Chính trị

Giáo dục liêm chính phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Duy Tuấn 20/08/2024 - 21:30

Theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, cần có giải pháp tăng cường công tác giáo dục liêm chính, trước hết là đối với cán bộ, đảng viên, những người đang nắm giữ quyền lực do nhân dân giao phó để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ gốc.

Ngày 20/8, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức Hội thảo khoa học “Công tác giáo dục liêm chính để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực trạng và giải pháp” thuộc Đề án trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục liêm chính.

lc1.jpeg
Toàn cảnh hội thảo.

Các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án; Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì Hội thảo.

Bốn phương châm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Tại Hội thảo, các đại biểu trao đổi, thảo luận, đồng thời kiến nghị các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa công tác giáo dục liêm chính thời gian tới, như: Tăng cường, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục liêm chính trong chương trình đào tạo cho học sinh, sinh viên hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước liêm chính; giải pháp tăng cường công tác giáo dục liêm chính cho cán bộ, chiến sĩ Công an qua đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; liêm chính trong xây dựng nền tư pháp phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; liêm chính trong đạo đức công vụ; liêm chính trong hoạt động kinh doanh; giáo dục liêm chính cho cán bộ, đảng viên, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước; vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng trong công tác giáo dục liêm chính cho cán bộ, đảng viên để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC); xây dựng đạo đức liêm chính, văn hóa liêm chính trong cơ chế kinh tế, thị trường…

lc3.jpeg
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án.

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phan Đình Trạc khẳng định, cuộc đấu tranh PCTNTC thời gian qua được lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị rất cao, tiến hành ráo riết, quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu.

Đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, “đã trở thành phong trào, thành xu thế”, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, chia sẻ kinh nghiệm.

Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án xác định rõ, thực hiện nhất quán phương châm “bốn không” trong PCTNTC “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực:

Hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực (nhốt quyền lực vào trong lồng thể chế);

Phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh, công bằng, công khai các hành vi tham nhũng tiêu cực để không dám tham nhũng tiêu cực;

Giáo dục đạo đức, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trở thành nếp sống văn hóa của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và trong các tầng lớp nhân dân đề không muốn tham nhũng, tiêu cực;

Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trung thực, công tâm, liêm khiết, tận tụy; được trả lương và đãi ngộ phù hợp với cống hiến, tài năng để không cần tham nhũng, tiêu cực.

Xây dựng nhà nước, xã hội, quốc gia liêm chính

Cũng theo Trưởng ban Nội chính Trung ương, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế, khoáng sản... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

lc2.jpeg
Các đồng chí chủ trì Hội thảo

“Có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hóa, biến chất với doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi, gây thất thoát tài sản nhà nước, hình thành các “nhóm lợi ích”, thậm chí còn chi phối công tác cán bộ và hoạt động của cơ quan nhà nước, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Do đó, cần phải nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để có giải pháp tăng cường công tác giáo dục liêm chính, trước hết là đối với cán bộ, đảng viên, những người đang nắm giữ quyền lực do nhân dân giao phó để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ gốc, từ sớm, từ xa, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, liêm khiết, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”- Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh.

Cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh, Văn kiện của Đảng, quy định của pháp luật, nội hàm liêm chính, ý nghĩa, tầm quan trọng của đạo đức liêm chính, văn hóa liêm chính đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, PCTNTC đã được thể hiện khá rõ nét.

Nhìn ra thế giới, giáo dục, thực hành liêm chính cũng được nhiều nước quan tâm, Liên hiệp quốc và một số tổ chức quốc tế cũng khuyến cáo các quốc gia thành viên thực hành liêm chính để phòng, chống tham nhũng và quản trị nhà nước tốt.

“Vấn đề đặt ra hiện nay, là cần phải làm gì, làm như thế nào, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị đến đâu để đưa những chủ trương, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, để xây dựng được một nhà nước liêm chính, một xã hội liêm chính, một quốc gia liêm chính, của dân, do dân và vì dân. Đây chính là mục tiêu của Đề án Bộ Chính trị giao và cũng là mục đích của cuộc Hội thảo hôm nay”- Trưởng Ban Nội chính nêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục liêm chính phòng, chống tham nhũng, tiêu cực