Với 370.000 xe ôtô, 3,7 triệu xe máy, 1.200 xe bus, khoảng 1 triệu xe đạp và hơn 50.000 phương tiện vãng lai lưu thông trên 8.000km đường, Hà Nội là một trong những thành phố đứng hàng đầu trong khu vực về mật độ người tham gia giao thông và mức độ ùn tắc, lộn xộn có lẽ cũng là “số 1”.
Cách đây hơn 2 tháng, Hà Nội đã lần thứ 4 tiến hành phân làn giao thông trên 5 tuyến phố. Rất nhiều tiền của, công sức đã được đổ ra nhằm cứu vãn tình trạng giao thông ngày càng tắc nghẽn, nhưng đến nay, hiệu quả của “biện pháp cứu cánh” này xem ra vẫn là một dấu hỏi lớn.
Ôtô, xe máy lẫn lộn
Chủ trương đúng, quyết tâm cao
Từ lâu, giao thông ở Hà Nội là nỗi kinh hoàng cho người nước ngoài đặt chân đến Hà Nội, và là nỗi cực khổ thường trực của cư dân Hà Thành mỗi khi phải ra đường. Nói không quá lời, giao thông ở Hà Nội lộn xộn nhất cả nước, vấn nạn tắc đường vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên hầu khắp các tuyến phố nội thành Hà Nội. Nó không chỉ làm ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống nhân dân mà còn tác động lớn lên sự phát triển của cả một nền kinh tế.
Rất nhiều giải pháp, phương án được các ngành, các cấp từ địa phương đến Trung ương đưa ra bàn luận, nghiên cứu, mổ xẻ, phân tích nhằm tìm ra giải pháp tối ưu nhất vãn hồi trật tự giao thông. Trong đó, việc phân làn hợp lý, có tính toán kỹ lưỡng, được thực hiện một cách khoa học... sẽ giúp cho giao thông đô thị bớt đi sự lộn xộn, rối rắm. Với biện pháp “cưỡng bức” phải đi đúng làn đường quy định, các nhà tổ chức, quy hoạch cũng kỳ vọng vào một sự thay đổi thói quen trong ý thức của người tham gia giao thông, dần dần góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc, hạn chế được tai nạn giao thông đang diễn biến phức tạp như hiện nay.
Từ quyết tâm biến thành hành động, theo đó ngày 20-9-2011, Hà Nội đã tiến hành tổ chức phân làn trên 5 tuyến phố: Bà Triệu, Phố Huế, Hàng Bài, Giải Phóng, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân với tổng mức kinh phí đầu tư là 7,14 tỷ đồng dành cho việc nâng cấp các hạng mục công trình như biển báo, kẻ vẽ dải phân cách mềm, dải phân cách cứng, tiền hỗ trợ lực lượng phân làn…
Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo: “Có tới 138 vụ va chạm, đâm vào cột phân làn. Như vậy chắc là có bất cập về kỹ thuật chứ không phải chỉ do lỗi không quan sát của người tham gia giao thông”. |
Dẫu biết, việc phân làn giao thông tại các đô thị lớn với mật độ xe cộ dày đặc như Hà Nội là việc làm cần thiết, tạo được sự đồng thuận của hầu hết người dân. Đây cũng thể hiện ý chí quyết tâm cao của chính quyền thành phố “nói đi đôi với làm”.
Nhưng, xem ra vẫn có cái gì đó chưa được ổn trong việc tính toán, thực hiện việc phân làn giao thông trên 5 tuyến phố này. Nói cách khác, là chỉ với quyết tâm thôi vẫn là chưa đủ…
Bất cập và… bất cập!
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, phần lớn mặt đường giao thông Hà Nội tương đối nhỏ, chừng 11-12m (chiếm hơn 70%), chưa đủ tiêu chuẩn để phân làn. Căng dây hoặc kẻ lằn sơn phân làn thì được, còn nếu cứ “ép” phải phân làn bằng dải phân cách cứng, chúng ta mất thêm 1m đặt dải phân cách, và mỗi làn đường chỉ còn rộng chừng 4-5m, phương tiện chen chúc nhất là giờ tan tầm, rất khó lưu thông và “thoát” nhanh.
Hơn nữa, ở một số tuyến phố không có làn đường dành riêng cho xe bus, nên khi xe bus “tạt, té” ra vào đón trả khách vô tình chèn ép dòng lưu thông của các loại phương tiện khác. Trung bình một chiếc xe bus 80-85 chỗ có kích thước 12m x 3,2m x 3,7m (tương ứng dài x rộng x cao), khi nó táp vào bến, coi như làn đường xe máy… bị bịt, lúc đó hoặc là dòng xe máy phải chờ thông đường gây ùn ứ; hoặc là phải vi phạm đi sang làn đường khác để thoát thân.
Các phương tiện tham gia giao thông chỉ đi đúng làn khi có Cảnh sát giao thông
Taxi cũng vậy. Muốn vượt qua dòng xe máy kìn kìn để táp vỉa hè lề đường bên phải cũng khó khăn, họ dừng đỗ trả khách ngay… giữa lòng đường. Đó là chưa nói ở một số đoạn đường có giải phân cách cứng, người đi xe máy gần như bị cưỡng chế đi theo làn thì xảy ra tình trạng tắc cục bộ, trong khi đó bên làn đường dành cho ôtô lại hết sức thảnh thơi do phương tiện, người tham gia giao thông ít hơn. Như vậy, vô tình việc phân làn sẽ làm lãng phí diện tích, không tận dụng hết mặt đường giao thông.
Chưa kể đến ở tất cả những đoạn giao cắt nhau: rẽ phải, rẽ trái, quay đầu của tất cả các loại phương tiện càng lộn xộn; ôtô rẽ phải, xe máy rẽ trái đan vào nhau như một mớ bùng nhùng. Khi đó, “giải pháp” được chủ các phương tiện xe máy chọn lựa là lao lên vỉa hè hoặc tràn sang phần đường ôtô thay vì… dậm chân tại chỗ.
Nhiều ý kiến của người tham gia giao thông còn cho rằng, cách đặt dải phân cách, chôn cột biển chỉ dẫn cũng có rất nhiều chỗ bất hợp lý. Với những đoạn đường vốn đã hẹp, không nhất thiết phải đặt dải phân cách cứng ngay đầu vị trí giao cắt, vì như thế vô tình tạo vật cản giữa đường làm giảm luồng chảy giao thông đáng kể, khó quan sát, dễ xảy ra tai nạn.
Hiện có khoảng 120 cán bộ Thanh tra giao thông chia làm 2 ca sáng, chiều làm nhiệm vụ phân làn. Nhưng, do Thanh tra giao thông chỉ làm nhiệm vụ phân làn, không được quyền xử lý phương tiện đi sai làn đường, nên mức độ tác động lên ý thức người tham gia giao thông chưa cao, khó ngăn chặn hành vi vi phạm. |
Và một bất cập cuối cùng cũng là chuyện muôn thủa, đó là ý thức của người tham gia giao thông. Thực tế trên cả 5 tuyến phố thực hiện việc phân làn, tình trạng vi phạm xảy ra liên tục, có tính hệ thống. Tâm lý “bầy đàn” của người dân thể hiện rất rõ, cứ thấy một vài người đi sai làn, vượt đèn đỏ mà không bị phạt, y rằng cả đám người vi phạm kéo theo. Họ có thể mất hàng tiếng đồng hồ “buôn dưa lê” trong quán cà phê, nhưng chờ đèn đỏ 5-7 giây thì… không thể được (!?).
Liệu có thêm lần nữa “ném đá ao bèo”?
Còn nhớ thời gian đầu thực hiện phương án phân làn, nhờ sự ra quân hùng hậu như… tập trận của các lực lượng thanh tra giao thông cắm chốt trên hầu khắp các tuyến đường, rồi lực lượng Cảnh sát giao thông sẵn sàng giữ xe, xử phạt nên hầu như người tham gia giao thông “không dám vi phạm”. Nhưng từ nhiều ngày nay, trên mỗi tuyến đường này chỉ còn lại lèo tèo vài nhân viên của Sở Giao thông - Vận tải, còn lực lượng Cảnh sát giao thông phải tập trung điều hành giao thông ở các nút trọng điểm nên tình trạng lộn xộn lại diễn ra bình thường.
Nguyên nhân của tình trạng này như bất cập đã nói ở trên, một phần do ý thức người tham gia giao thông quá kém, dù có biển bảng chỉ dẫn, cán bộ Thanh tra giao thông đứng phân làn, họ vẫn vô tư “xé rào” vi phạm. Một phần do các chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, lực lượng chức năng để xử lý các trường hợp vi phạm còn mỏng, còn thiếu, nên người dân có dấu hiệu không bị “trấn áp” thì đâm ra “nhờn thuốc”.
Chưa nói đến sự thành công, mà nói chính xác là “kết quả còn chưa được mỹ mãn”, thì theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, chỉ tính riêng 1 tháng đầu tiên thực hiện đã có 40 biển bị xoay lệch; hư hỏng phải thay thế 23 cột; gãy đổ phải trồng lại 138 cột, có 4 cán bộ Thanh tra giao thông bị thương do các phương tiện tham gia giao thông va quệt, đâm vào. Đó là cái giá rất không đáng phải trả nếu người tham gia giao thông biết tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình!
“Trong khi cơ sở hạ tầng thấp kém, không đủ đường đi, việc người dân tham gia giao thông tìm mọi cách “thoát thân” là lẽ thường tình. Nhưng, nếu có một chế tài xử phạt nghiêm, không “ném đá ao bèo”, tôi tin sẽ thay đổi được thói quen vi phạm của người dân…” - một Thanh tra giao thông làm nhiệm vụ trên đường Bà Triệu nói.
Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết: “Tuy còn tồn tại một số vấn đề như chưa có làn đường dành cho xe bus, một số biển, bảng chỉ dẫn đặt chưa được khoa học… Nhưng, cái được lớn nhất là tình trạng va chạm, tai nạn trên 5 tuyến đường đã giảm. Việc thay đổi thói quen, ý thức giao thông trong nhiều năm qua của người dân chỉ trong vòng 2 tháng là không thể. Quan điểm của chúng tôi là quyết làm đến cùng dù biết sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Dự kiến từ nay tới cuối năm, Hà Nội sẽ tổ chức phân làn thêm 8 tuyến phố nữa với kinh phí khoảng 16,7 tỷ đồng...”
Thêm một lần nữa Hà Nội phải đổ tiền, điều này là không thể không làm, và một lần nữa chúng ta lại có quyền hy vọng…
Nguyễn Trung Thành