Sau khi tiến hành khảo sát, thám hiểm, các chuyên gia quốc tế đã phát hiện thêm một số nhánh mới và khám phá thêm khoảng 175m chiều dài tại hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á.
Trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế hang động núi lửa lần thứ 20 (ISV20) tại Đắk Nông, từ ngày 22 đến 26/11, các chuyên gia quốc tế đã thực hiện chuyến khảo sát, thám hiểm một số hang động trong hệ thống hang động núi lửa Krông Nô - Đắk Nông và trong quá trình khảo sát Hang C7 (là hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á), các chuyên gia đã phát hiện thêm một nhánh mới có chiều dài khoảng 175m. Với phát hiện mới này, hang C7 có chiều dài tổng cộng hiện nay là 1.240m.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, trong các ngày tiếp theo, nhóm chuyên gia sẽ quay trở lại hang C7 để tiến hành đo vẽ và dựng bản đồ 3D trong lòng hang. Đây sẽ là nguồn tư liệu khoa học quý giá đối với di sản địa chất mang tầm quốc tế của tỉnh, bổ sung giá trị cho hồ sơ tái thẩm định sắp tới.
Hệ thống hang động núi lửa Krông Nô - Đắk Nông là hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á, với hơn 100 hang động lớn nhỏ và có 5 miệng núi lửa được phát hiện gồm núi lửa Nâm Dơng, núi lửa Băng Mo, núi lửa Nâm Blang, núi lửa Nâm Kar và núi lửa Nâm Gle… Đây là hệ thống hang động núi lửa trong đá bazan dài khoảng 10km, xác lập kỷ lục về quy mô, độ dài cũng như tính độc đáo tại Đông Nam Á, được các nhà khoa học tìm thấy vào năm 2014.
Trong quá trình khảo sát và nghiên cứu hệ thống hang động, các nhà khoa học đã phát hiện các dấu tích cư trú của các bộ lạc thời tiền sử cách đây khoảng 6.000 - 7.000 năm. Vào tháng 9/2018, các nhà khoa học công bố những dấu tích sinh sống của người tiền sử được tìm thấy tại hang động nói trên.