Những năm qua, huyện miền núi Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An) đã mạnh dạn khai thác lợi thế văn hóa để phát triển ngành du lịch dựa trên giá trị văn hóa truyền thống, tạo ra các sản phẩm độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Qua đó, từng bước phát triển kinh tế du lịch và nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn.
Giữ gìn bản sắc tạo đà cho du lịch văn hóa phát triển
Huyện Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An) hiện có 3 dân tộc Kinh, Thái, Thổ sinh sống, mỗi dân tộc có những bản sắc văn hóa riêng thể hiện qua trang phục, kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán, ngôn ngữ. Trong đó, đồng bào dân tộc Thái, Thổ chiếm hơn 53% dân số của huyện. Bởi vậy, đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong huyện thể hiện đậm nét đặc trưng văn hóa Thái với các làn điệu Xuối, Lăm, Nhuôn… dân tộc Thổ với những câu hát tập tính tập tang, đu đu điềng điềng… hay các trò chơi dân gian độc đáo, cùng văn hoá ẩm thực đa dạng, phong phú...
Đây là những nét đặc trưng riêng để hướng tới phát triển du lịch địa phương. Năm 2001, huyện Quỳ Hợp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được chọn để xây dựng huyện điểm văn hóa khu vực Bắc Trung Bộ. Huyện có 20 xã, 1 thị trấn, có hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông đều tốt như: Quốc lộ 48C nối Quốc lộ 48 với Quốc lộ 7 qua Quỳ Hợp, Quốc lộ 48D nối từ xã Châu Thôn (huyện Quế Phong) qua huyện Quỳ Hợp đến xã Tân Xuân (huyện Tân Kỳ), Quốc lộ 48E từ huyện Quỳ Hợp đi huyện Nghĩa Đàn.
Hệ thống giao thông được kiên cố hóa, y tế, internet phục vụ đến tất cả các xã và các xóm, bản. Tài nguyên khoáng sản khá đa dạng và phong phú, có từ các loại khoáng sản quý hiếm như vàng, đá quý, đá trắng đến các loại khác như thiếc, sắt và các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng như đá vôi, đá xây dựng, cát, sỏi... Trong đó có nhiều loại có ý nghĩa quan trọng trong phạm vi vùng, cả nước và quốc tế như thiếc, đá trắng... Đây là lợi thế lớn của huyện trong việc thu hút đầu tư phát triển du lịch của địa phương.
Bên cạnh đó, Quỳ Hợp còn có khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống với nhiều loại động vật và thực vật quý hiếm đang được Nhà nước và các tổ chức quốc tế quan tâm và bảo tồn. Có hệ thống hang động khá đa dạng và độc đáo, được gắn với nhiều di tích, danh thắng như Hang Pòong, Hang Hổ, Hang Bản Vực, Thác Tiên, Thác Bản Bìa, Thác Bản Tạt, Bãi Tập, Đền Dinh, Đền Mó, Chùa La, Đền Le, Đền Chọong, Đền Thờ Tạo Nọi...
Nhằm giữ gìn, bảo tồn nguyên vẹn nét văn hóa ấy, những năm qua, huyện Quỳ Hợp đã quan tâm, chỉ đạo phục dựng các lễ hội truyền thống, thành lập các câu lạc bộ dân gian dân ca dân tộc Thái, Thổ, duy trì hoạt động của đội văn nghệ quần chúng… Qua đó, tạo điều kiện để các nghệ nhân, quần chúng được sáng tạo, giao lưu, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân trên địa bàn.
Từ đó, mảnh đất giàu truyền thống văn hoá Quỳ Hợp đã xuất hiện nhiều nghệ nhân luôn cố gắng giữ gìn và vun đắp cho những nét văn hóa truyền thống dân tộc Thái, Thổ. Điển hình là các nghệ nhân ưu tú Sầm Văn Bình, Trương Sông Hương, Lương Thị Phiên. Với nhiều năm sưu tầm nghiên cứu về văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, các nghệ nhân luôn trăn trở làm sao để bảo tồn được các giá trị văn hóa mà ông cha để lại, khi mà nhiều phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc không còn được duy trì, thế hệ trẻ hầu như rất ít người còn hiểu về các phong tục tập quán của dân tộc mình.
Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết, UBND huyện Quỳ Hợp đã ban hành nhiều văn bản để bảo tồn các di tích lịch sử, danh thắng và bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn huyện như đề nghị xếp hạng di tích Đền Mó (xã Nghĩa Xuân), Đền Thờ Tạo Nọi, Mường Ham (xã Châu Cường). Hiện nay, Ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An đang hướng dẫn làm hồ sơ thủ tục xếp hạng Đền thờ Tạo Nọi, Mường Ham, xã Châu Cường, tổ chức hội thảo về phục dựng Đền Dinh (xã Tam Hợp) và Đền Le (xã Châu Quang) và hiện đang triển khai xây dựng Đền Le, dự kiến tháng 10/2023 sẽ hoàn thành.
Đồng thời đã xây dựng thêm một mô hình CLB văn hóa dân gian dân tộc Thổ cấp tỉnh, một mô hình văn hóa dân gian dân tộc Thổ xóm Đột Mả và xóm Mó, xã Nghĩa Xuân cấp huyện, 3 mô hình văn hóa dân gian dân tộc Thái và dân tộc Thổ tại xã Châu Cường và xã Nghĩa Xuân, xã Minh Hợp. Tích cực khảo sát các danh thắng trên địa bàn huyện như hang Bản Vực, thác Bản Bìa (xã Châu Lý), thác Tiên (xã Châu Thành), Mó nước (xã Nghĩa Xuân, Văn Lợi), đập Bản Mồng (xã Yên Hợp)...
Duy trì hoạt động của các CLB văn hoá dân gian tại các xã, thị trấn: 17 CLB trong đó có 12 CLB văn hóa dân giân dân tộc Thái, thổ và 1 CLB dân ca ví giặm - hài kịch, 1 CLB dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh. Trong đó: CLB văn hóa dân gian dân tộc Thổ, xóm Mó (xã Nghĩa Xuân) được công nhận cấp tỉnh; CLB văn hóa dân gian dân tộc Thổ, xóm Đột Tân (xã Nghĩa Xuân) được công nhận cấp huyện.
Trung bình mỗi CLB có từ 25 đến 40 Hội viên; Hội viên ở độ tuổi đoàn viên chiếm 25%, thiếu niên chiếm 20% số hội viên còn lại chủ yếu là người lớn tuổi. Hầu hết các CLB duy trì đều đặt lịch sinh hoạt và tăng cường khai thác các làn điệu dân ca cổ để truyền dạy cho các thế hệ qua các buổi sinh hoạt định kỳ. Có 50% CLB tích cực tham gia các liên hoan. Nổi bật là CLB Đột Tân và CLB xã Châu Cường, CLB bản Cồn Xáo, xã Châu Lý…
Hiện nay, CLB văn hóa dân gian dân tộc Thổ xóm Đột Vả đang chuẩn bị cho công tác nghiệm thu mô hình cấp tỉnh; Câu lạc bộ VH dân gian dân tộc Thái xã Châu Cường được công nhận cấp huyện tháng 8/2022.
Xây dựng hạ tầng làm nền tảng thu hút đầu tư phát triển du lịch
Việc bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp văn hóa của các dân tộc ở huyện Quỳ Hợp thời gian qua đã tạo ra tiềm năng, thế mạnh để phát triển hình thức du lịch cộng đồng, trải nghiệm, tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc mà tỉnh đang quan tâm đầu tư.
Nhận rõ tiềm năng ấy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quỳ Hợp khóa XXI đã có Nghị quyết số 15-NQ/HU, ngày 25/10/2021 về “tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường thu hút đầu tư, phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số huyện Quỳ Hợp giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa vừa tạo đà cho sự phát triển du lịch, góp phần nâng cao đời sống người dân.
Thông qua nghị quyết nhằm huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự chung tay vào cuộc của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đẩy mạnh hoạt động phát triển du lịch.
Tại Nghị quyết 15, huyện Quỳ Hợp đặt mục tiêu đến năm 2025 hình thành rõ nét, đa dạng, phong phú các sản phẩm du lịch gắn với lợi thế của địa phương, như: du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng. Từ năm 2020-2025, thực hiện theo nghị quyết 07/2020/NQ-HĐND tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ cho huyện Quỳ Hợp 535 triệu đồng để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng Bản Chọong Bùng, xã Châu Lý; Nghị quyết số 30/2020 của HĐND tỉnh Nghệ An về hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa, xây dựng nhà văn hóa cộng đồng 320 triệu đồng tại Bản Chọong Bùng (Châu Lý).
Quỳ Hợp đã triển khai xây dựng, tôn tạo công viên Hồ Thung Mây trị giá 10 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2020 – 2025 của địa phương. Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ đồng bào dân tộc và Miền núi theo Nghị quyết 88 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó hỗ trợ điểm đến du lịch 1.792 triệu đồng tại Bản Chọong Bùng, xã Châu Lý.
Ngoài ra còn lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch nhưngân sách tỉnh, Nguồn thực hiện Nghị quyết 88 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, nguồn vốn đầu tư của tỉnh Nghệ An và các nguồn lực khác trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.
Nhằm đưa Nghị quyết 15 vào thực tiễn cuộc sống, UBND huyện Quỳ Hợp đã xây dựng hai kế hoạch thực hiện, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phân công rõ trách nhiệm cho từng cơ quan, đơn vị, cá nhân và người đứng đầu. Phải khẳng định rằng, ở huyện miền núi như Quỳ Hợp, việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đang là hướng đi đúng đắn và phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Và trong quá trình tổ chức thực hiện, huyện Quỳ Hợp đã tập trung huy động các nguồn lực xã hội và phối hợp tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn như "Đêm hội Sắc xuân miền Tây" - một không gian văn hoá đậm bản sắc tỉnh Nghệ An năm 2020; Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An; Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Nghệ An năm 2023...
Thông qua những sự kiện này, không chỉ nhằm quảng bá, kêu gọi, thu hút đầu tư, xúc tiến phát triển du lịch, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, mà còn là động lực để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Do vậy, chủ trương này đang nhận được sự đồng thuận chung tay từ phía người dân.
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 15 ngày 25/10/2021 của BCH Đảng bộ huyện Quỳ Hợp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận đó là bước đầu đã phê duyệt Đề án triển khai thực hiện Nghị quyết, xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện như công tác quy hoạch, khảo sát một số điểm di tích, danh thắng như hang Bản Vực xã Châu Lý, Đập Bản Mồng xã Yên Hợp, Đồi Chè xã Minh Hợp; Mó nước xã Nghĩa Xuân; Đã hình thành được một bản du lịch cộng đồng (vượt kế hoạch 1 năm).
Đồng thời đã xây dựng các chương trình quảng bá đăng tải trên cổng thông tin điện tử huyện và quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn huyện; Thực hiện tốt công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; làm tốt công tác tập huấn, phối hợp với Phòng Nông nghiệp xây dựng các sản phẩm OCOP... bước đầu đã hình thành các sản phẩm du lịch Quỳ Hợp phong phú và đa dạng.
Mặc dù đây là một lĩnh vực mới đối với huyện miền núi Quỳ Hợp vừa thực hiện trong một thời gian ngắn, song bước đầu đã đem lại hiệu quả cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và Nghị quyết 15 thực sự đã đi vào cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Thời gian tới, nhằm tạo đòn bẩy cho du lịch văn hóa phát triển, huyện Quỳ Hợp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân giữ gìn giá trị văn hóa dân tộc thông qua các buổi họp dân tại các xóm bản; thường xuyên mở lớp truyền dạy các giá trị văn hóa, để thế hệ mai sau nhân lên lòng tự hào về những nét đẹp văn hóa truyền thống quê hương mình… Qua đó, góp phần xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.