về phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu phát triển dịch vụ du lịch gắn với xây dựng và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch cộng đồng cho người dân. Củng cố, duy trì hoạt động đội văn nghệ quần chúng tại 100% các bản, tập luyện, biểu diễn các tiết mục văn nghệ dân tộc, góp phần lưu giữ và phát huy các loại hình nghệ thuật; duy trì tổ chức Lễ hội Hết Chá của dân tộc Thái, thu hút người dân và du khách đến tham gia trải nghiệm.

nguyenvanquan.png
Ông Nguyễn Văn Quân - Chủ tịch UBND xã Đông Sang.

Song song đó, ở Đông Sang hiện còn lưu giữ nghề truyền thống đan lát, làm đệm bông gạo và dệt thổ cẩm. Với sự hỗ trợ của huyện Mộc Châu và đơn vị tư vấn của Dự án GREAT đã tổ chức hướng dẫn làm xưởng nhuộm dệt vải tại không gian văn hóa bản Áng cho 20 hộ kinh doanh du lịch cộng đồng, nghệ nhân để nghề dệt thổ cẩm tiếp tục được giữ gìn và phát huy. Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm cách dệt vải thủ công của dân tộc Thái, mua các sản phẩm khăn piêu, áo thổ cẩm, túi xách... làm quà lưu niệm.

Với tiềm năng, lợi thế vốn có cùng những giải pháp đồng bộ của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa dân tộc, Đông Sang đã và đang trở thành một trong những điểm đến tham quan, trải nghiệm của đông đảo du khách trong và ngoài nước mỗi lần đến với cao nguyên Mộc Châu.

Có thể thấy, du lịch cộng đồng đang dần trở thành điểm nhấn tại các xã vùng cao. Từ chỉ làm nông, chăn nuôi nhỏ lẻ đủ ăn, những người dân nơi đây dần học cách làm du lịch, đời sống khấm khá hơn. Thành công bước đầu đang mở ra hướng phát triển kinh tế mới gắn với bảo tồn, phát huy giá trị thiên nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc nơi đây.

Là tỉnh vùng cao biên giới cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang hiện có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ gần 90%. Mỗi dân tộc có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán riêng, tạo nên bản sắc vùng miền độc đáo, phong phú. Để lưu giữ những bản sắc văn hóa độc đáo ấy, những năm qua, Hà Giang luôn chú trọng và xem đó là thế mạnh to lớn để tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh trong giai đoạn mới thông qua việc bảo tồn, phát huy, đưa bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Bà Triệu Thị Tình - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết, những năm qua, tỉnh đã lựa chọn những sản phẩm văn hóa để tạo thêm điểm nhấn cho phát triển du lịch. Đồng thời, tỉnh luôn quan tâm đến hoạt động văn hóa, du lịch cộng đồng với những tiêu chí đánh giá cụ thể. Địa phương đã xây dựng được các đề án về nâng cao chất lượng phục vụ và hoạt động của các làng văn hóa du lịch cộng đồng. 

trieuthitinh-1.png

Hiện toàn tỉnh có 40 làng văn hóa du lịch cộng đồng và có 16 làng văn hóa được UBND tỉnh Hà Giang công nhận đạt tiêu chuẩn để phục vụ du khách. Bên cạnh đó, ngành văn hóa, du lịch cũng chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ cho các điểm du lịch cộng đồng. 

Trong đó, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ) là điểm du lịch cộng đồng được nhận giải thưởng của ASEAN dành cho mô hình lưu trú kết hợp với giới thiệu, trải nghiệm và bảo tồn di sản trên Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn. 

Thôn Nặm Đăm có 52 hộ sinh sống, 100% là người dân tộc Dao.  Tại đây, nhiều hình thức du lịch trải nghiệm đã phát huy hiệu quả, ngày càng thu hút khách du lịch và đem lại thu nhập cho người dân.

Xuất phát điểm chỉ một vài hộ gia đình, đến nay, Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm có 28 hộ làm dịch vụ homestay đủ tiêu chuẩn đón khách với năng lực phục vụ 150 khách/ngày đêm. Năm 2022, làng đón khoảng 8.500 lượt khách du lịch, trong đó hơn 30% khách quốc tế. Tổng doanh thu trên 4,25 tỷ đồng.

Đến với Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm có thể nghỉ ngơi trong nhà trình tường của người Dao, tìm hiểu phong tục tập quán, sinh hoạt cùng người dân... Được tham gia các hoạt động như: Lễ cấp sắc, lễ cầu mùa, hát giao duyên, hát đối, đẩy gậy, kéo co, múa sạp, đốt lửa trại...

Ông Lý Tà Đành - Trưởng thôn, Trưởng ban quản lý du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm chia sẻ: "Hiện Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm vẫn giữ được truyền thống văn hóa, kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực… đó là một trong những yếu tố để du lịch Quản Bạ nói riêng và Hà Giang nói chung sẽ "cất cánh" vào một ngày không xa. Là một trong những người làm du lịch, tôi cùng những hộ dân khác nỗ lực xây dựng hình ảnh Hà Giang là một điểm đến bản sắc văn hóa độc đáo, an toàn và thân thiện".

Ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành đánh giá: Du lịch cộng đồng đem lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cho người dân địa phương thông qua tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cộng đồng, có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, đặc biệt ở một số địa phương như Sơn La, Hà Giang…

Du lịch cộng đồng góp phần tạo liên kết bền vững nhiều ngành kinh tế lại với nhau, mở rộng thị trường cho các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; tạo nguồn vốn đầu tư trở lại để phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; nâng cao năng lực về du lịch và quản lý cho cộng đồng các địa phương. 

nguyenquypohuong.png

LOẠT BÀI >>> Phát triển du lịch cộng đồng ở vùng cao: Bảo tồn văn hoá, tạo sinh kế bền vững

Nội dung & Trình bày: Nguyên Thảo

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Bảo tồn văn hóa gắn với du lịch