Hệ lụy từ một hợp đồng qua điện thoại

congly.com.vn| 13/04/2012 11:10
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

TAND Tp. Lạng Sơn vừa đưa ra xét xử công khai vụ án “Tranh chấp hợp đồng kinh tế” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Đại Thành (Bắc Ninh) và bị đơn là Công ty Giống cây trồng (GCT) Lạng Sơn. Nhưng chỉ sau 3 tuần bản án đã bị Viện kiểm sát cùng cấp kháng nghị, đặt ra nhiều câu hỏi ...

Hợp đồng qua điện thoại

Đầu vụ xuân năm 2009, qua trao đổi trên điên thoại ông Phan Minh Hiệp, Giám đốc Công ty GCT Lạng Sơn đã đồng ý nhập giống ngô lai NK66, sản phẩm do Công ty Đại Thành độc quyền phân phối. Trên cơ sở thỏa thuận đó, Công ty Đại Thành đã chuyển cho Công ty GCT Lạng Sơn 4.998 kg ngô lai. Tuy nhiên, sau khi bán hết số hàng trên, Công ty GCT Lạng Sơn kiên quyết không thành toán tiền cho bên bán, vì cho rằng Đại Thành dùng thủ đoạn lừa đảo về giá để kiếm lời bất chính. Sự việc trên kéo dài gần 3 năm qua, thu hút sự chú ý của dư luận.


Công ty GCT Lạng Sơn nhấn mạnh, Hợp đồng chuyển sau khi giao hàng, hợp đồng kinh tế giữa hai bên vô hiệu vì chỉ có một bên ký (thời gian địa điểm, nơi giao hàng..). Họ không thừa nhận hợp đồng trên nhưng thừa nhận hai bên có trao đổi thỏa thuận qua điện thoại nhưng giá chỉ là 48.000đ/kg ( theo báo giá của đầu vụ xuân năm 2008).


Tại phiên tòa, đại diện Công ty Đại Thành khẳng định, qua điện thoại hai bên đã thỏa thuận với nhau giá bán là 74.000đ/kg và chiết khấu lại cho Công ty GCT Lạng Sơn 4.000 đ/kg. Thực tế, Công ty GCT Lạng Sơn đã chuyển xuống đại lý với giá bán là 75.000 đ/kg. Nhưng hai ngày sau khi giao hàng, nhân viên Công ty Đại Thành mang giấy tờ đến hoàn tất thủ tục thì ông Hiệp gây khó khăn, không ký hợp đồng và trả lại giấy tờ.


Đại diện Công ty Đại Thành khẳng định, việc hai bên thỏa thuận thống nhất về giá và số lượng hàng rồi chuyển hàng sau đó hoàn tất thủ tục giấy tờ sau là thông lệ giữa hai công ty. Sở dĩ có việc xuất hóa đơn sau vì giống cây trồng là mặt hàng đặc thù theo thời vụ, hai bên mua bán hàng theo hình thức ký gửi đại lý, nếu bán hết toàn bộ số hàng thì Công ty Đại Thành sẽ xuất hóa đơn đối với toàn bộ lô hàng, nếu bán không hết thì họ sẽ nhập lại và chỉ viết hóa đơn theo số lượng đã bán.
Việc Công ty GCT cho rằng hai bên thỏa thuận giá 48.000đ/kg là không đúng vì Công ty Đại Thành xuất trình chứng cứ giá nhập mặt hàng đó cao hơn rất nhiều.


Tòa phán quyết có căn cứ


Tại phiên tòa hai bên đều thừa nhận đã thỏa thuận qua điện thoại. Đây là một dạng hợp đồng được quy định tại Điều 24 Luật Thương mại nên hợp đồng này được chấp nhận.


Về giá cả hợp đồng, theo báo giá của đầu vụ xuân năm 2008 ghi ngày 15-2-2008 thể hiện giá 48.000đ/kg NK66 nhưng ghi rõ là chỉ có hiệu lực đến khi có báo giá mới. Thực tế sau báo giá này, Công ty Đại Thành và Công ty GCT Lạng Sơn đã có một hợp đồng mua bán khác về mặt hàng này tức là ngày 22-7-2008, Công ty GCT Lạng Sơn đã nhập của Công ty Đại Thành 03 tấn ngô NK66 với giá 62.000đ/kg. Như vậy sau báo giá ngày 15-2-2008 do CTGCT Lạng Sơn cung cấp thì đã có báo giá khác thay thế và và trên thực tế Công ty GCT Lạng Sơn đã nhập hàng theo báo giá này và sau báo giá này chưa có báo giá nào thấp hơn giá 62.000đ/kg.


Ở giai đoạn hai bên trao đổi thỏa thuận mua bán lô hàng nêu trên, Công ty GCT Lạng Sơn đưa ra căn cứ về giá không phù hợp vì đã hết hiệu lực. Chính bản thân Công ty GCT Lạng Sơn đã phải nhập sản phẩm này của Công ty Đại Thành với giá cao hơn là 62.000đ/kg. Như vậy giá cũ không thể là 48.000đ/kg như Công ty GCT Lạng Sơn đã nêu.


HĐXX nhận định, hai bên trao đổi thỏa thuận thống nhất rồi mới giao nhận hàng. Sau khi nhận hàng, Công ty GCT Lạng Sơn cũng chuyển về các chi nhánh bán cho nông dân cho kịp thời vụ, nên có trách nhiệm phải thanh toán theo quy định tại Điều 50 Luật Thương mại. Phía Công ty GCT Lạng Sơn lại cho rằng bị lừa về giá nên không thanh toán là vi phạm thời hạn thanh toán theo quy định tại Điều 55 Luật Thương mại. Do đó, Công ty GCT Lạng Sơn phải thanh toán tiền mua hàng của CTCP Đại Thành gồm cả gốc và lãi, đồng thời chịu án phí hơn 20 triệu đồng.


Kháng nghị nhanh chóng?

Nhưng chỉ sau 21 ngày, VKSND Tp. Lạng Sơn đã có kháng nghị số 808/KN-VKS ngày 22-9 cho rằng bản án sơ thẩm chưa đảm bảo có căn cứ theo pháp luật, việc đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ, toàn diện. Theo quan điểm của VKSND Tp. Lạng Sơn, về giá thì hai bên chưa thống nhất về giá nên không có căn cứ cho rằng giá là 74.000đ/kg và do các Công ty độc lập với nhau nên không thể lấy giá Công ty Đại Thành bán cho Công ty Cổ phần vật tư nông nghiệp Thái Nguyên vào cùng thời điểm để so sánh. Hơn nữa, do không thống nhất về giá nên Công ty GCT Lạng Sơn tạm ngừng thanh toán sau gần 2 năm là có căn cứ.


Kháng nghị này không quan tâm đến việc Công ty Đại Thành là nhà phân phối đốc quyền sản phẩm ngô NK66 ở khu vực miền Bắc nên giá bán cho các đại lý phân phối tại các địa phương luôn thống nhất. Ngoài ra, kháng nghị đưa ra quan điểm nên sử dụng giá 62.000đ/kg của hợp đồng mua bán gần nhất giữa hai Công ty để làm căn cứ. Đó là giá của vụ hè năm trước, không căn cứ vào giá thị trường tại thời điểm giao dịch. Hơn nữa, sau khi nhận hàng, Công ty GCT Lạng Sơn cũng chuyển xuống đại lý bán với giá mới là 75.000đ/kg (chưa chiết khấu).


Bị đơn cũng đã kháng cáo, do đó, vụ án sẽ được Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân.

Hoàng Nguyên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ lụy từ một hợp đồng qua điện thoại