Chính trị

Kỳ vọng nhiều sáng kiến qua chất vấn để góp phần xây dựng, phát triển đất nước

04/06/2024 - 08:25

Chia sẻ trước thềm phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội cho rằng, các nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn lần này đều có tính thời sự, thiết thực và liên quan mật thiết tới đời sống nhân dân. Thông qua đó, kỳ vọng sẽ có nhiều sáng kiến để góp phần xây dựng, phát triển đất nước.

Tập trung xử lý hiệu quả những vấn đề nổi cộm thời gian tới

Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, hôm nay (4/6), Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn với 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: Tài nguyên và môi trường; công thương; kiểm toán; văn hóa, thể thao và du lịch.

Chia sẻ trước thềm phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Nam Định bày tỏ quan tâm đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Theo đại biểu, Việt Nam đang đối mặt vấn đề xâm nhập mặn, hạn hán ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bằng này, qua đó gây tác động không nhỏ đến bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh bất ổn trên thế giới.

Kỳ vọng nhiều sáng kiến qua chất vấn để góp phần xây dựng, phát triển đất nước ảnh 1
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Bày tỏ lo ngại trước những thách thức này, đại biểu Dũng cho biết, đây sẽ là những vấn đề mà ông sẽ đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường trong phiên chất vấn sắp tới.

Qua nghiên cứu báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi đến các đại biểu Quốc hội trước thềm phiên chất vấn, đại biểu đoàn Nam Định cho biết, đã nắm được phương án mà bộ đưa ra cho các vấn đề.

Chẳng hạn như với vấn đề nước ngọt ở đồng bằng sông Cửu Long, sẽ công bố kịch bản nguồn nước lưu vực sông liên tỉnh và từ kịch bản được công bố, Trung ương và các địa phương sẽ điều hành, điều tiết nước để chủ động nguồn nước tại địa phương.

Ngoài ra, sẽ xây dựng các công trình thủy lợi lớn để điều tiết xâm nhập mặn; tập trung nguồn lực xử lý hạn mặn, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long.

Theo số liệu trong báo cáo, đại biểu Dũng cũng phân tích, bộ cũng đưa ra con số giá trị kinh tế/1m3 nước của Việt Nam đạt 2,37 USD, chỉ bằng 12% so với thế giới (giá trị kinh tế nước của thế giới là hơn 19 USD/m3).

Theo đại biểu, thực trạng này cho thấy việc sử dụng nước hiệu quả của Việt Nam còn thấp. Đây đều là những vấn đề cần tập trung xử lý hiệu quả trong thời gian tới.

“Chất vấn không phải thuần túy truy cứu trách nhiệm của Bộ trưởng, mà qua đây các đại biểu Quốc hội cùng phát huy trí tuệ, đóng góp sáng kiến của mình vào việc xây dựng, phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tôi kỳ vọng, phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này sẽ có nhiều sáng kiến hơn của các đại biểu nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước cho đồng bằng sông Cửu Long”, đại biểu Dũng bày tỏ.

Kỳ vọng nhiều sáng kiến qua chất vấn để góp phần xây dựng, phát triển đất nước ảnh 3
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Quảng Bình cho biết, tại phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn lần này, bà quan tâm đến lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo đại biểu, việc triển khai Nghị định 15/2018/NĐ-CP thời gian qua với 10 nhóm quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó có quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm với thức ăn đường phố cho thấy việc quản lý nhóm thực phẩm này rất đáng lo ngại nếu không ban hành các văn bản điều chỉnh, hoàn thiện thể chế.

“Truyền thông đã đưa tin rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, nhưng việc xem xét, xử lý lại khó vì chế tài chưa đủ răn đe, mức xử phạt còn thấp”, đại biểu Tâm cho hay.

Thời gian tới, nữ đại biểu mong muốn Chính phủ, Quốc hội, Bộ Công Thương sớm xem xét rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện những chính sách này, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước và nguồn nhân lực.

Theo đại biểu, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm có sự tham gia của các Bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng hiện chưa phân định cụ thể về quản lý nhà nước, chưa thể chế rõ đối với ngạch của Bộ Công Thương mà chỉ mới có công văn hướng dẫn của bộ về công tác quản lý lĩnh vực này.

Đại biểu đoàn Quảng Bình bày tỏ hy vọng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này, Bộ trưởng Công Thương sẽ có các giải pháp trong thời gian tới để hạn chế tối đa vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là đối với công tác quản lý thức ăn đường phố.

Giải quyết các tồn tại để tạo điều kiện mới cho phát triển

Kỳ vọng nhiều sáng kiến qua chất vấn để góp phần xây dựng, phát triển đất nước ảnh 5
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. (Ảnh: TRUNG HƯNG)

Đánh giá cao công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này được tiến hành kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, với 4 nhóm vấn đề nổi cộm, bao quát, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Hà Nội) nhận định, các vấn đề này vừa mang tính trước mắt, vừa mang tính lâu dài đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của nước ta thời gian tới, đồng thời có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân.

“Tôi thấy rằng, các nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn lần này đều là những vấn đề ‘nóng’, nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và nhân dân trong thời gian vừa qua. Nếu được giải quyết tốt thì không chỉ đem lại sự yên tâm cho cử tri mà còn tạo điều kiện mới cho sự phát triển đất nước trong giai đoạn sắp tới”, đại biểu nhấn mạnh.

Theo đó, những vấn đề như hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước thực sự đang tác động tới mọi gia đình và cả tương lai của đất nước.

Bên cạnh đó, một số dự án được kiểm toán nhưng vẫn xảy ra sai phạm khiến cử tri quan tâm nhiều hơn đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán nhà nước; hay liên quan đến lĩnh vực công thương là hoạt động thương mại điện tử và việc thúc đẩy thực hiện các hiệp định thương mại tự do, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...

Tại phiên chất vấn lần này, đại biểu Sơn bày tỏ quan tâm đến giải trình của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch về những vấn đề liên quan công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; phát triển thể thao trường học; chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển công nghiệp văn hóa; kích cầu, phục hồi du lịch…

Đại biểu cũng bày tỏ kỳ vọng ở phiên chất vấn lần này, các bộ trưởng, trưởng ngành sẽ thể hiện tốt trách nhiệm, trả lời thấu đáo, đúng và trúng vấn đề, trong đó làm sáng tỏ các những vấn đề mà cử tri đang hết sức quan tâm.

“Việc quan trọng là đưa ra được những giải pháp cụ thể, kịp thời để tháo gỡ hiệu quả những vướng mắc đang gặp phải, đáp ứng sự tin tưởng của các đại biểu Quốc hội và của đại đa số cử tri, từ đó tạo ra những chuyển biến tích cực, đột phá trong thực tiễn để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2024 cũng như cho cả nhiệm kỳ”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, từ ngày 4-6/6, diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: Tài nguyên và môi trường; công thương; kiểm toán; văn hóa, thể thao và du lịch. Bên cạnh các bộ trưởng, trưởng ngành tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan, lãnh đạo Chính phủ cũng sẽ có phát biểu làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng nhiều sáng kiến qua chất vấn để góp phần xây dựng, phát triển đất nước