Chính trị

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Du lịch đêm là vấn đề mới và khó

Duy Tuấn 05/06/2024 - 18:25

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, du lịch đêm là vấn đề mới và khó, không chỉ một ngành làm được. Nhiều nơi không làm thì thiếu, nhưng làm xong có khi bỏ lại. Nhiều địa phương chỉ được một thời gian, sau đó khách không đến nữa.

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 7, chiều 5/6, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

hungdl1.jpeg
Toàn cảnh phiên chất vấn.

Không làm thì thiếu, làm xong có khi bỏ lại

Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Vũ Thị Liên Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi nêu vấn đề du lịch đêm là hướng đi đúng đắn, nhưng sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu và tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết thêm giải pháp.

vuthilienhuong.jpeg
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, từ khi ban hành đề án thí điểm du lịch đêm ở một số địa phương đã nhận được tín hiệu tích cực. Như Hà Nội đã biết phát huy các giá trị di tích, di sản để làm nên sản phẩm, điển hình nhất là từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành Tinh hoa đạo học.

Ở Ninh Bình, từ Cố đô Hoa Lư có Đêm Cố đô Hoa Lư, quận 1 TPHCM có Sắc màu đêm Sài Gòn. Các sản phẩm này loại hình văn hóa, phố đi bộ, thưởng ngoạn nghệ thuật đường phố, đáp ứng được một phần nhu cầu của khách.

“Đây là vấn đề mới và khó, không chỉ một ngành làm được. Bởi du lịch là sản phẩm của ngành kinh tế tổng hợp, liên quan nhiều cấp nhiều ngành”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.

Để giải bài toán căn cơ này, Bộ trưởng đề xuất các địa phương nghiên cứu một số giải pháp, trong đó quy hoạch khu phát triển kinh tế đêm.

Bộ trưởng cho rằng, quy hoạch là vấn đề quan trọng vì các khu vực đều có người dân ở xen kẽ, “làm thế nào để bên này hoạt động, bên kia người dân vẫn được ngủ”.

Ngoài ra, đề án này còn cần quan tâm đến lực lượng lao động, không chỉ là những người bán hàng mà còn cả lực lượng bảo vệ an ninh trật tự “bảo vệ cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi”.

Cùng với đó là chế độ chính sách cho những người làm, người biểu diễn.

hungdl3.jpeg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Nhấn mạnh công tác nghiên cứu thị trường, Bộ trưởng cho rằng, “kinh tế đêm nhiều nơi không làm thì thiếu, nhưng làm xong có khi bỏ lại. Nhiều địa phương phát triển du lịch đêm nhưng chỉ được một thời gian, sau đó khách không đến nữa”.

Nêu ví dụ khu ẩm thực của Hà Nội “trước đây rất sầm uất nhưng giờ không có khách nữa”, Bộ trưởng cho biết, hướng tiếp cận “là các địa phương cần chủ động nghiên cứu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham gia, gợi mở một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa để thiết kế, tạo thêm trải nghiệm cho du khách”. Ngoài ra, xem xét nhu cầu mở thêm các cửa hiệu mua sắm, đưa thêm các gói sản phẩm…

“Muốn làm được thì phải dựa trên các yếu tố về quy hoạch. Tôi biết nhiều chuyên gia kinh tế đã về các địa phương để làm, nhưng cũng đang khó và đang nỗ lực, chứ không đơn giản để ngày một ngày hai”- Bộ trưởng cho biết.

Cùng nội dung, đại biểu Lưu Bá Mạc- Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn dẫn báo cáo của Bộ trưởng gửi các đại biểu Quốc hội cho rằng “các sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu”.

Báo cáo nêu thông tin sẽ thí điểm phát triển sản phẩm du lịch đêm ở 12 địa phương. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng có giải pháp đổi mới sản phẩm du lịch đêm và lộ trình thí điểm ở 12 địa phương và mở rộng sản phẩm du lịch đêm trong thời gian tới?

luubamac.jpeg
Đại biểu Lưu Bá Mạc- Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, thí điểm phát triển sản phẩm du lịch đêm không vướng quy hoạch của các địa phương, vấn đề là phân định từng khu. “Ví dụ 1 tỉnh có 10 dự án du lịch thì chọn một dự án để phát triển du lịch đêm, việc này thuộc thẩm quyền HĐND cấp tỉnh”.

“Hiện thí điểm ở 12 tỉnh, chúng ta đang thực hiện theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc là bán cái người ta cần chứ không phải bán cái mình có, làm ra mà không ai dùng thì rất khó”- Bộ trưởng nêu.

Ngoài ra, sản phẩm du lịch đêm còn phụ thuộc thị hiếu, thói quen nhu cầu, phụ thuộc từng loại khách khác nhau, nên cần phân loại phân nhóm.

hungdl2.jpeg
Các đại biểu tham dự phiên họp.

"Chúng tôi đã tìm hiểu sản phẩm du lịch đêm ở một số quốc gia, không phải tất cả đều làm, mà chỉ làm ở điểm trọng yếu và cũng chọn phân khúc để làm. Đây là vấn đề khó cần nghiên cứu, ta cứ làm du lịch này cho thật tốt rồi tính thêm du lịch đêm phụ trợ"- Bộ trưởng nói.

Vì sao quỹ 300 tỷ đồng hỗ trợ ngành du lịch mấy năm vẫn nằm trong tài khoản?

Chất vấn Bộ trưởng, đại biểu Trần Chí Cường- Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng cho biết sau đại dịch, Chính phủ và Quốc hội quan tâm hỗ trợ ngành du lịch phục hồi bằng chính sách tài khóa tiền tệ, bố trí 300 tỷ đồng cho quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

Tuy nhiên, đến nay số kinh phí này vẫn nằm trong tài khoản ngân hàng và tiền lãi được dùng chi cho hoạt động thường xuyên và bộ máy hành chính quản lý quỹ. Ông Cường đề nghị Bộ trưởng nêu nguyên nhân và biện pháp khắc phục.

tranchicuong.jpeg
Đại biểu Trần Chí Cường- Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, số tiền 300 tỷ đồng này không phải quỹ để hỗ trợ phát triển, mà theo Luật Du lịch, số tiền này gọi là vốn điều lệ, được áp dụng theo Quyết định số 49 do Thủ tướng ban hành.

Trong đó quy định vốn điều lệ được bảo tồn, phát triển bằng cách gửi ngân hàng, bảo tồn nguồn vốn đó, phần lãi được dùng làm chi phí cho tổ chức bộ máy.

Còn kinh phí chi cho xúc tiến hoạt động du lịch do Chính phủ cấp, thông qua tỷ lệ phần trăm các hoạt động của ngành du lịch (như phí, vé) và được Nhà nước thu lại.

Theo ông Hùng, số tiền 300 tỷ đồng được chia làm hai phần, mỗi phần 150 tỷ đồng. Theo đó, 150 tỷ đồng được nhận trước đã được gửi vào ngân hàng, số lãi chi cho hoạt động của bộ máy theo đúng quy định và sự kiểm soát của Kho bạc Nhà nước. Số tiền còn lại được lưu giữ ở Kho bạc.

Hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo để củng cố, kiện toàn đội ngũ quỹ, tiếp tục đề xuất cơ quan có thẩm quyền phối hợp để hình thành, thiết lập các quỹ theo quy định vì đây là mô hình mới (mô hình doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập).

“Có những vướng mắc, nhưng tinh thần chung là sẽ quyết liệt hơn, sắp xếp lại bộ máy, vận động lại, và nếu cần thiết sẽ báo cáo đánh giá tác động để xem xét, đề xuất sửa đổi quyết định của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và phê duyệt điều lệ hoạt động của quỹ này, phục vụ tốt hơn hoạt động quảng bá du lịch”, ông Hùng nói.

nguyenvanthan.jpeg
Đại biểu Nguyễn Văn Thân- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.

Tranh luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Văn Thân- Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, “nếu giao quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cho Bộ, rồi Bộ lại gửi tiền này vào ngân hàng thì không cần Ban quản lý quỹ”.

Việc quản lý tiền của quỹ này nên giao cho Bộ với nguyên tắc không làm thất thoát tiền của Nhà nước. Việc quản lý quỹ này có thể giao cho Văn phòng Bộ.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Luật Du lịch có hiệu lực từ 2018 còn quỹ phát triển du lịch được hình thành từ 2021. Quỹ này phải có bộ máy và Điều lệ hoạt động do Thủ tướng phê duyệt. Hoạt động theo mô hình vừa doanh nghiệp vừa là đơn vị sự nghiệp công lập.

Thời gian qua, Bộ trưởng nhận thấy nhiều bất cập. Số tiền 300 tỷ đồng là vốn điều lệ của quỹ, theo quy định không được phép chi cho các hoạt động xúc tiến du lịch, mà phải gửi tại Kho bạc Nhà nước. Khoản lãi từ tiền gửi này dành chi cho hoạt động bộ máy, tổ chức hoạt động. Còn tiền chi cho hoạt động xúc tiến du lịch được trích từ khoản thu tiền vé tại các khu di tích hằng năm, mức này khoảng 5-10%. Năm nào thu được nhiều thì Bộ Tài chính cấp nhiều, năm nào thu ít thì Bộ Tài chính cấp ít.

Tuy vậy, Bộ trưởng Hùng nhìn nhận bộ máy vận hành, điều hành của quỹ này vừa qua chưa ổn, "có tiền mà không tiêu được". Phần tiền quỹ phát triển du lịch được chi nhưng không tiêu hết, vẫn nằm trong kho quỹ và không được chuyển nguồn sang năm sau.

Bộ trưởng khẳng định "Đến thời điểm này chưa phát hiện tình trạng tham ô, tham nhũng quỹ. Cách điều hành của anh em chỗ này, chỗ kia chưa được, chúng tôi sẽ chấn chỉnh, trước mắt tập trung xúc tiến quảng bá du lịch, sản phẩm du lịch để phát huy hiệu quả quỹ".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Du lịch đêm là vấn đề mới và khó