Sáng 1/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội LHPN xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu tổ chức “Chiến dịch truyền thông phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết” cho hơn 500 em học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở (PTDT BT THCS) Hội Nga, huyện Quỳ Châu.
Đây là hoạt động nằm trong chiến dịch thực hiện Dự án 8 nhằm "Bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi".
Tại buổi tuyên truyền, các em học sinh Trường PTDTBT THCS Hội Nga (huyện Quỳ Châu - Nghệ An) đã được xem các tiểu phẩm, các phóng sự ghi nhận hậu quả về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Các em học sinh được giao lưu, chia sẻ những quan điểm về tảo hôn, hôn nhân cận huyết; tham gia trả lời các câu hỏi và nhận những phần thưởng của Ban Tổ chức.
Cũng tại buổi tuyên truyền, các tuyên truyền viên nhấn mạnh: Tảo hôn và hôn nhân cận huyết để lại nhiều hậu quả rất nguy hiểm và trái với quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực, suy thoái nòi giống. Trẻ em gái độ tuổi 15 có nguy cơ tử vong do mang thai và sinh đẻ cao hơn so với phụ nữ trên 20 tuổi.
Đứa trẻ sinh ra do hôn nhân cận huyết thường mắc các bệnh di truyền như: Bệnh tim mạch, mù màu, down (đao), bạch tạng, da vảy nến, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ; còi cọc, kém phát triển về chiều cao và cân nặng, giảm tuổi thọ,…
Theo thống kê từ Phòng dân tộc UBND huyện Quỳ Châu, trong năm 2022 và quý I/2023, toàn huyện có 542 cặp kết hôn, không có cặp hôn nhân cận huyết, tuy nhiên, đã có 30 cặp tảo tôn, chiếm 5,52% số cặp kết hôn đủ tuổi quy định.
Hiện nay, đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đang gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 37%, đây cũng là nguyên nhân số cặp tảo hôn vẫn còn cao. Kinh tế khó khăn cùng với việc thiếu kiến thức nuôi dạy con độ tuổi vị thành niên nên dẫn đến nhiều em học sinh bỏ học giữa chừng và kết hôn sớm.
Bên cạnh đó, đời sống xã hội hiện nay thông thoáng, cởi mở hơn so với trước đây dẫn đến việc chung sống như vợ chồng, quan hệ tình dục trước hôn nhân trở nên phổ biến.
Đặc biệt, cơ chế chính sách trong hôn nhân và gia đình còn một số bất cập, nhất là chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực tảo hôn chưa đồng bộ, chưa đủ mạnh để ngăn ngừa răn đe tình trạng tảo hôn.
Chiến dịch tuyên truyền cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể sẽ tạo những chuyển biến tích cực hơn khi đối tượng tuyên truyền chính là các em học sinh tuổi vị thành niên trong các nhà trường.
Đồng thời, các em cũng sẽ là những tuyên truyền viên về tại các thôn, bản nơi mình sinh sống, từng bước giúp người dân chấp hành pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực, nhất là các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang còn khó khăn.