Giáo dục

Những người lái đò vượt bão dông (Bài 1): Giữ vững bảng đen trong dòng nước lũ

Nguyễn Liên - Tuyết Nhung 01/09/2024 - 15:37

Khi cơn lũ ập đến, cuốn trôi nhà cửa, ruộng đồng và cả những quyển sách, cuốn vở thì vẫn có một lực lượng kiên cường bám trụ. Họ trở thành điểm tựa vững chắc không chỉ cho học sinh mà của cả người dân vùng “rốn” lũ. Đó là các thầy cô giáo. Không chỉ dạy học mà còn là người bạn, người cha, người mẹ, cùng các em vượt qua khó khăn, giữ vững ngọn lửa tri thức trong bão dông. Những công việc âm thầm, lặng lẽ, những câu chuyện cảm động về sự tận tụy, lòng hy sinh và tinh thần kiên cường của người thầy, người cô nơi đầu sóng ngọn gió.

Đêm 25/8, hơn 4h sáng, chuông điện thoại của tôi liên tục rung lên. Những cuộc gọi lạ với giọng rất vội vã "Nhà báo ơi, lũ kéo về đêm nhanh quá, bà con, trường học ngập hết rồi"! Tiếng gọi ấy đã đánh thức tâm trí tôi. Chẳng cần biết trời chưa kịp sáng, những chuyến xe tức tốc trong mưa đã có mặt tại xã Quang Vinh, Trùng Khánh, Cao Bằng. Những hình ảnh ngập lụt mênh mông có chỗ sâu 3m và hình ảnh thầy hiệu trưởng Tiểu học Quang Vinh sốt ruột tự bơi vào trường kiểm tra đã khiến những ai có mặt tại đó không khỏi xót xa.

Nỗi niềm của thầy cô vùng lũ

Trên địa bàn huyện Trùng Khánh, đợt mưa lớn kéo dài từ đêm ngày 22 đến hết ngày 25/8 gây ngập úng 118 nhà, ảnh hưởng trên 260 ha hoa màu của bà con nhân dân. Trong đó, ảnh hưởng nặng nề nhất là tại xã Quang Vinh, nước lũ dâng nhanh làm cô lập xã và ngập toàn bộ 60 ngôi nhà của 8/8 xóm; 3 trường học; trạm y tế; hơn 100ha hoa màu cùng nhiều tài sản của người dân, gia súc, gia cầm, lương thực bị nước lũ cuốn trôi, nhấn chìm, hư hỏng. Tỉnh Cao Bằng nói chung và xã Quang Vinh nói riêng đang trải qua đợt lũ lịch sử, nhiều nhà dân ngập tận nóc, trường học, trạm y tế cũng chung tình cảnh.

cly-cb-17-.jpg
Thầy hiệu trưởng Hoàng Văn Việt, Trường Tiểu học Quang Vinh bâng khuâng một mình giữa sân trường khi nước lũ đi qua

Tình trạng ngập sâu kéo dài, ảnh hưởng lớn đến người dân và cả những học sinh trên địa bàn. Cảm giác xót xa khi nhìn những trường học chìm trong biển nước. Những trang sách, quyển vở lững thững trước sự bất lực của cả thầy và trò. Nhiều người đã bật khóc khi trở lại trường và chứng kiến cảnh mưa ngập lịch sử cao nhất suốt hơn 40 năm qua.

Do mưa kéo dài, lượng mưa lớn, lũ kéo về bất ngờ, đỉnh lũ ngày ngày 24/8, thời điểm đó nước dâng ngập trường, mực nước cao khoảng 3m nên không thể lội vào kiểm tra. Thầy hiệu trưởng Hoàng Văn Việt do quá sốt ruột nên quyết định bơi vào trường để kiểm tra, xem xét tình hình các vật dụng, trang thiết bị, và gạo bán trú của các em học sinh đã tạo cơn sốt cộng đồng mạng, không khỏi xúc động …. Tại thời điểm này, không chỉ thầy Việt mà tất cả các thầy cô giáo khác vô cùng lo lắng vì nhiều ngày nước không rút, mọi người đều nỗ lực, chung tay cùng nhau trực trường mùa mưa lũ.

cly-23-10-.jpg
Thầy cô nỗ lực ngày đêm dọn dẹp, tẩy rửa khi nước lũ vừa rút để chuẩn bị cho năm học mới
cly-23-6-.jpg
Người dân vùng lũ mong ngóng từng ngày trở lại ngôi nhà của mình

Chia sẻ với Báo Công lý sáng 29/9 trong chuyến công tác cứu trợ, thầy Hoàng Văn Việt cho biết: "Với những người thầy cô khi năm học mới đến là niềm vui, hạnh phúc được đón các em trở lại trường suốt những ngày hè. Hôm nay khi lũ rút rồi, bàn ghế, đồ dùng bán trú các con hư hỏng hết, tôi thật sự lo lắng. Hiểu rõ cảnh mưa lũ, khi nước dâng, tôi đã đi 40km để đến nắm tình hình trường, lớp. Thấy khuôn viên trường đã là một biển nước, tôi quyết định bơi vào kiểm tra. Thực sự lúc đó tôi quá lo lắng”.

Hình ảnh người thầy nước da ngăm đen, thân hình nhỏ, hơn ba mươi năm gắn bó với giáo dục, thầy là người thấu hiểu hơn ai hết những khó khăn, thiếu thốn của học sinh vùng cao, thầy cô bám bản. Hình ảnh người thầy bâng khuâng đứng giữa sân trường khi lũ rút, tần ngần những đồ dùng học tập bị hư hỏng khi năm học mới đang đến gần, không khỏi xót xa.

Có ai đã từng chạm đến vùng nhớ, những ký ức thầy cô bám bản mới thấu hiểu hết “gieo chữ nơi miền biên cương, nơi núi cao, vực sâu vô cùng khó khăn vất vả, sự cực nhọc ấy khi mùa mưa lũ kéo về, hay những cái giá rét của mùa đông nơi miền sơn cước mới thấu hiểu được tình yêu nghề, sự nỗ lực thầy cô, cùng chính quyền địa phương.

cly-cb-4-.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng thăm động viên thầy cô Trường Mầm non, Tiểu học Quang Vinh

Bên cạnh Trường Tiểu học Quang Vinh bị ngập lụt, trên địa bàn còn nhiều cơ sở khác gặp tình trạng tương tự như trường Mầm non Quang Vinh, trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Quang Vinh. Theo thống kê toàn bộ cơ sở vật chất nhà trường bị ngập sâu trong nước. Tại trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Quang Vinh, các thầy cô đã kịp chuyển bàn ghế, các thiết bị điện tử và tài sản có giá trị lên tầng 2 của nhà hiệu bộ và tầng 2 dãy phòng học.

Tuy chưa thể liệt kê các thiệt hại do nước vẫn ngập cao nhưng theo tính toán sơ bộ thì nhiều thiết bị dạy học, đồ dùng đồ chơi trẻ em, thiết bị phục vụ bán trú có thể hư hại.

Hôm nay, khi chúng tôi đến cùng đoàn công tác tận mắt chứng kiến, những trang vở còn viết dở, tập sách thu vén vội hãy còn lem nước, đồ dùng các em lộn xộn, những bao gạo thầy cô nỗ lực chạy lũ ngấm nước.

Lũ rút đến đâu dọn dẹp theo đó

Toàn ngành giáo dục Cao Bằng đã huy động các nguồn lực để hỗ trợ các trường học bị ngập úng, dọn dẹp vệ sinh, trang trí lại trường lớp học để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới. Tại các xã vùng lũ đi qua, thầy cô cùng chính quyền địa phương đều thể hiện quyết tâm sẽ tiến hành khai giảng đúng theo kế hoạch. Với tinh thần, nước lũ rút đến đâu, dọn trường theo đó.

Ngày 29/9, khi một số trường tiểu học, mầm non xã Quang Vinh nước lũ đã rút, thầy cô cùng chính quyền, nhân dân tạm gác lại nhà cửa, quyết tâm bằng mọi giá dọn dẹp thật nhanh, tận dụng những đồ dùng còn lại ngâm, tẩy tận dụng trang trí lại lớp học để đón học sinh trở lại trường. Tại ngôi trường tiểu học, mầm non Quang Vinh, không khí bùn đất bám chặt vào tường nhà, bàn ghế, các dụng cụ đồ dùng dạy và học nên việc lau chùi, dọn trường lớp hết sức khó khăn.

cly-23-8-.jpg
Thầy cô, nhân dân, cùng lực lượng đoàn thanh niên hỗ trợ thu dọn, tận dụng trang thiết bị sau khi lũ rút quyết tâm nước lũ rút đến đâu thu dọn đến đó để đón năm học mới

Tại trường Tiểu học và mầm non Quang Vinh không khí thầy cô giáo cùng các bạn thanh niên xã chung tay, khẩn trương, mỗi người mỗi việc tích cực dọn dẹp từ trong ra ngoài. Công việc lau dọn vệ sinh, tẩy rửa, phun dịch đảm bảo an toàn, sạch sẽ cho các con.

Vì ở những bản làng vùng xâu, vùng xa các thầy cô hiểu rõ một điều. Với các học sinh nơi đây, trường không chỉ là nơi để học kiến thức. Mà nơi đây còn cho các con sự hy vọng để đến những vùng đất mới. Để xoá đói, giảm nghèo và cùng nhau xây dựng địa phương. Dù nước lũ có thể cuốn đi tất cả, nhưng không thể cuốn đi được ý chí học tập, tinh thần vượt khó của các em học sinh. Những quyển sách có thể bị mất, nhưng tri thức đã in sâu vào tâm trí các em sẽ mãi mãi còn đó.

z5783700532699_495db7e74966b5ef4a6a453d9d5be6df.jpg
Tại trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Quang Vinh, nước hiện đã rút nhưng vẫn ở mức cao hình được ghi nhận hôm 29/9
cly-23-4-.jpg
Những tập sách giáo khoa còn sót lại khi nước lũ kéo về
z5783700484876_b3a009e82bb86b442a5ada8c448d126c.jpg
Những đứa trẻ ngóng được trở về nhà và chờ đón năm học mới

Có lẽ tài sản quan trọng với các trường nội trú chính là những bộ sách giáo khoa. Những trang sách lật qua biết bao người đã nhàu nát, nhưng vẫn được giữ gìn cẩn thận. Những dòng ghi nhớ cứ thế mà truyền tay thì thế hệ này sang thế hệ khác. Dòng nước vô tình kéo về tuy đã làm ngập con đường đến trường, làm hỏng, nát sách vở. Nhưng tất cả chỉ là những khó khăn trước mắt. Nó không những làm thầy trò nơi đây chùn bước. Ngược lại còn là động lực để mọi người kiên cường hơn chinh phục tri thức và cuộc sống.

Bởi những đêm dài thức khuya canh cánh bên những trang giáo án của người thầy, những nét chữ nắn nón đàu tiên của cô, rồi những bữa cơm bán trú thơm ngọt của thầy cô giúp các em bất chấp những ngày nắng cháy, mồ hôi thấm đẫm trên trang sách, hay những cái rét như cắt thịt tất cả bỗng chốc bị cuốn đi, tan biến như chưa từng tồn tại. Khi mà sự nỗ lực thầy cô, cộng đồng xã hội, mạnh thường quân, chính quyền địa phương cùng chung tay cho một mùa tựu trường ấm áp, vui tươi đang đến gần.

z5783700587784_c5d1ac16c5212a2d9cfd495f58312325.jpg
Các cụ cao niên xã Quang Vinh chia sẻ đây trận lũ lịch sử to nhất kể từ năm 1973 đến nay, hình ảnh các cụ già không khỏi ám ảnh những ngày mưa lũ, và nuối tiếc tài sản tích góp
cly-23-9-.jpg
Những đứa trẻ vùng lù nơi miền sơn cước

Bởi “gieo” những con chữ, cho các em học “chữ” suy cho cùng, cũng là học làm người. Nét chữ phải thẳng, đều, con số phải rõ nét. Và thầy cô ở trường em không quan tâm đến chuyện sách giáo khoa cải cách ra sao, đánh vần khác trước thế nào như mọi người đang tranh cãi - họ chỉ mong ngày hôm sau lớp vẫn đông đủ, không thiếu một học sinh nào.

Chia tay bà con vùng lũ, những cánh đồng rong giềng xanh biếc, những bông hoa đỏ tươi trước bóng chiều ghé đến. Một miền quê thanh bình, xanh ngát, núi non hùng vĩ, bà con chân chất, thật thà chào chúng tôi nụ cười thân thiện, cái nắm tay cảm ơn khi những tấn gạo của Báo Công lý và nhà tài trợ hỗ trợ cho học sinh bán trú cho ngày khai trường đang đến gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người lái đò vượt bão dông (Bài 1): Giữ vững bảng đen trong dòng nước lũ