Phát biểu của Chủ tịch nước tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND

BCL| 09/09/2015 13:42
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 9/9, Tòa án nhân dân tối cao long trọng tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND và Đại hội thi đua yêu nước TAND lần thứ III. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm.

Phát biểu của Chủ tịch nước tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Báo Công lý xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Lễ kỷ niệm.

Thưa toàn thể các đồng chí,

Hôm nay, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống và Đại hội Thi đua yêu nước Tòa án nhân dân lần thứ III, tôi nhiệt liệt chào mừng và gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới các Mẹ Việt Nam anh hùng, các vị khách quý, các đại biểu về dự Lễ kỷ niệm và Đại hội thi đua yêu nước. Tôi cũng thân ái gửi đến toàn thể Thẩm phán, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các vị Hội thẩm đã và đang công tác tại các Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Thưa các đồng chí,

Ngay sau thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẩn trương thiết lập bộ máy Nhà nước cách mạng, trong đó có cơ quan Tòa án, một thiết chế Tư pháp quan trọng của bộ máy Nhà nước. Ngày 13/9/1945, chỉ sau Lễ Tuyên ngôn độc lập 11 ngày, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 33-C thiết lập các Tòa án quân sự để trấn áp các phần tử phản cách mạng, bảo vệ chính quyền dân chủ nhân dân mới được thành lập. Ngày 13/9 hàng năm đã trở thành Ngày truyền thống của các Tòa án nhân dân Việt Nam.

70 năm qua, hệ thống Tòa án không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong những năm tháng kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, các Tòa án đã nghiêm trị các phần tử phản cách mạng, các hành vi vi phạm pháp luật, làm phương hại đến lợi ích của đất nước, của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần trấn áp, đập tan các âm mưu, hành động chống phá của các thế lực phản động, thù địch, bảo vệ thành quả cách mạng, ngăn chặn có hiệu quả những tư tưởng cầu an, hưởng lạc, thu vén cá nhân, làm giảm sút ý chí chiến đấu, góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc.

Bước vào thời kỳ đổi mới, thẩm quyền của các Tòa án nhân dân được mở rộng, Tòa án nhân dân đã có nhiều cố gắng, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Đặc biệt là trong hơn 10 năm gần đây, thực hiện đường lối cải cách tư pháp của Đảng, tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân đã không ngừng được đổi mới, phát triển. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của đất nước, Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ: Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân...; một trong ba trụ cột của quyền lực Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được trao cho Tòa án nhân dân. Và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử nền tư pháp nước nhà, chức danh tố tụng cao cấp là Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được Quốc hội phê chuẩn, trên cơ sở đó Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm. Vị thế, trách nhiệm của Tòa án, của Thẩm phán Tòa án nhân dân được đề cao. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định hệ thống các Tòa án được tổ chức thành 4 cấp; cùng với hoạt động xét xử, Tòa án có nhiệm vụ phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ các văn bản trái Hiến pháp và pháp luật; phát triển án lệ; đào tạo nguồn cán bộ, Thẩm phán và đào tạo nghề xét xử; quy định nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; cơ chế thi tuyển và nâng ngạch Thẩm phán, cùng một số quy định quan trọng khác... Những đổi mới trên đây là một bước ngoặt quan trọng, một thành tựu có tính lịch sử trong tiến trình Cải cách nền tư pháp của đất nước.

Thưa các đồng chí,

70 năm qua, các Tòa án đã xét xử nghiêm minh, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm hình sự, góp phần bảo vệ đất nước, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong xét xử về dân sự, hôn nhân - gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, các Tòa án đã giải quyết công bằng, khách quan các tranh chấp, khiếu kiện, góp phần hóa giải các mâu thuẫn, giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết trong xã hội và trong mỗi gia đình, bảo vệ các hoạt động, giao dịch dân sự, kinh tế hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước.

Thông qua hoạt động xét xử, các Tòa án đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật trong nhân dân. Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật đã được quan tâm đẩy mạnh và có nhiều tiến bộ, góp phần vào xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và giải đáp các vướng mắc trong thực tiễn xét xử. Công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức được tiến hành thường xuyên, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án các cấp. Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế không những được tăng cường và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng, tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm tư pháp, thắt chặt tình hữu nghị giữa Tòa án nước ta với Tòa án các nước trong khu vực và thế giới.

Những thành tích của các Tòa án nhân dân đã đạt được trong 70 năm qua là rất to lớn, rất đáng tự hào, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của các Tòa án nhân dân cho đất nước 70 năm qua, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng các Tòa án nhân dân nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Sao vàng và Huân chương Hồ Chí Minh (lần 1 và lần 2), những Huân chương cao nhất của đất nước ta.

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Tòa án nhân dân, Đảng, Nhà nước ta trao tặng cố Chánh án đầu tiên của Tòa án nhân dân tối cao Phạm Văn Bạch Huân chương Hồ Chí Minh; Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội đã quyết định đặt tên một đường phố lớn ở Thủ đô mang tên Chánh án Phạm Văn Bạch. Đây là niềm vinh dự, tự hào chung của đội ngũ Thẩm phán, công chức, viên chức và người lao động Tòa án nhân dân các cấp. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích to lớn đã đạt được trong 70 năm xây dựng và trưởng thành của Tòa án nhân dân các cấp nước ta.

Thưa các đồng chí,

Nhằm tạo động lực thúc đẩy việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trong những năm qua, phong trào thi đua của các Tòa án nhân dân với chủ đề xuyên suốt là: ”Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”, với phương châm, “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” theo di huấn của Bác (trích trong Bài nói của Bác Hồ tại Hội nghị học tập của cán bộ Tư pháp, tháng 5/1950), đã tích cực được triển khai, trở thành phong trào sôi nổi có sức lan tỏa mạnh mẽ cả chiều rộng và chiều sâu. Từ năm 2013, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quy chế và tổ chức thi tuyển danh hiệu “Thẩm phán giỏi”, xét tặng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu”, “Thẩm phán mẫu mực”; qua đó, đã tôn vinh 10 thẩm phán với danh hiệu “Thẩm phán mẫu mực”, 46 thẩm phán được tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu” và 189 thẩm phán được tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán giỏi”, đã làm cho phong trào thi đua trong các tòa án các cấp thêm sôi nổi, thiết thực. Từ trong phong trào thi đua, nhiều cá nhân và tập thể tiêu biểu đã xuất hiện, được nhân rộng trong toàn hệ thống với những thành tích đáng tự hào, nhiều tấm gương thẩm phán, thư ký Tòa án không nhận hối lộ; nhiều Thẩm phán xét xử hàng nghìn vụ án không bị hủy, sửa do lỗi chủ quan... Các phong trào thi đua đã có tác dụng thiết thực, thúc đẩy, khích lệ các thẩm phán, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Tòa án nhân dân các cấp không ngừng học tập nâng cao năng lực, trình độ; tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xét xử và các nhiệm vụ công tác khác được giao; thúc đẩy các Tòa án đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động xét xử, các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, đẩy mạnh các hoạt động xã hội, công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ người nghèo, trẻ em khó khăn, ủng hộ đồng bào bị thiên tai bão lụt, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong toàn hệ thống.

Thưa các đồng chí,

Ngày nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta có những thời cơ, thuận lợi lớn, nhưng cũng phải đương đầu với những khó khăn, thách thức gay gắt. Các Tòa án nhân dân cũng có những thuận lợi rất cơ bản, đó là chủ trương, đường lối của Đảng về Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020; vai trò, vị trí trung tâm của Tòa án đã được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và được thể chế hóa trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; hoạt động của Tòa án sẽ được cải cách mạnh mẽ hơn thông qua việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật về tố tụng để bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất, công bằng, công khai, minh bạch trong hoạt động tư pháp và đảm bảo hoạt động xét xử là hoạt động trọng tâm của các hoạt động tư pháp.

Đồng thời những thách thức đối với công tác của Tòa án nhân dân hiện nay cũng rất lớn, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân cũng rất nặng nề. Tình hình các loại tội phạm và các tranh chấp trong xã hội ngày càng gia tăng về số lượng, phức tạp hơn về tính chất, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, tội phạm công nghệ cao, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm quốc tế. Thẩm quyền, trách nhiệm của Tòa án tiếp tục được mở rộng, trong bối cảnh đất nước ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân đặt ra đối với công tác xét xử ngày càng cao. Do vậy, đòi hỏi mỗi Thẩm phán, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các Tòa án cần phải có quyết tâm cao, cầu thị hơn nữa để khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm; đồng thời không ngừng cố gắng, nỗ lực trong công tác và học tập để nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức và ý thức trách nhiệm, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Các Tòa án tiếp tục đẩy mạnh sâu rộng và nâng cao hơn nữa chất lượng các phong trào thi đua yêu nước để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Mỗi Thẩm phán, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các Tòa án phải luôn ghi nhớ, thấm nhuần sâu sắc, thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ “Trong công tác xét xử phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Nhưng thế cũng chưa đủ. Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng” , “Là những người phụ trách thi hành pháp luật, lẽ tất nhiên phải nêu cao cái gương: phụng công thủ pháp, chí công vô tư cho nhân dân noi theo” (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, Trang 472-473, NXB Chính trị Quốc gia).

Với truyền thống vẻ vang và những kinh nghiệm đã tích lũy được trong quá trình 70 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với những đổi mới tích cực của các Tòa án nhân dân... tôi tin tưởng rằng, hệ thống Tòa án nhân dân các cấp nhất định sẽ hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng tốt các yêu cầu đặt ra đối với công tác Tòa án trong tình hình mới.

Một lần nữa, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống Tòa án nhân dân và Đại hội Thi đua yêu nước Tòa án nhân dân lần thứ III, tôi xin chúc toàn thể các đồng chí Thẩm phán, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các vị Hội thẩm nhân dân, Hội thẩm quân nhân của Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp  hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của nhân dân, là biểu tượng của công lý trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chúc toàn thể các đồng chí và các vị đại biểu khách quý sức khỏe, hạnh phúc, đạt nhiều thành tích hơn nữa trong công tác.

Xin trân trọng cảm ơn./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát biểu của Chủ tịch nước tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Truyền thống TAND