Để ngăn chặn thiệt hại cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nói riêng và các bảo tàng, di tích nói chung, cần có biện pháp nghiêm khắc hơn nhằm điều chỉnh hành vi của khách tham quan.
Bảo tàng chăng dây ngăn khách trèo, ôm hiện vật
Cuối tuần qua, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mở cửa tự do và đón hàng chục nghìn lượt khách từ khắp nơi tới tham quan. Du khách tới bảo tàng trải đều ở nhiều lứa tuổi, từ trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, các gia đình tới cựu chiến binh, người cao tuổi.
Trên mạng xã hội, nhiều người không khỏi bồi hồi, nghẹn ngào khi chứng kiến các cựu chiến binh bật khóc trước những kỷ vật thời chiến, gợi về những tháng ngày cam go bên đồng đội.
Thế nhưng, bên cạnh những hình ảnh đẹp được lan tỏa, nhiều hành động xấu xí, hành vi thiếu văn hóa, thậm chí xâm phạm hiện vật, vi phạm quy định của bảo tàng cũng đã xuất hiện và được chia sẻ trên khắp các nền tảng mạng xã hội.
Không ít người ngao ngán khi chứng kiến cảnh du khách leo lên nóc ô tô chụp ảnh, cha mẹ để con trẻ vô tư trèo lên xe tăng, máy bay, tranh nhau ôm súng hay chạy nhảy trên các mô hình sa bàn lịch sử. Thậm chí, nhiều cha mẹ còn khuyến khích trẻ làm vậy chỉ để có những bức hình độc đáo.
Bên cạnh đó, một số người trèo hẳn lên bục trưng bày để chụp ảnh. Hậu quả là số bục trưng bày bị vỡ, móp méo. Không gian bên ngoài bảo tàng cũng không tránh được những hình ảnh xấu khi nhiều phụ huynh thản nhiên vắt quần áo của con lên lan can cầu thang dẫn vào khu trưng bày trong nhà.
Ngay sau khi những hình ảnh phản cảm này được chia sẻ, cư dân mạng đã lên án các hành vi thiếu ý thức của một bộ phận người tham quan, cùng với đó nhắc nhở cộng động nâng cao nhận thức, ứng xử nơi công cộng.
Lực lượng của bảo tàng được phân công tại các khu vực trưng bày liên tục nhắc nhở nhưng không xuể vì nhắc được người này thì người kia lại vi phạm.
Trước tình hình khó kiểm soát trên, để bảo vệ các bảo vật quốc gia, ngay sau đó lực lượng bảo tàng đã chăng dây quanh nhiều hiện vật.
Theo Trung tá, Quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng phòng Tuyên truyền - Giáo dục Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, sau thời gian mở cửa đón khách, những ngày qua, bảo tàng đã họp, đánh giá cũng như lên phương án đảm bảo tốt nhất cho công tác hướng dẫn tuyên truyền, bảo quản hiện vật trong thời gian tới. "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường trong việc bố trí nhân lực ở khắp các khu vực của bảo tàng, nhằm phục vụ người dân và du khách một cách tốt nhất".
Tới đây các hiện vật trưng bày, đặc biệt là các bảo vật quốc gia sẽ được lưu trữ, bảo quản và bảo vệ một cách nghiêm ngặt hơn, tránh tính trạng không mong muốn xảy ra.
Làm hư hại hiện vật bảo tàng có thể bị phạt tới 40 triệu đồng
Để ngăn chặn thiệt hại cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nói riêng và các bảo tàng, di tích nói chung, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng cần có biện pháp nghiêm khắc hơn trong việc điều chỉnh hành vi của khách tham quan.
"Cần nghiêm khắc với các hành vi xâm hại hiện vật, trong đó cân nhắc xử phạt tùy theo tính chất, mức độ thiệt hại đến các hiện vật, bảo vật quốc gia hay tài sản khác của bảo tàng. Không chỉ ở bảo tàng mà rất nhiều di tích văn hóa - lịch sử hiện nay đều có nội quy và du khách phải tuân theo, như cấm sờ hiện vật, cấm leo trèo hay cấm các hành vi xâm hại...
Trước mắt, ông Nguyễn Tiến Đạt đề xuất Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nên tăng cường quản lý, có thể chăng dây tạo khoảng cách hợp lý giữa khách tham quan và hiện vật. Cân nhắc áp dụng công nghệ, hệ thống camera giám sát để điều tiết lượng khách và sớm phát hiện các cá nhân vi phạm để kịp thời chấn chỉnh.
Thậm chí, có thể áp dụng các biện pháp mang tính răn đe hơn như phạt tiền rất nặng hoặc truy tố, tùy theo mức độ thiệt hại gây ra. Khi biện pháp đủ mạnh, tất cả du khách đều phải tuân thủ.
Còn Tiến sĩ - Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp chia sẻ, bảo tàng là nơi lưu giữ các hiện vật, cổ vật có giá trị, thể hiện giá trị văn hóa, lịch sử.
Vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ các hiện vật lịch sử, vật phẩm văn hóa là trách nhiệm không chỉ của cơ quan tổ chức đơn vị quản lý mà còn là trách nhiệm của mọi công dân.
Hành vi tác động đến hiện vật trong bảo tàng không chỉ thể hiện sự thiếu ý thức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo điểm a khoản 6 Điều 20 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa, người làm hư hại hiện vật trong bảo tàng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng.
Điều 20 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, Điểm b Khoản 3 Điều 5; Điểm c Khoản 3 Điều 5 Nghị định 129/2021/NĐ-CP và Điểm d Khoản 2 Điều 2 Nghị định 128/2022/NĐ-CP về vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa nêu rõ, phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Làm hư hại hiện vật trong bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được đưa vào Danh mục kiểm kê di tích của địa phương.
Ban quản lý bảo tàng cần tích cực tuyên truyền, cảnh báo, ngăn chặn những hành vi phản cảm, có nguy cơ gây hư hại hiện vật để bảo quản, bảo tồn hiện vật, duy trì các giá trị văn hóa, lịch sử ở bảo tàng này.