Cải cách tư pháp

Bài 3: Xây dựng Tòa án liêm chính phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân

Mai Thoa - Nguyên Thảo - Mai Đỉnh 25/10/2023 08:42

Xây dựng Tòa án Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

cover-loat-bai-xay-dung-nha-nuoc-pq-b3.jpg
bai3.png

Xây dựng Tòa án Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã có những chia sẻ về công tác này và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm của Tòa án trong thời gian tới.

titphubai3-1.png

PV: Thưa ông, sau gần 20 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, hệ thống tư pháp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, vậy thời gian tới định hướng cải cách tư pháp tại Tòa án sẽ thực hiện ra sao?

PGS.TS Nguyễn Hòa Bình: Sau gần 20 năm thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo các nghị quyết của Đảng, hệ thống tư pháp đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao vị thế, diện mạo, uy tín và kết quả hoạt động của cơ quan tư pháp. Tòa án được khẳng định là “Cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp” tại Điều 102 Hiến pháp năm 2013; pháp luật về tư pháp từng bước được hoàn thiện theo hướng tăng cường tranh tụng trong xét xử, tăng tính dân chủ, minh bạch, hiệu quả và bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia tố tụng…

Tuy vậy, nền tư pháp nước nhà vẫn cần phải tiếp tục đổi mới để đáp ứng yêu cầu của tình hình khi dân số gia tăng, quy mô nền kinh tế lớn hơn; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khoa học công nghệ phát triển không ngừng, tình hình tội phạm phức tạp, các tranh chấp xã hội nhiều hơn, đòi hỏi của nhân dân đối với chất lượng hoạt động tư pháp ngày càng cao.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định rõ: “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”. Do vậy, cải cách tư pháp trong thời gian tới phải gắn với hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và phải xây dựng được hệ thống Tòa án nhân dân độc lập, chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, văn minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; để Nhân dân cảm thụ công bằng, lẽ phải qua mỗi phán quyết tư pháp; tăng cường tính nhân dân trong hoạt động tư pháp.

titphubai3-2.png

PV: Để thực hiện được mục tiêu Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và cải cách tư pháp, TAND cần tập trung chủ yếu vào những nhiệm vụ trọng tâm lớn nào, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Hòa Bình: Có 4 nội dung chính mà ngành Tòa án cần phải thực hiện trong thời gian tới, đó là:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng xét xử, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Cùng với yêu cầu làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án trong bối cảnh dự báo số lượng các loại vụ việc phải thụ lý, giải quyết tiếp tục có xu hướng gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp, các Tòa án sẽ đẩy mạnh triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội về cải cách tư pháp; Tòa án nhân dân tối cao cũng đã ban hành Chỉ thị chỉ đạo Tòa án các cấp phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội cũng như của Tòa án nhân dân.

Thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ việc thuộc thẩm quyền. Trong công tác xét xử các vụ án hình sự, bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm... Các vụ án dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại,... đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng thời hạn luật định.

anh-bai1-5.png

Thứ hai, đẩy mạnh các nhiệm vụ cải cách tư pháp của Tòa án: Đổi mới tổ chức và hoạt động; triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Cụ thể hóa và triển khai trong thực tiễn các Đề án về cải cách tư pháp đã được phê duyệt. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các đề án về cải cách tư pháp như: “Đề án Hoàn thiện cơ chế quản trị Tòa án, bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử và độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm khi xét xử”; “Đề án Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực của cơ quan thực hiện quyền tư pháp đối với các cơ quan thực hiện quyền hành pháp, quyền lập pháp”; “Đề án Nâng cao hiệu quả áp dụng thủ tục tư pháp rút gọn; kết hợp các phương thức phi tố tụng tư pháp với các phương thức tố tụng tư pháp”; “Đề án Cải cách thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”;...

Đề xuất Quốc hội xây dựng và ban hành các dự án luật, pháp lệnh quan trọng như: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật Hội thẩm nhân dân; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Pháp lệnh về chi phí tố tụng;... tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để nâng cao chất lượng xét xử và hiệu quả hoạt động, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ theo yêu cầu của Đảng, Quốc hội.

Cùng với đó là đổi mới cơ chế nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử; Xây dựng Tòa án điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xét xử. Đẩy mạnh tích hợp, chia sẻ các dịch vụ công trực tuyến của Tòa án nhân dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Xây dựng và vận hành hiệu quả Tòa án điện tử, Hệ thống quản lý Tòa án, Trợ lý ảo, hệ thống giám sát và điều hành theo đúng kế hoạch, tiến độ đã đề ra. Triển khai thực hiện hiệu quả Hệ thống quản lý án tổng hợp do Tòa án tối cao Hàn Quốc hỗ trợ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số Tòa án cũng như đẩy nhanh tiến trình xây dựng Tòa án điện tử.

Thứ ba, tăng cường xây dựng thể chế với các nội dung cụ thể trong xây dựng pháp luật, phát triển án lệ và nâng cao chất lượng Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các hướng dẫn nghiệp vụ.

Thứ tư, xây dựng Đảng, xây dựng Tòa án nhân dân trong sạch vững mạnh. Chăm lo công tác xây dựng Đảng, gắn với xây dựng Tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh; Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng phục vụ yêu cầu cải cách tư pháp và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án; Từng bước trang bị, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện làm việc và sử dụng hiệu quả kinh phí; Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn hệ thống; Tăng cường kỷ luật; Tổ chức tốt các giải pháp thi đua yêu nước vì Công lý.

titphubai3-3.png

PV: Để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, một trong những nội dung quan trọng mà ông vừa đề cập đến là “Xây dựng cơ quan tư pháp vì Nhân dân, phục vụ Nhân dân, để Nhân dân cảm thụ công bằng, lẽ phải, tin tưởng vào hoạt động của cơ quan tư pháp”. Vậy cụ thể kế hoạch này thực hiện ra sao, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Hòa Bình: Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Căn cứ quy định của Hiến pháp năm 2013 và để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, cần tiếp tục đổi mới hệ thống Tòa án nhân dân nhằm hoàn thành tốt sứ mệnh được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao cho; khẳng định được vị thế, vai trò và tầm quan trọng của Tòa án với tư cách là một trong những cơ quan quyền lực nhà nước và là cơ quan thực hiện quyền tư pháp.

trichdanbai3-1.png

Tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân; bảo vệ cuộc sống thanh bình của Nhân dân, nâng cao niềm tin của người dân vào một nền tư pháp dân chủ, công bằng, nghiêm minh; Phải bảo đảm mỗi phán quyết của Tòa án trở thành án văn mẫu mực, thể hiện tập trung, rõ nét nhất về quyền tư pháp; là chuẩn mực pháp lý, có tác dụng giáo dục pháp luật, định hướng hành vi của người dân và xã hội.

Nước ta đã trải qua lộ trình cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị từ năm 2005 đến nay, và hiện nay là Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Ban Chấp hành Trung ương. Chiến lược xây dựng và đổi mới Nhà nước pháp quyền từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân (Chuyên đề số 21) do Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao đề nghị xây dựng sẽ là một phần trong chiến lược trên.

Trong những năm qua, Ban cán sự đảng và Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao đã lãnh đạo, chỉ đạo các Tòa án đổi mới phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, đẩy mạnh và tăng cường tranh tụng, thực hiện nghiêm nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan nhằm đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức áp dụng pháp luật; khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, áp dụng hình phạt nghiêm khắc với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước; khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, áp dụng hình phạt nghiêm khắc với người chủ mưu, cầm đầu trong vụ án hình sự nói chung và vụ án về lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước nói riêng.

PGS.TS Nguyễn Hòa Bình

Chúng ta đều biết rằng công lý không thể bị trì hoãn vì bất kỳ lý do gì, bởi việc chậm mang lại công lý cho người dân cũng đồng nghĩa với niềm tin vào Tòa án bị xói mòn. Do đó, pháp luật tố tụng của Việt Nam cũng quy định rõ ràng thời hạn tố tụng của từng thủ tục, từng hoạt động trong quá trình giải quyết vụ án nhằm ràng buộc Tòa án và các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ việc nhanh chóng. Hoạt động tố tụng tư pháp phải tuân thủ nghiêm ngặt thời hạn do luật định đó để bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, để Nhân dân thụ hưởng được công bằng, lẽ phải một cách nhanh chóng nhất.

Bên cạnh đó, pháp luật phải đề cao quyền tự quyết của các bên trong giải quyết các vụ án dân sự và hành chính; tăng cường hòa giải, đối thoại để giải quyết các xung đột xã hội một cách thân thiện nhằm giữ gìn hòa thuận, đoàn kết trong Nhân dân. Điều này không chỉ giúp giải quyết nhanh các vụ việc, đạt được đồng thuận giữa các bên tranh chấp, tránh các thủ tục tố tụng kéo dài, gây tốn kém các nguồn lực của xã hội, mà còn bảo đảm việc thi hành kết quả hòa giải, đối thoại đó được thuận lợi và thực chất hơn vì đó là xuất phát từ sự tự nguyện của các bên. Cho đến nay, cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã cho thấy những kết quả đáng khích lệ và đáp ứng được mong mỏi của người dân về một cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh chóng, ít tốn kém cho người dân và Nhà nước.

Trong điều kiện phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào mọi mặt đời sống xã hội, thì việc đưa các ứng dụng này vào thực hiện một số hoạt động tố tụng điện tử như: nhận đơn; tống đạt giấy tờ, tài liệu; thông báo kết quả giải quyết đơn; kiểm tra chứng cứ; xét xử trực tuyến; xây dựng hồ sơ tố tụng điện tử... là một yêu cầu cấp thiết nhằm tạo thuận lợi cho Nhân dân trong quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, giúp Tòa án phục vụ người dân tốt hơn ở mọi lúc, mọi nơi.

Các hoạt động tư pháp cũng được công khai hơn nữa để Nhân dân tiếp cận đầy đủ và nhanh chóng, tạo điều kiện cho họ thực hiện quyền, nghĩa vụ trong tố tụng. Theo đó, bên cạnh việc công khai bản án, quyết định, Tòa án cần tiếp tục công khai kế hoạch đưa vụ án ra xét xử, tiến độ giải quyết vụ án, các văn bản tố tụng, các thủ tục tố tụng, quá trình xét xử, quá trình thi hành án, quá trình giảm án… trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

Cần đẩy mạnh xây dựng và tích hợp các dịch vụ tư pháp công trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Cổng thông tin điện tử Tòa án để phục vụ Nhân dân tiếp cận Tòa án nhanh chóng hơn; tạo thuận lợi và tiết kiệm công sức, thời gian, kinh phí của Nhân dân. Trong đó, tập trung nghiên cứu và hình thành cơ chế xử lý một cửa khi giải quyết các dịch vụ pháp lý cho Nhân dân; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ để giúp người dân thực hiện tốt việc đoán định tư pháp, hỗ trợ người dân đưa ra các quyết định của mình.

PV: Vậy cơ chế Nhân dân tham gia xét xử có vai trò thế nào trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, thưa Chánh án?

PGS.TS Nguyễn Hòa Bình: Nhân dân tham gia vào hoạt động của nhà nước nói chung, hoạt động tư pháp nói riêng là đặc tính của các nhà nước dân chủ, tiến bộ. Ở nước ta, tư tưởng xây dựng một nền tư pháp “lấy dân làm gốc” đã được bản Hiến pháp đầu tiên (năm 1946) khẳng định: “Trong khi xử việc hình thì phải có phụ thẩm nhân dân để hoặc tham gia ý kiến nếu là việc tiểu hình, hoặc cùng quyết định với Thẩm phán nếu là việc đại hình”.

Tư tưởng này tiếp tục được phát triển và ghi nhận trong các bản Hiến pháp sau đó bằng nguyên tắc “xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia” và coi đó như một phương thức để Nhân dân trực tiếp tham gia và giám sát hoạt động xét xử của Tòa án; đồng thời thể hiện rõ nét bản chất của Nhà nước ta là: “Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”.

Nếu như coi nguyên tắc “Tòa án nhân dân xét xử công khai” là cơ chế bảo đảm sự kiểm soát từ bên ngoài của Nhân dân đối với hoạt động xét xử của Tòa án, thì nguyên tắc “xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia” là cơ chế bảo đảm cho Nhân dân trực tiếp tham gia vào các hoạt động tư pháp, kiểm tra từ bên trong đối với hoạt động này.

Trải qua thực tiễn hoạt động, Hội thẩm nhân dân đã góp phần quan trọng hỗ trợ Thẩm phán làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, đưa ra các phán quyết “thấu tình, đạt lý”, phản ánh ý chí của Nhân dân, giám sát từ bên trong quá trình xét xử. Tuy nhiên, Hội thẩm nhân dân phần lớn là những người không được đào tạo chuyên về luật nhưng lại chiếm đa số trong thành phần Hội đồng xét xử và ngang quyền với Thẩm phán; vừa có nhiệm vụ xác định sự thật vụ án, vừa có nhiệm vụ áp dụng pháp luật nên trở thành “gánh nặng” vượt quá năng lực cá nhân của Hội thẩm. Vì vậy, quan điểm của Hội thẩm thường phụ thuộc vào Thẩm phán trong Hội đồng xét xử.

Để tăng cường hơn nữa sự tham gia thực chất, có chất lượng, hiệu quả của Nhân dân vào hoạt động xét xử của Tòa án và khắc phục những khiếm khuyết của chế định Hội thẩm hiện hành, trên cơ sở tổng kết thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, cần thiết phải tiếp tục đổi mới chế định Hội thẩm theo hướng:

Xây dựng một đạo luật độc lập về Hội thẩm nhằm khắc phục tình trạng phân tán của các quy định về Hội thẩm hiện nay trong nhiều văn bản pháp luật với hiệu lực pháp lý khác nhau;

Đổi mới chức năng, nhiệm vụ của Hội thẩm trong Hội đồng xét xử, chỉ để Hội thẩm tham gia xác định sự thật vụ án, không tham gia vào việc áp dụng pháp luật nhằm giảm bớt gánh nặng về yêu cầu chuyên sâu về hiểu biết pháp luật đối với các Hội thẩm nhân dân; Đổi mới về tiêu chuẩn Hội thẩm; Mở rộng cơ cấu thành phần, đối tượng tham gia làm Hội thẩm theo hướng lựa chọn những công dân đáp ứng đủ tiêu chuẩn làm Hội thẩm, không phân biệt thành phần, tầng lớp xã hội nhằm bảo đảm Hội thẩm thực sự là người đại diện cho Nhân dân; Hoàn thiện các quy định về nhiệm kỳ;..

xet-xu3.jpg

Có thể thấy rằng, đẩy mạnh cải cách tư pháp nhằm hình thành nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.

Đây cũng là mục tiêu mà Tòa án hướng tới trong thời gian tới đây theo tinh thần mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã đề ra.

Trân trọng cảm ơn ông!

(Bài cuối)

Tuyến bài: Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và xây dựng Toà án liêm chính, phục vụ Nhân dân
* Bài 1: Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới
* Bài 2: Tòa án thực hiện nguyên tắc xét xử độc lập, không bị ràng buộc bởi những trách nhiệm ngoài xét xử

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Xây dựng Tòa án liêm chính phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân