Trả lời về việc phát triển mô hình du lịch đêm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, địa phương phải suy nghĩ để có cách làm. Về phát triển du lịch đêm thì đã có đề án, có khung gợi ý rồi và Bộ không làm thay cho địa phương được.
Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp 36, sáng 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức phiên chất vấn đối với các bộ trưởng, trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết giám sát, chất vấn của UBTVQH kể từ đầu nhiệm kỳ tới nay.
Sản phẩm du lịch đêm nghèo nàn, đơn điệu
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL ) Nguyễn Văn Hùng, đại biểu Phạm Văn Hòa- Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Tháp cho rằng, phát triển sản phẩm du lịch đêm là mô hình mới, địa phương nào có mô hình này đều triển khai khá tốt. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch đêm còn nghèo nàn, đơn điệu, chỉ là phố đi bộ, ẩm thực, hoạt động nghệ thuật, giải trí, lại đêm có đêm không, chủ yếu vào thứ bảy, chủ nhật.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp để du lịch đêm phát triển mạnh, sản phẩm đa dạng, phong phú và giải trí lành mạnh, giữ chân du khách qua đêm để kích cầu.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã có đề án về sản phẩm du lịch đêm trên cơ sở khuyến khích các địa phương nghiên cứu dựa trên các yếu tố quy hoạch để tính toán các dòng sản phẩm và đánh giá thị trường để xây dựng sản phẩm du lịch theo mô hình này.
"Nhiều địa phương không làm thì thiếu, mà làm thì thừa, làm thì du khách không đến. Nhưng trách nhiệm chính là Chủ tịch UBND các tỉnh, HĐND các tỉnh chứ không phải của Bộ. Bộ không làm sản phẩm du lịch cho tỉnh, thành phố được", Bộ trưởng Hùng nêu quan điểm.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị mỗi địa phương cần có cách làm sáng tạo, như tinh thần chỉ đạo trong Chỉ thị 08 của Chính phủ và Nghị quyết 82 mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp, đặc sắc.
“Địa phương phải suy nghĩ để có cách làm. Nếu hỏi Bộ trưởng về phát triển du lịch đêm thì chúng tôi đã có đề án, có khung, gợi ý rồi, chứ chúng tôi không làm thay cho địa phương được", Bộ trưởng Hùng nói.
Cho phép Hà Nội, Tp.HCM lập đề án riêng về công nghiệp văn hóa
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị Bộ trưởng đề cập rõ hơn về việc Bộ đã triển khai chính sách phát triển ngành công nghiệp văn hóa và thời gian nào hoàn thành chính sách này?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, nhận diện 12 loại hình công nghiệp văn hóa, gồm: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm, trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, dịch vụ du lịch văn hóa.
Với 12 nhóm ngành này, theo phân cấp quản lý, Bộ VH,TT&DL chỉ quản lý nhà nước ở 5 nhóm ngành, còn lại các ngành khác thì các bộ, ngành khác nhau đảm đương công việc. Khi đánh giá lại tổng quát, có thể thấy đóng góp của nền công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế đã chiếm tỷ trọng khá cao.
Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị về công nghiệp văn hóa toàn quốc, nhằm tập trung đánh giá lại hiệu quả thực hiện, xác định các trọng tâm, nhiệm vụ, giải pháp, ban hành chỉ thị kết hợp với chiến lược công nghiệp văn hóa mới.
Trong đó, về khuôn khổ pháp lý, sẽ tiếp tục báo cáo Quốc hội để hoàn thiện các chính sách, luật có liên quan; xác định đề cao vai trò chủ thể của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà sáng tạo; tập trung vừa làm, vừa triển khai diện rộng, đồng thời áp dụng vào các thị trường trọng điểm, tiềm năng.
Vừa qua, các Nghị quyết của Quốc hội, của Bộ Chính trị đã cho phép Hà Nội, TP.HCM triển khai, có chiến lược, đề án riêng cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa cũng rất tích cực, có tác động lan tỏa, vừa phát huy được sức mạnh mềm, kiến tạo sự phát triển bền vững.