Những người ghi tên mình vào huyền thoại

Thụy Anh| 29/04/2019 09:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Để có ngày “Đất nước trọn niềm vui”, non sông nối liền một dải, những chiến sĩ “Đoàn tàu không số” với đường mòn Hồ Chí Minh trên biển đã lập nên bao chiến công hiển hách, trở thành huyền thoại trong trang sử vàng chói lọi của dân tộc.

Những chuyến đi không hẹn ngày về

Một ngày đầu tháng 4 lịch sử, chúng tôi có dịp về quê lúa Thái Bình tìm gặp lại những chiến sĩ “Đoàn tàu không số” năm nào. Lật giở từng tấm ảnh, trang ký ức hào hùng của một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” như đang ùa về trong tâm trí của những người cựu binh năm nào.

Ngày đó, cựu chiến binh Phạm Văn Bát (người con quê Đông Hưng, Thái Bình) được giao nhiệm vụ trên con tàu 68, là con tàu sắt đầu tiên do Việt Nam đóng làm nhiệm vụ chở hàng chi viện cho miền Nam.

Tháng 1/1965, trong cái se se lạnh của miền Bắc, tàu 68 được lệnh ra khơi. Lúc này Thượng úy Nguyễn Ngọc Ẩn được nhận nhiệm vụ thuyền trưởng, Thiếu úy Phạm Văn Bát làm chính trị viên. Tàu được giao nhiệm vụ chở hàng vào Trà Vinh, trên tàu lúc này lại có một đoàn cán bộ gồm cán bộ chính trị, bác sĩ và một sĩ quan pháo binh đi cùng.

Khi đã “bắt” được điểm Côn Đảo, bất ngờ tàu nhận được tín hiệu “bến động” và gặp phải sự  bao vây của khu trục và tuần dương hạm của địch. Ban chỉ huy họp nhanh quyết định cho tàu ra khơi, không vào bến đỗ như ban đầu, nhưng hướng khác cũng bị chặn, rồi hướng khác nữa… cũng không thoát khỏi những ánh đèn pha chói thẳng như muốn “khoét” vào thân tàu dò xét. “Tàu đã lọt vào vòng vây của chúng” - thuyền trưởng Ẩn nói. “Ta phải hết sức bình tĩnh” - chính trị viên Phạm Văn Bát nhắc nhở.

Những người ghi tên mình vào huyền thoại

Ông Phạm Văn Bát (bên phải) và ông Hồ Nghĩa Thắng

Lúc này máy bay địch bay tới gần như muốn “lật tung” cả mặt biển đang dậy sóng. Cán bộ đi cùng trên tàu đứng vững vị trí mặc máy bay địch đang vần vũ. Từng ánh đèn pha của địch như muốn xuyên thấu màn đêm, mặt biển đang yên ả bỗng chốc chồm lên những cơn sóng dữ dội.

Không một phút chần chừ, chính trị viên Phạm Văn Bát và thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Ẩn động viên đoàn cán bộ chiến sĩ yên tâm chờ anh em xử lý và nói như dứt khoát với người báo vụ một:  Không được trả lời! Nếu trả lời thì nó sẽ truy tận gốc, trốc tận rễ. Mặc cho chúng tiếp tục bắn uy hiếp và đánh tín hiệu hỏi tàu ta mang quốc tịch nước nào? Chở hàng gì? Bắt ta phải dừng máy để chúng sang kiểm tra...

Với phương châm còn đánh lừa được địch thì còn thi gan, đấu trí, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc. Nhưng nhiệm vụ chưa hoàn thành, hy sinh lúc này là uổng phí. Đồng bào, chiến sĩ miền Nam đang từng ngày trông ngóng những chuyến hàng… Hơn nữa, nói đến hy sinh sẽ khiến chiến sĩ hoang mang ảnh hưởng đến sức chiến đấu. Người chính trị viên ấy đã lặng lẽ cất giữ bí mật vào những cái túi nilon (“quan tài” lính tàu không số) vì đã xuống tàu là xác định không có ngày về. Sau đó, ông cùng người thuyền trưởng quyết định cho tàu tăng tốc chạy ra hải phận quốc tế.

Trời càng sáng dần, tàu địch lúc này cũng bớt hung hăng. Theo sự chỉ đạo, cấp ủy lãnh đạo tàu ngay lập tức cho anh em mau chóng kéo những tấm lưới đánh cá phủ lên các khẩu pháo, các hầm hàng. Đồng thời thuỷ thủ lấy những con cá gỗ ra móc lên các mảng lưới để đánh lừa địch. Tuần dương hạm và máy bay Mỹ tuy thế nhưng vẫn... không chịu buông tha. Mặc cho chúng theo bám, con tàu 68 vẫn rẽ sóng chạy ra khơi. “Quần nhau” suốt một đêm dường như địch bị khuất phục trước ý chí gan dạ, kiên cường của chiến sĩ trên tàu 68. Chúng đành phải bỏ mặc con tàu đang chạy băng băng vào căn cứ tại Bến Tre trong ánh mắt tiếc nuối.

Những người ghi tên mình vào huyền thoại

Hình ảnh “Tàu không số” do Hải quân Mỹ chụp ban đêm (ảnh do ông Hồ Nghĩa Thắng cung cấp)

 Đầu năm 1966, con tàu 68 lần thứ hai nhận nhiệm vụ chở hàng hóa và vũ khí vào tận Cà Mau. Trong suốt chặng đường tàu đều an toàn nhưng bất ngờ khi trả hàng quay ra thì gặp khu trục và hạm đội của địch, buộc phải quay trở lại. Nhận biết được tình hình, cán bộ chiến sĩ trên tàu đều chọn phương án im lặng mặc cho những ánh đèn pin dò xét của quân địch cứ liên tiếp chĩa thẳng vào mặt tàu. Chiến sĩ trên tàu ai cũng sẵn sàng nổ súng chống trả, nếu không sẽ khai hỏa 1 tấn thuốc nổ nằm dưới khoang tàu. Một ngày, rồi hai ngày, tới ngày thứ ba chúng không còn đủ lòng kiên nhẫn nên đã phải rút lui.

Trong ba ngày, tàu 68 đã vượt qua hai lần khu trục của địch và phải nằm lại nơi đất mũi Cà Mau 45 ngày ăn Tết. Tính từ ngày “bén duyên” vào “Đoàn tàu không số”, Thiếu tá, chính trị viên Phạm Văn Bát đã đi được 11 chuyến tàu trên hành trình của đoàn tàu huyền thoại.

Máu và hoa

Cùng xen lẫn với câu chuyện của ông Phạm Văn Bát, chúng tôi còn được tìm hiểu thêm những kỷ niệm về chuyến ra khơi đầy hào hùng của ông Hồ Quyết Thắng (Hồ Nghĩa Thắng) nguyên báo vụ 2 tàu 610 của đoàn tàu huyền thoại.

Vào bộ đội từ hồi rất trẻ, khi mới 18 tuổi, chàng trai xứ Nghệ được coi là người thuộc thế hệ sau, kế tiếp những chiến công vang dội của lớp chiến sĩ đi trước như ông Bát. Chuyến đầu tiên ông Thắng tham gia vào tháng 10/1970 với nhiệm vụ tàu trinh sát, thăm dò tình hình địch. Thời điểm này, những con tàu của chúng ta không còn là tàu thô sơ trọng tải 60-100 tấn mà đã được tăng từ 100 - 200 tấn. Trang thiết bị trên tàu cũng được hiện đại hóa nhằm đảm bảo chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam.

Tháng 10/1971, Bộ Quốc phòng ra chỉ thị tranh thủ đẩy nhanh tiến độ chi viện cho miền Nam, sức người, sức của. Những “Đoàn tàu không số” lại vươn mình rẽ sóng ra khơi. Người chiến sĩ Hồ Quyết Thắng trên con tàu Nhật Lệ 610 nhận nhiệm vụ chở hàng vào Cà Mau. Trên tàu có 27 chiến sĩ, 3 tàu lập thành một biên đội ra đi với phương châm nếu tàu nào không vào được thì nhận nhiệm vụ nghi binh cho hai tàu còn lại. Hai tàu với trọng tải 200 tấn và một tàu 100 tấn xuất phát từ Hải Phòng ra Hạ Long sơn ngụy trang thành tàu chở hàng bình thường.

Những người ghi tên mình vào huyền thoại

Vận chuyển hàng hóa xuống tàu chuẩn bị ra khơi (ảnh tư liệu Đoàn 125)

Trên đường vận chuyển, biên đội 3 tàu bị hai khu trục và hai máy bay địch bám theo và phục kích. Tình thế nguy cấp buộc tàu 610 phải làm nhiệm vụ “quân xanh” cho hai tàu còn lại thoát hiểm tiếp tục hành trình. Khi tuần dương  hạm của Mỹ căng cờ báo hiệu dừng lại, thủy thủ và chiến sĩ trên tàu 610 đã cho kéo cờ ngụy trang tàu Trung Quốc chuyên chở hàng ngũ cốc từ Hồng Kông sang. Liên tục như thế suốt 11 ngày đêm, tàu 610 vẫn kiên cường đáp trả sự đeo bám của tàu địch. Khi về tới Hạ Long, con tàu còn vấp phải sự chống trả ác liệt của máy bay Mỹ. Cuối cùng, Ban chỉ huy tàu quyết định không cập bến theo dự định mà cho tàu chuyển hướng quay trở ra khơi, xuôi theo hướng đảo Hải Nam, tìm cách liên lạc với cơ sở gần bờ. 

Từ những cuộc hành trình của “Đoàn tàu không số” đầy ác liệt ấy, tưởng chừng như chỉ có cái chết, sự hủy diệt hiện hình. Nhưng chính trong những năm tháng đầy gian khổ hy sinh đó, hạnh phúc lại được nảy mầm. Những cánh sóng cuộn trào vì bom Mỹ thả xuống thân tàu không dập được những “con sóng yêu thương” của tình yêu đôi lứa.

Đó cũng chính là câu chuyện tình đầy ắp kỷ niệm của đôi vợ chồng cùng tham gia chiến đấu trên hành trình huyền thoại, chiến sĩ Hồ Quyết Thắng với nữ y tá Nguyễn Thị Nhung. Họ gặp nhau nơi chiến tuyến ác liệt, trong một lần thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ, tình cờ họ gặp nhau và cũng từ đó tình yêu đôi lứa cứ lớn dần lên. Chiến sĩ Thắng lại tiếp tục vươn khơi với những chuyến hàng. Còn nơi bến Nghiêng (bến K15, Đồ Sơn, Hải Phòng) nữ y tá Nhung vẫn mong mỏi từng ngày chờ hòa bình lặp lại để con tàu tình yêu được cập bến bờ hạnh phúc. Bao ngày đợi chờ, lo âu, phấp phỏng rồi cũng qua, tình yêu của họ cuối cùng cũng được đơm hoa kết trái.

Vào một buổi chiều 23/2/1975, trước sự chứng kiến và chia vui của đồng đội, họ đã thuộc về nhau trong sự hân hoan thắm tình đồng chí. Sau phút giây hạnh phúc, nơi bến Nghiêng, Hồ Nghĩa Thắng lại ra khơi cùng đồng đội chi viện cho chiến dịch Hồ Chí Minh làm nên đại thắng mùa xuân lịch sử...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người ghi tên mình vào huyền thoại