Sáng 27/3, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã có buổi làm việc với Ban Cán sự đảng TANDTC, Hội đồng Thẩm phán TANDTC về công tác Tòa án.
Về phía đoàn công tác có các Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSNDTC; Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an...cùng đại diện Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Về phía TANDTC có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TANDTC; Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực TANDTC và các đồng chí Phó Chánh án TANDTC: Nguyễn Văn Du, Nguyễn Văn Tiến, Phạm Quốc Hưng, Dương Văn Thăng; các Thẩm phán TANDTC, Trợ lý, Thư ký Chánh án, Thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC.
Công tác xét xử đảm bảo nghiêm minh, đúng pháp luật
Sau phần giới thiệu về tổ chức bộ máy và tình hình hoạt động của hệ thống Tòa án, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ đã báo cáo Chủ tịch nước về công tác chuyên môn, xét xử.
Theo Phó Chánh án Thường trực TANDTC, trong những năm gần đây, các Tòa án thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh số lượng các loại vụ việc phải giải quyết tăng khoảng 6%/năm với tính chất ngày càng phức tạp, Tòa án phải thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế theo quy định.
Tòa án các cấp vẫn không ngừng đổi mới, triển khai nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo nên chất lượng giải quyết các loại vụ việc được nâng lên; tỷ lệ các bản án quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan được hạn chế ở mức thấp (dưới 1,5%), đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội để ra.
Đặc biệt, trong năm 2022, mặc dù số lượng các loại vụ việc thụ lý tăng 29,944 vụ so với năm trước nhưng Tòa án vẫn giải quyết đạt tỷ lệ 88,9%.
Việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Hình phạt mà các Tòa án áp dụng tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo.
Việc xét xử các vụ án dân sự, hành chính đảm bảo khách quan, đúng pháp luật. Các Tòa án cũng chú trọng công tác hòa giải, giải quyết các vụ án dân sự và tổ chức đối thoại trong giải quyết vụ án hành chính đạt hiệu quả cao…
Việc tổ chức xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được Đảng, Nhà nước và Nhân dân đánh giá cao. Đã áp dụng nghiêm khắc với người chủ mưu cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản của Nhà nước; chú trọng quyết định tịch thu tài sản tham nhũng.
Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; các vụ án dư luận xã hội quan tâm, TANDTC đã tập trung chỉ đạo các Tòa án tổ chức xét xử kịp thời, đúng tiến độ, đúng pháp luật. Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có chuyển biến tích cực.
Bên cạnh đó, Tòa án cũng tích cực tham gia xây dựng thể chế, tăng cường xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật; Tích cực triển khai các nhiệm vụ CCTP theo Nghị quyết 27 của Trung ương; Tích cực, chủ động trong công tác hợp tác quốc tế và một số công tác khác thuộc nhiệm vụ của Tòa án.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh các cơ quan Bộ Công an, Viện KSNDTC, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Tư pháp Quốc hội,… đã phát biểu ý kiến đánh giá về công tác Tòa án, hoạt động phối hợp giữa các cơ quan trong thực thi nhiệm vụ thời gian qua. Đồng thời, kiến nghị một số nội dung phối hợp trong tố tụng liên quan đến nhiệm vụ của Công an, kiểm sát.
Các ý kiến cơ bản nhất trí với báo cáo của TANDTC và cho rằng, thời gian qua với chức năng, nhiệm vụ của mình, công tác Tòa án đã thay đổi rõ rệt trên nhiều phương diện, đặc biệt là trong công tác cải cách tư pháp.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cũng đánh giá, hệ thống Tòa án ngày càng có nhiều đổi mới quan trọng, Ban Lãnh đạo TANDTC quan tâm chăm lo xây dựng chất lượng đội ngũ cán bộ ngày càng được nâng cao. Hoạt động xét xử ngày càng đổi mới, công khai, minh bạch. Tất cả các nhiệm vụ được đưa ra đều nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng xét xử, trong khi Tòa án còn gặp nhiều khó khăn, thiếu biên chế, lượng việc gia tăng…
Các đại biểu cũng đề nghị thời gian tới, hệ thống Tòa án cần tập trung khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử các loại vụ án và các công tác khác.
Tập trung 7 nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
Phát biểu tại buổi làm việc, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình bày tỏ sự vui mừng khi Chủ tịch nước và đoàn đã đến thăm trụ sở và làm việc với Ban Cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC, đồng thời cảm ơn các đánh giá thẳng thắn từ các đại biểu tham dự.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, hệ thống Tòa án hiện nay thực hiện khối lượng công việc rất lớn với chất lượng rất cao. Sự phối hợp của Tòa án với các cơ quan trong khối Nội chính rất chặt chẽ, hiệu quả. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đã triển khai nhiều giải pháp đột phá và đã nhận được sự đánh giá cao, tích cực, trong đó nổi bật là ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống Tòa án.
Chánh án TANDTC cũng cho biết, theo kế hoạch và cam kết với Hội đồng Chánh án các nước, đến năm 2025 phải hoàn thành Tòa án điện tử. Đến nay đã có những bước đi rất quan trọng trong công tác này.
Đặc biệt, TANDTC đã có nhiều đột phá, mạnh dạn trong công tác xét xử. Sau khi Quốc hội thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tiếp đến là thông qua Nghị quyết về xét xử trực tuyến. Việc xét xử trực tuyến bước đầu có những thành công lớn với hơn 5.000 vụ án đưa ra xét xử trực tuyến, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Chánh án TANDTC cũng cho biết, thời gian tới sẽ tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng; tập trung thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương, về xây dựng nhà nước pháp quyền.
Cùng với đó, Tòa án cũng sẽ tập trung tham mưu đề xuất các chiến lược dài hạn, công tác đặc xá, thực thi các án tử hình, báo cáo Chủ tịch nước các vụ án quan trọng, đặc biệt.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà hệ thống Tòa án đã thực hiện trong thời gian qua.
Theo Chủ tịch nước, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta tiếp tục đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực; chính trị, xã hội cơ bản ổn định; kinh tế phục hồi tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát được lạm phát, tăng trưởng đạt cao; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả quan trọng; kỷ luật, kỷ cương của Đảng được giữ nghiêm; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được tăng cường; tiềm lực, vị thế, uy tín của đất nước tiếp tục được nâng cao...
"Những thành tựu quan trọng đó đã góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Trong thành tích chung đó của đất nước có sự đóng góp quan trọng của ngành Tòa án. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao thành tích mà ngành Tòa án đạt được trong thời gian qua", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Các Tòa án đã nỗ lực trong công tác xét xử, đạt kết quả cao. Việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan. Tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp được mở rộng, chất lượng ngày càng nâng lên. Công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án được tăng cường, tiến độ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được nâng lên; tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ được kiện toàn, hoạt động hiệu quả…
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng, mỗi phán quyết, quyết định của Tòa án đều liên quan đến sinh mạng chính trị, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, chính vì vậy không được để xảy ra oan, sai. Tòa án phải xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá, bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhất trí với các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới của hệ thống Tòa án, đồng thời nêu thêm một số nội dung có tính chất gợi mở:
Thứ nhất, cấp ủy và lãnh đạo Tòa án các cấp tiếp tục quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các Nghị quyết của Trung ương; tập trung xây dựng chương trình hành động, kế hoạch công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới, sát với tình hình thực tiễn của cơ quan, đơn vị.
Trọng tâm là đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Thứ hai, xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Đổi mới và nâng cao hiệu quả cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án. Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật về khởi kiện vụ án dân sự trong trường hợp chủ thể các quyền dân sự là nhóm dễ bị tổn thương hoặc trường hợp liên quan đến lợi ích công nhưng không có người đứng ra khởi kiện.
Thứ ba, coi trọng nâng cao chất lượng xét xử các vụ án, bảo đảm nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, kịp thời, nhất là những vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo và các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, đấu tranh với các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án, đảm bảo đúng pháp luật, chặt chẽ, rõ ràng, khả thi; chú trọng việc thu hồi tài sản do phạm tội mà có, nhất là tài sản của nhà nước, tập thể.
Thứ tư, tích cực tham mưu thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác tư pháp thành các quy định của pháp luật, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, đặc biệt trong xét xử, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Thứ năm, mỗi phán quyết, quyết định của Tòa án liên quan đến sinh mạng chính trị, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, vì thế không được để xảy ra oan, sai; phải góp phần giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, tạo môi trường xã hội, môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ chế độ. Mỗi vụ án, vụ việc đưa ra xét xử, không chỉ xử lý nghiêm theo đúng pháp luật, mà còn phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Đảng, giá trị đạo đức nhân văn của dân tộc ta.
Thứ sáu, để thực hiện tốt nhiệm vụ trong tình hình mới, điều kiện tiên quyết là phải tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hệ thống Tòa án, nhất là đội ngũ Thẩm phán có đạo đức cách mạng trong sáng, có bản lĩnh, tính chiến đấu cao, có lương tâm, tấm lòng nhân ái, có phương pháp công tác khoa học, sâu sát, thận trọng, tinh thông pháp luật, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của khoa học - công nghệ.
Thứ bảy, tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các đoàn thể trong hệ thống Tòa án thực sự trong sạch, vững mạnh. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động Tòa án, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể trong mỗi cơ quan Tòa án.