Phóng sự - Ghi chép

Những phận đời bới rác mưu sinh

Thừa Thiên 14/09/2023 15:40

Khi những chiếc xe chạy vào bãi rác, nhóm người phụ nữ già trẻ đã chờ sẵn. Rác vừa đổ ấp xuống, họ vây quanh nhặt tìm chai lọ, bao nilon, phân ra từng loại để bán kiếm tiền. Có những phận đời bám bãi rác hơn nửa đời người để vật lộn mưu sinh....

Nghề “mẹ truyền con nối”

Bãi rác Tân Vạn cách TP Biên Hòa, Đồng Nai chừng 6km, hình thành từ mỏ đá Tân Vạn 3 đã ngưng hoạt động. Để gặp những người bới rác cuối bãi, chúng tôi băng qua đoạn đường sình lầy khoảng 200m, không gian ngập mùi khét lẹt từ đám khói đang bốc lên và sự xú uế nồng nặc từ rác thải đủ loại chất đống bạt ngàn cả gần hec ta. Tấm lều được căng tạm từ một cái dù là chỗ tránh nắng mưa của 10 con người nhặt rác đang ngồi chờ xe rác tới. Phóng viên lân la tới gần hỏi chuyện mới biết tất cả những người hành nghề bới rác ở đây đến từ phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

dong-nai-boi-rac-muu-sinh
Vợ chồng anh Phong được mẹ “truyền nghề” nhặt rác ngót ngét 10 năm

Họ là những lao động tự do, gắn bó với nghề bới rác đã có “thâm niên”. Lớn tuổi nhất trong nhóm là bà Ba ngoài 70 tuổi, nhỏ tuổi nhất là chị Thùy 23 tuổi. Chị Thùy là con dâu của gì Bảy, theo chồng cùng mẹ chồng từ Trảng Dài về đây, cả gia đình đều đặn hằng ngày sáng đi chiều về để làm cái nghề tự do mà không có ai quản lý. Nghề “có làm mới có ăn”, nhặt nhạnh chai lon nhựa nilon đóng gói để bán kiếm tiền trang trải qua ngày.

Bà Nguyễn Thị Bảy hóm hỉnh cho biết, bà sống 60 năm cuộc đời và làm nghề này ngót nghét hơn 20 năm. Trước kia bới rác ở Trảng Dài nhưng khi bãi rác đóng cửa, bà cùng con trai và con dâu về làm tại bãi rác Tân Vạn từ năm 2015. Ngày ngày đều đặn đi làm, đi từ tờ mờ sáng có khi tối mịt mới về, công việc không có giờ giấc vì lúc nào còn xe rác tới là còn bới, đóng gói xong rồi mới nghỉ đi về.

Anh Phong, chồng của Thùy năm nay 32 tuổi, dáng người nhỏ gầy, vừa thoăn thoắt bê từng bao chai lọ từ vợ thu gom bỏ vào bì lớn, vừa cho biết: Vợ chồng không học hành nên chỉ biết theo mẹ làm nghề bới rác mưu sinh, bám bãi rác sống qua ngày. Ngoài việc đi cùng mẹ và vợ phân loại rác, bốc vác, Phong còn nhận nhiệm vụ đưa đón con nhỏ 6 tuổi đang học lớp 1. Cả nhà bám bãi rác, mong kiếm đủ tiền ăn qua ngày và lo tiền học cho con.

dong-nai-boi-rac-muu-sinh
Chiếc lều tạm cho 10 con người tránh mưa nắng lọt thỏm cuối bãi rác Tân Vạn

Cùng cảnh ngộ với gia đình bà Bảy, chị Nguyễn Thị Mỹ Hiền (35 tuổi) cùng mẹ bám bãi rác gần 30 năm. Chị tâm sự không nhớ làm nghề này từ khi mấy tuổi, chỉ biết từ nhỏ đã ra phụ ba mẹ ở bãi rác Trảng Dài. Đến lớp 9, chị nghỉ học rồi bới rác kiếm tiền giúp gia đình. Trước cả ba mẹ chị đều đi làm nhưng nay ba chị chuyển sang phụ hồ. Hôm nay mẹ chị Hiền bị ốm, một mình chị cố gắng bới nhiều hơn để phụ thêm chồng có tiền nuôi con ăn học.

Đa phần những người ở đây hoặc cùng gia đình, hoặc là họ hàng quen biết, họ đều xem bãi rác là nơi kiếm sống duy nhất của mình. Nghề bới rác trở thành “gia truyền”, từ đời mẹ sang đời con. Họ không có ruộng vườn mưu sinh, bới rác tồn tại qua ngày.

“Không có mùi này tụi em không sống nổi”

Lời bông đùa của chị Hiền lột tả đúng số phận những con người nơi đây, bởi nguồn thu nhập để nuôi sống bao nhiêu gia đình đều từ bãi rác mà có. Đối với những người như chúng tôi, khi bước vào bãi rác, chỉ ngửi mùi nồng nặc pha trộn đủ loại xộc vào mũi thì đã buồn nôn, chóng mặt. Thế nhưng đối với họ, những mùi kinh khủng này phải biết chấp nhận và vượt qua, đến nỗi đau ốm cũng phải uống vội vài liều thuốc, ráng để đi làm vì “nhớ mùi rác”, không vào đây và vượt lên là không có tiền mưu sinh.

dong-nai-boi-rac-muu-sinh
Các chai lọ, thủy tinh, nilon được bà Bảy đóng gói ra từng bì lớn chờ thương lái đến thu mua

Trò chuyện với phóng viên về nghề, cái nghề có người ví là “nghề bẩn nhất trong những nghề bẩn” nhưng với họ vẫn hiện lên sự lạc quan, yêu đời. Bởi họ chia sẻ giản dị: Có bãi rác để bới là may mắn, còn kiếm được đồng ra đồng vào, đủ trang trải cuộc sống qua ngày. Họ luôn hy vọng kiếm đủ sống qua ngày, tằn tiện, tích cóp lo đủ cho con cái học hành, mong sau này các con có nghề nghiệp, không phải nhặt rác vì thất học như bố mẹ.

Bà Bảy cho biết: Trước đây các hộ gia đình chưa phân loại rác thì hàng ngày cũng bới được nhiều chai lọ. Nay nhiều người biết phân loại bán ve chai hoặc công nhân đi lấy rác thu gom chai nhựa các loại ra riêng thì bới trong xe rác một ngày cũng không được bao nhiêu.

Bà Bảy cho biết thêm, rác thu gom được đựng vào các bàn mủ (bao to đựng rác cỡ lớn tầm 40kg - PV), rác được phân loại kỹ càng như chai thủy tinh, chai nhựa, lon bia... để bán cho các thương lái trực tiếp vào bãi thu mua. Giá chai lọ thủy tinh 1.300kg/kg, chai nhựa lon bia 6.000 đồng/kg (giá đó chưa tính bị thương lái trừ đi 10% thuế phí). Tính ra thu nhập của mẹ con mỗi ngày gần 100.000 đồng/ người. Nếu trừ tiền ăn trưa và xăng xe đi lại thì chỉ còn lại vỏn vẹn mấy chục ngàn.

dong-nai-boi-rac-muu-sinh
Xe rác vừa đổ xuống là cả nhóm chị em lao vào bới tìm rác mưu sinh

Khi chúng tôi đề cập có đi bãi rác khác bới tìm thêm, bà Bảy thẳng thừng: Các chú chưa biết, làm nghề này cũng “đất có thổ công”. Bãi rác khác cũng có nhóm khác mưu sinh, không nên đụng vào nồi cơm của nhau.

Vậy mới thấy dù là nghề nào cũng “có hội có thuyền”. Ngay đến địa bàn nhặt rác, những người cùng cực cũng phải hợp sức giữ lấy. Bởi với họ, không có bãi rác là không có việc để làm, dẫu biết là vất vả, tiềm ẩn nguy cơ bệnh tật, nhưng để có tiền trang trải sống qua ngày, họ phải giành giật để làm nhằm nuôi sống bản thân, gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những phận đời bới rác mưu sinh