Báo Công lý nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của bà Nguyễn Thị Vân Anh (trú tại thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) liên quan tới việc đầm tôm nhà bà hiện đang bị các đối tượng lạ mặt chiếm giữ và khai thác trái phép.
Theo nội dung đơn kêu cứu, bà Vân Anh cho biết vào tháng 9/2016, sau khi nhận chuyển nhượng toàn bộ diện tích khu vực đầm tôm số 1 (địa chỉ phía đông cống Điện Biên, Cồn Thoi, Thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) từ bà Trần Thị Hào và anh Bùi Duy Hiến, gia đình bà đã nuôi, thả tôm cua trên khu vực đầm mà không có bất cứ tranh chấp với ai và cũng không có cá nhân, tổ chức nào có ý kiến gì về việc này.
Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, toàn bộ diện tích trên có nguồn gốc từ Hợp tác xã Hải Tiến giao bà Hào và anh Hiến quản lý, sử dụng từ tháng 10/1994. Từ khi được giao đất, bà Hào và anh Hiến sử dụng đúng mục đích, chưa cầm cố, thế chấp, bán nhượng, liên kết, trao đổi với tập thể cá nhân nào.
Tháng 9/2016, do điều kiện khó khăn, bà Hào và anh Hiến đã chuyển nhượng cho ông Vũ Văn Huân và bà Nguyễn Thị Vân Anh để tiếp tục nuôi trồng thủy sản.
Giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đơn kêu cứu của bà Vân Anh
Bà Vân Anh cho biết,, sau khi nhận chuyển nhượng, gia đình bà đã đầu tư và thả một lượng lớn cua, tôm xuống đầm với giá trị con giống là hơn 60.000.000 đồng. Tuy nhiên, khoảng đầu tháng 2/2017, có một số đối tượng lạ mặt đã đến khu vực nhà tạm tại góc đầm của gia đình bà để ở. Những ngày sau đó, liên tục có những đối tượng lạ mặt đến đầm tôm mà bà Vân Anh đang quản lý, khai thác để đốt phá hàng rào, nhà tạm, các công trình mà gia đình đã xây dựng ở khu vực đầm.
Trong khi gia đình bà Vân Anh đang đề nghị các cơ quan chức năng can thiệp thì ngày 11/3/2017 có một nhóm đối tượng lạ mặt mang theo gậy, dao tiếp tục đến khu vực đầm để gây sự.
Theo bà Vân Anh trình bày, do quá nhiều lần bị ức hiếp, phá hủy tài sản, đã thông báo tới các cấp chính quyền mà không được giải quyết nên giữa các thành viên trong gia đình bà Vân Anh và nhóm đối tượng trên đã xảy ra xô xát. Sau vụ ẩu đả, vài ngày sau chồng, em và cháu trai của bà Vân Anh đã bị khởi tố và bị bắt tạm giam về tội Gây rối trật tự công cộng. Sau khi chồng bị tạm giam, bà Vân Anh đã bị buộc rời khỏi khu vực đầm mặc dù tài sản của gia đình vẫn còn tại đây.
Để có thông tin khách quan về sự việc, phóng viên đã có buổi làm việc với UBND huyện Kim Sơn. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra UBND huyện Kim Sơn cho biết, diện tích khu vực đầm (bao gồm cả diện tích giao cho bà Hào từ năm 1994) đã được cơ quan Nhà nước thu hồi lại và cho Doanh nghiệp tư nhân Kim Phát thuê đất 50 năm để thực hiện dự án xây dựng bến phà, đò Điện Biên tại thị trấn Bình Minh từ năm 2010.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cung cấp các giấy tờ về việc cho Doanh nghiệp thuê đất để thực hiện dự án thì ông Mạnh từ chối cung cấp và cho biết phải xin ý kiến lãnh đạo. Ông Mạnh thông tin thêm, phía UBND huyện Kim Sơn đã nhận được đơn phản ánh của bà Vân Anh và đang trong quá trình xác minh sự việc liên quan.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực đầm doanh nghiệp được giao đất thực hiện dự án cũng được nạo vét để nuôi thả tôm, cá, cho đến nay, công trình bến phà vẫn chưa được thực hiện và hàng ngàn m2 đất đang có dấu hiệu sử dụng sai mục đích.
Doanh nghiệp được giao đất thực hiện dự án cũng nạo vét đầm để thả cá, tôm
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng Văn phòng luật sư Interla (Hà Nội) cho biết, quyền của cá nhân đối với tài sản của mình được pháp luật bảo vệ và việc doanh nghiệp chậm thực hiện dự án, sử dụng sai với mục đích sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép mà không thuộc trường hợp được cho phép là trái với quy định pháp luật.
Tại khoản 12 Điều 38 Luật Đất đai 2003 quy định về các trường hợp thu hồi đất như sau: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn mười hai tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn hai mươi bốn tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất đó cho phép”.
Kế thừa tư tưởng của Luật Đất đai 2003,điểm i Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013 cũng quy định như sau: “Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”.
Tại Điều 15 Nghị định 43/2014/NĐ-CP đã quy định những trường hợp bất khả kháng mà doanh nghiệp được xin phép gia hạn thực hiện dự án bao gồm: Do ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, thảm họa môi trường; Do ảnh hưởng trực tiếp của hỏa hoạn, dịch bệnh; Do ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh; …
Ngoài ra, Điều 64 Luật Đầu tư 2005 về tạm ngừng dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư cũng quy định:
“Nhà đầu tư khi tạm ngừng dự án đầu tư phải thông báo với cơ quan nhà nước quản lý đầu tư để được xác nhận làm cơ sở cho việc xem xét miễn, giảm tiền thuê đất trong thời hạn tạm ngừng dự án. Dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư sau mười hai tháng mà nhà đầu tư không triển khai hoặc không có khả năng thực hiện theo tiến độ đã cam kết và không có lý do chính đáng thì bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư”.
Như vậy, trong trường hợp này, nếu DNTN Kim Phát được giao đất từ những năm 2010, đến nay đã 07 năm nhưng vẫn không triển khai thực hiện và sử dụng đất sai mục đích (làm đầm tôm, bãi cát) mà không thuộc trường hợp được gia hạn, chuyển mục đích sử dụng đất thì việc chậm thực hiện dự án, nạo vét đầm, nuôi thả tôm, cua trên khu vực đầm của doanh nghiệp này là trái với quy định của pháp luật và cần phải bị thu hồi.
Ngoài ra, đối với tài sản là sản phẩm thủy sản được nuôi thả tại khu vực đầm: Tại Điều 163 BLDS 2015 quy định “Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản”.
Căn cứ theo Điều 164, 169 BLDS 2015 thì nếu có căn cứ cho rằng người khác đang có hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản của mình thì chủ sở hữu có quyền: Tự bảo vệ, ngăn chặn hành vi xâm phạm bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật; Yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Theo đơn của bà Vân Anh cho biết, gia đình đã đầu tư và thả một lượng lớn cua, tôm xuống đầm với giá trị con giống là hơn 60.000.000 đồng. Đến nay, lứa tôm, cua đã đến vụ thu hoạch để trang trải cho kinh tế gia đình nhưng gia đình không được tiếp cận khu vực đầm, không được thu hoạch, không được bảo vệ tài sản của mình. Thậm chí một số đối tượng còn ngang nhiên lượm, bắt tôm, cua trong đầm do bà Vân Anh thả nuôi. Điều này đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho quyền lợi hợp pháp của gia đình. Đáng chú ý, trong suốt quá trình bà Vân Anh quản lý, sử dụng khu đầm không có ai can thiệp. Vì vậy, tài sản tại khu đầm này của bà Vân Anh cần được xem xét bảo vệ theo đúng quy định pháp luật.
Như vậy, diện tích đất đã được thu hồi có đang được sử dụng đúng mục đích. Trách nhiệm, của các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp này là như thế nào?
Báo Công lý sẽ tiếp tục đưa tin tới bạn đọc về vụ việc này.