Phóng sự - Ghi chép

Nỗ lực xóa nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết

Thanh Phương 15/07/2024 - 09:20

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết để lại hậu quả vô cùng lớn đối với thế hệ con cháu kế cận và cả xã hội. Vấn nạn này thường diễn ra ở các dân tộc ít người, khu vực miền núi còn nhiều khó khăn về kinh tế. Để thay đổi được thói quen đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của người dân là rất khó, nhưng Thanh Hóa quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt tiến tới xóa bỏ hoàn toàn hủ tục này.

Thanh Hóa là tỉnh có nhiều thành phần dân tộc, trong đó người Kinh chiếm tỉ lệ lớn nhất, cùng với đó là 6 dân tộc thiểu số: Dân tộc Mường (401.967 người), dân tộc Thái (258.506 người), dân tộc Mông (19.166 người), dân tộc Thổ (12.675 người), dân tộc Dao (6.551 người), dân tộc Khơ Mú (1.024 người).

banlang.jpg
Cộng đồng người dân tộc xứ Thanh sinh sống tại các khu vực núi cao còn nhiều khó khăn

Cộng đồng dân tộc thiếu số sinh sống tập trung tại 11 huyện miền núi phía tây của xứ Thanh. Mỗi dân tộc đều mang những nét đặc trưng riêng về văn hóa tạo nên giá trị và bản sắc văn hoá xứ Thanh, rất cần được bảo tồn và phát huy. Bên cạnh đó, không ít các loại hủ tục đã kìm kẹp người dân trong đói nghèo, lạc hậu.

Hệ lụy lớn nhất của tảo hôn và hôn nhân cận huyết dẫn tới thế hệ con, cháu thường mang các dị tật, phát triển không đều về thể chất và trí tuệ. Những thế hệ này thường xuyên đau ốm, sức đề kháng kém nên hay mắc các loại bệnh khác nhau. “Không ốm không đau làm giàu mấy chốc”, bao nhiêu tài sản tích lũy được đều phải chạy chữa cho con, cháu. Dẫn tới đời sống đã khó lại càng eo hẹp, túng quẫn hơn.

khokhan.jpg
Thiếu sinh kế để người dân tộc miền núi xóa đói giảm nghèo

Theo thống kê, trong giai đoạn 2023- 2025, Thanh Hóa có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là 11,23%; tổng số hộ nghèo và cận nghèo là 16.788 hộ; tỷ lệ hộ nghèo là 6,84%, tổng số hộ nghèo là 10.220 hộ; tỷ lệ hộ cận nghèo là 4,39%, tổng số hộ cận nghèo là 6.568 hộ. Đa phần hộ nghèo, cận nghèo nằm ở khu vực các huyện miền núi, đường sá đi lại khó khăn, thiếu sinh kế để người dân an cư lạc nghiệp.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng dân tộc thiểu số. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp để sớm đưa hủ tục này ra khỏi đời sống.

canhuyet.jpg
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết để lại hệ lụy rất lớn

Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa Cầm Bá Tường cho biết: Trong những năm qua, chúng tôi đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, huyện liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa”...

Qúa trình triển khai đề án đã có sự vào cuộc chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng tình hưởng ứng của Nhân dân; tổ chức được các hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức. Thông qua các hoạt động đó, tỷ lệ tảo hôn trên toàn vùng miền núi trong tỉnh đã giảm đáng kể từ 4,12% năm 2016 xuống còn 0,91% năm 2020; đặc biệt, không còn hôn nhân cận huyết thống.

macbenh.jpg
Trẻ được sinh ra từ hôn nhân cận huyết dễ mắc các căn bệnh hiếm gặp

Tuy nhiên, trong xu thế bùng nổ thông tin đa chiều, một số thanh, thiếu niên đi làm ăn xa, một số khác đi học tập trung... trong điều kiện dễ tiếp xúc, gần gũi thường xuyên nên dễ dẫn đến tình trạng tảo hôn lại có xu hướng tăng lên, tình trạng hôn nhân cận huyết không còn nhưng vẫn có khả năng xảy ra.

Trong giai đoạn 2021- 2030, Ban Dân tộc đã đưa nội dung xóa bỏ tảo hôn, hôn nhân cận huyết là nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương. Trong đó, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2023, Ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với các bên liên quan tổ chức được 12 hội nghị tập huấn, tập huấn, tuyên truyền cho hơn 2.000 đại biểu là các báo cáo viên, tuyên truyền viên cấp huyện, xã, thôn, bản và người dân về các vấn đề giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

thiuenu.jpg
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết kìm kẹp người dân trong đói nghèo, lạc hậu

Các đơn vị tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành các sản phẩm truyền thông và cấp phát đến 174 xã, 21 thôn, bản vùng dân tộc của tỉnh với số lượng: 9.015 cuốn sổ tay, 14.340 tờ áp phích, 44.970 tờ gấp; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và nhiều bài viết tuyên truyền trên Trang Thông tin điện tử của cơ quan Ban Dân tộc và các cơ quan khác.

Ngoài ra, Ban Dân tộc đã chủ trì, phối hợp với UBND 2 huyện Như Thanh và Thạch Thành tổ chức thành công 2 hội thi tìm hiểu pháp luật đối với học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS của 2 huyện Thạch Thành và Như Thanh về “Phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số”, trong đó có nội dung liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết với hàng nghìn học sinh, giáo viên, người dân tham gia.

nheonhoc.jpg
Trẻ em nheo nhóc, thiếu các điều kiện để phát triển

Theo đó, tỷ lệ tảo hôn đang có xu hướng giảm từ 2,38% năm 2021 xuống còn 1,67% năm 2023. Các huyện còn có tỷ lệ tảo hôn cao tập trung ở các huyện như: Mường Lát, Quan Sơn, Thường Xuân. Nhiều huyện không còn tỷ lệ tảo hôn như: Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước và các huyện giáp ranh có xã, thôn vùng dân tộc thiểu số. Đến năm 2024 đã không còn tình trạng kết hôn cận huyết thống.

Cộng đồng người dân tộc, nhất là các bạn trẻ đã có chuyển biến, nhận thức đúng đắn về tảo hôn, hôn nhân cận huyết, không chỉ có tác động xấu tới sức khỏe, sinh sản, giống nòi... mà còn là hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông cho đội ngũ, báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở; các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho người dân trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, tập trung vào các dân tộc, địa bàn có tỷ lệ tảo hôn cao và còn xảy ra tình trạng hoặc có nguy cơ cao tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền đến nhiều đối tượng đặc biệt là đối tượng trẻ vị thành niên, thanh niên trước độ tuổi kết hôn. Đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức đoàn thể, các trường học phối hợp chặt chẽ với hoạt động của chính quyền các địa phương.

Đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử, đài phát thanh và truyền hình...), nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã, thôn bản; biên soạn các tài liệu dễ nhớ, dễ hiểu đối với người dân. Tuyên truyền để người dân biết được hệ lụy rất lớn của tảo hôn, hôn nhân cận huyết đối với nhiều thế hệ.

Đồng thời, các cơ quan chức năng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Khi có bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án hoặc quyết định xử lý hành chính sẽ tuyên truyền rộng rãi tới người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực xóa nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết