Những tường thành nổi tiếng trên thế giới

Hoài Thu| 12/02/2021 08:03
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trên thế giới từ xưa tới nay nhiều công trình tường thành được xây dựng với mục đích bảo vệ biên giới hay như là biểu tượng của chiến tranh lạnh. Ngoài ý nghĩa về mặt lịch sử, nhiều bức tường thành còn có ý nghĩa về kiến trúc và có giá trị quan trọng về văn hoá tinh thần. Một vài bức tường thành đến nay vẫn còn tồn tại với thời gian và được xếp vào danh sách Di sản thế giới cần được bảo vệ và đã trở thành điểm thu hút khách du lịch tốt nhất trong cả nước.

Vạn lý Trường thành

"Thành dài vạn lý" gọi tắt là Trường Thành, là tên gọi chung cho nhiều thành lũy kéo dài hàng ngàn cây số từ Đông sang Tây, được xây dựng bằng đất và đá từ thế kỷ 5 TCN cho tới thế kỷ 16, để bảo vệ Trung Hoa khỏi những cuộc tấn công của người tộc người đến từ những vùng hiện thuộc Mông Cổ và Mãn Châu. Một số đoạn tường thành được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 TCN, sau đó được Hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc là Tần Thủy Hoàng ra lệnh nối lại và xây thêm từ năm 220 TCN và 200 TCN và hiện chỉ còn sót lại ít di tích. Vạn Lý Trường Thành nổi tiếng được tham quan nhiều hiện nay được xây dưới thời nhà Minh từ năm 1368 đến năm 1647. Các mục đích khác của Vạn Lý Trường Thành bao gồm kiểm soát biên giới, cho phép áp đặt thuế đối với hàng hóa vận chuyển theo con đường tơ lụa, quy định hoặc khuyến khích thương mại và kiểm soát xuất nhập cảnh. Trên thực tế, con đường của Vạn Lý Trường Thành cũng được sử dụng như là một hành lang giao thông vận tải.

Một nghiên cứu khảo cổ chi tiết, sử dụng những công nghệ hiện đại, được công bố vào năm 2009 kết luận rằng Vạn Lý Trường Thành do nhà Minh xây dựng có chiều dài 8.850 km. Nó bao gồm phần bức tường dài 6.259 km, phần hào dài 359 km, và phần lá chắn tự nhiên như đồi, sông dài 2.232 km. Một nghiên cứu khảo cổ chi tiết khác vào năm 2012 kết luận Vạn Lý Trường Thành có chiều dài 21.196 km. Chiều cao trung bình tường thành là 7m so với mặt đất, mặt trên của trường thành rộng trung bình 5-6m.

1.-van-ly-truong-thanh.jpg
Vạn Lý Trường Thành là bức tường thành nổi tiếng của Trung Quốc được xây dựng bằng đất và đá từ thế kỷ 5 TCN

Những bức tường thành Ston (Walls of Ston)

Walls of Ston là một loạt các bức tường đá phòng thủ bao quanh và bảo vệ thành phố Ston, nằm trong vùng lịch sử Dalmatia, Cộng hòa Ragusa (đến nay không còn), thuộc miền Nam Croatia. Việc xây dựng những bức tường này được bắt đầu vào năm 1358. Trên Tường thành có một dòng chữ Latinh có từ năm 1506.

Mặc dù được bảo vệ tốt bởi những bức tường thành đồ sộ, Cộng hòa Ragusa đã xây dựng một tuyến phòng thủ khác trên đảo Pelješac. Tại điểm hẹp nhất của hòn đảo, ngay chỗ nó tiếp giáp đất liền, một bức tường đã được xây dựng kéo dài từ thành phố Ston đến làng Mali Ston. Bức tường ngày nay chỉ còn dài 5,5 km, nối thành phố Ston với làng Mali Ston, và có hình dạng của một hình ngũ giác không đều. Nó được hoàn thành vào thế kỷ 15, cùng với 40 tháp (20 trong số đó vẫn tồn tại) và 5 pháo đài. Trong suốt thời kỳ Cộng hòa Ragusa phát triển và tồn tại, các bức tường đã được bảo trì và cải tạo nhằm mục đích bảo vệ các vựa muối quý giá góp phần tạo nên sự giàu có của thành phố Dubrovnik (miền Nam Croatia), hiện vẫn đang được sử dụng cho đến ngày nay.

Công việc phá dỡ các bức tường bắt đầu sau khi nước Cộng hòa Ragusa sụp đổ. Sau đó, chính quyền Áo đã lấy vật liệu từ bức tường này để xây dựng trường học và các công trình cộng đồng, đồng thời để làm khải hoàn môn nhân chuyến viếng thăm của Hoàng đế Áo năm 1884. Bức tường xung quanh Mali Ston đã bị phá bỏ với lý do nó đang hư hại và ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Việc phá hủy đã bị dừng lại sau Thế chiến thứ hai.

Ngày nay, nó là một trong những hệ thống pháo đài được bảo tồn lâu nhất trên thế giới. Walls of Ston được mệnh danh là Vạn Lý Trường Thành của châu Âu. Bức tường là là thành lũy dài thứ hai ở châu lục này sau Hadrian’s Wall nối liền giữa Scotland và Anh.

2.-walls-of-ston.jpg
Walls of Ston nằm trên bán đảo Peljesac, miền Nam Croatia được mệnh danh là “Vạn Lý Trường Thành” của châu Âu.

Biên thành Hadrian (Hadrian’s Wall)

Được xây dựng theo lệnh của Hoàng đế La Mã Hadrian và được đặt tại Vương quốc Anh, Bức tường Hadrian là một pháo đài phòng thủ đánh dấu biên giới phía Tây Bắc của Đế quốc La Mã trong ba thế kỷ. Bức tường có chiều dài 73 dặm và trải dài từ hai đầu bờ biển, cắt ngang miền Bắc nước Anh ngày nay, giữa Wallsend ở phía Đông đến Bowness-on-Solway ở phía Tây. Việc xây dựng có thể đã được bắt đầu vào khoảng năm 122 SCN, sau khi Hadrian đến thăm một tỉnh La Mã mà thời bấy giờ được gọi là Britannia. Nhiều nhà lịch sử cho rằng đã có một đội quân 15.000 người làm việc trong ít nhất 6 năm để hoàn thành bức tường. Phần lớn bức tường được làm từ đá, mặc dù một vài phần được đắp từ đất cỏ.

Các pháo đài nhỏ, được gọi là milecastle, đã được dựng lên cách nhau một dặm La Mã (tương đương với 0,91 dặm hiện đại) dọc theo bức tường, và hai tháp quan sát được đặt giữa mỗi pháo đài nhỏ. Ngoài ra, còn có hơn một chục pháo đài lớn dọc theo chiều dài bức tường nơi các binh sĩ đồn trú. Một công sự đất khổng lồ bao gồm một rãnh chạy dọc hai gò song song, mà ngày nay được gọi là Vallum, được xây dựng ngay phía Nam của bức tường. Hadrian tại vị từ năm 117 cho đến khi ông qua đời năm 138. Sau đó, hoàng đế mới, Antoninus Pius, đã dựng lên một bức tường bằng đất cỏ ở phía Bắc Biên thành Hadrian, mà ngày nay là Scotland. Tuy nhiên, cái gọi là Bức tường Antonine, cũng có một số pháo đài dọc theo chiều dài của nó, đã bị bỏ hoang trong những năm 160 và người La Mã đã chiếm lại Bức tường Hadrian. Các pháo đài dọc theo bức tường có thể đã bị chiếm đóng cho đến cuối thời kỳ thống trị của đế chế La Mã ở Anh, vào những năm đầu thế kỷ thứ 5.

Trong những thế kỷ tiếp theo, đá từ Bức tường Hadrian đã được gỡ xuống để xây dựng nhà cửa và đường đi; tuy nhiên, một số phần của bức tường vẫn còn tồn tại. Ngày nay, một con đường đi bộ dài được xây dựng chạy dọc theo bức tường ở miền Bắc nước Anh.

3.bien-thanh-hadrian.jpeg
3.hadrian-s-wall.jpg

Tường thành Constantinople

Tường thành Constantinople là một loạt các bức tường đá phòng thủ đã vây quanh và bảo vệ thành phố Constantinople (Istanbul ngày nay ở Thổ Nhĩ Kỳ) từ khi thành lập như là thủ đô mới của Đế chế Đông La Mã (Byzantine) của Constantine Đại đế. Với nhiều đợt xây thêm và chỉnh trang trong lịch sử, hệ thống tường thành Constantinople là một trong những hệ thống phức tạp và công phu nhất từng được xây dựng, bảo vệ Constantinople chống lại cuộc tấn công từ cả biển và đất liền. Tuy nhiên nó đã không bảo vệ được Constantinople khỏi cuộc vây hãm của quân đội Ottoman năm 1453 áp đảo về số lượng.

Tường thành Constantinople được chia thành hai phần bao gồm phần tường bảo vệ dọc bờ biển Marmara và phần tường bảo vệ trên đất liền.

Phần tường bảo vệ dọc bờ biển Marmara dài khoảng 21km được xây dựng từ giữa thế kỉ thứ 4 và thứ 5 với độ cao thấp hơn phần tường bảo vệ trên đất liền và được lắp đặt những cổng đặc biệt cho phép tàu thuyền vào bên trong cảng. Trải qua nhiều gia đoạn thăng trầm của lịch sử, phần tường này vẫn còn được bảo tồn khá tốt, nhất là những phần quan trọng.

Phần tường bảo vệ trên đất liền bao bọc phần phía Tây của Istanbul. Trái ngược với phần tường bảo vệ dọc bờ biển Marmara chỉ có một lớp bảo vệ, phần tường bảo vệ trên đất liền được xây với hệ thống bảo vệ ba lớp gồm tường chính, tường chắn, và hào. Phần tường này bị hư hại nghiêm trọng sau cuộc tấn công của Ottoman năm 1453 và bị lãng quên trở thành nơi trú ngụ của những người vô gia cư. Tuy vậy, năm 1953 đánh dấu 500 năm việc đánh chiếm thành công Constantinople, một dự án nhằm phục hồi bức tường đã được thực hiện và vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay.

4.constantinople.jpg
Tường thành Constantinople là một loạt các bức tường đá phòng thủ vây quanh và bảo vệ thành phố Constantinople (nay là Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ)

Bức tường Berlin

Bên cạnh những biên thành nghìn năm tuổi, ngày nay cũng xuất hiện những bức tường biên giới kiên cố nhằm ngăn chặn người nhập cư như Bức tường biên giới Hoa Kỳ-México (là một loạt các bức tường và hàng rào dọc biên giới Hoa Kỳ-México nhằm ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp từ México vào Hoa Kỳ và ngược lại), hay Tường rào Bờ Tây của Israel (một hàng rào điện dài 110km, được xây từ năm 2002 nhằm ngăn chặn những người đánh bom tự sát Palestine xâm nhập vào Israel).

Nhắc đến những bức tường thành nổi tiếng thời hiện đại phải kể đến Bức tường Berlin. Từng được Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức gọi là "Tường thành bảo vệ chống phát xít" và bị người dân Cộng hoà Liên bang Đức gọi là "Bức tường ô nhục", bức tường Berlin là một phần của biên giới nội địa nước Đức và đã chia cắt phần Tây Berlin của Tây Đức với phần phía Đông của thành phố và với lãnh thổ của nước Cộng hòa Dân chủ Đức bao bọc chung quanh Tây Berlin từ ngày 13 tháng 8 năm 1961 đến ngày 9 tháng 11 năm 1989. Bức tường được xây dựng theo chỉ thị của lãnh đạo Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Đức (Sozialistische Einheitspartei Deutschlands - SED), dưới sự bảo vệ và canh phòng của lực lượng Công an Nhân dân và Quân đội Nhân dân Quốc gia. Bức tường Berlin được hoàn thiện bằng nhiều công trình rộng khắp ở cạnh biên giới với Tây Đức. Cũng như phần biên giới nội Đức còn lại, Bức tường Berlin được củng cố với nhiều hệ thống rộng lớn bao gồm hàng rào kẽm gai, hào, vật cản xe tăng, đường tuần tra và tháp canh. Trong tổng số 156,4 km biên giới với Tây Berlin, 43,7 km nằm trong thành phố Berlin và 112,7 km nằm trong tỉnh Potsdam. Có 63,8 km chạy qua khu vực có công trình xây dựng, 32 km xuyên qua vùng có rừng, 22,65 km qua đồng trống và 37,95 km nằm cạnh sông hay hồ... Bức tường này là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh và của việc chia cắt nước Đức. Khoảng 5000 người đã tìm cách vượt qua bức tường để sang Tây Berlin trong đó có gần 200 người thiệt mạng.

5.-berlin.jpeg
Bức tường Berlin – biểu tượng nổi tiếng thời Chiến tranh lạnh
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những tường thành nổi tiếng trên thế giới