Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật bổ sung nhiều trường hợp chỉ định thầu, giảm trường hợp đấu thầu là không phù hợp, cần quy định chặt chẽ, chỉ áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách và quy định tiêu chí cụ thể, tránh lạm dụng.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Điều 23 Dự thảo luật mới theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu, cụ thể: Bỏ quy định áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu tái định cư vì đây là công việc không phức tạp và nhiều nhà thầu có thể thực hiện được. Đối với dự án quan trọng quốc gia, việc chỉ định thầu sẽ do Quốc hội quyết định khi phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án.
Đồng thời, chỉnh lý quy định về chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn theo hướng áp dụng đối với một số gói thầu có tính đặc thù, liên quan đến bản quyền tác giả hoặc phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ; chỉnh lý quy định chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để bao quát các trường hợp cấp bách, cấp cứu trong lĩnh vực y tế;..
Tại dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần này cũng đã luật hóa quy định về hạn mức chỉ định thầu đã được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP; Bổ sung một số trường hợp chỉ định thầu đang được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính có đủ điều kiện để áp dụng chỉ định thầu để bảo đảm rõ ràng, minh bạch.
Liên quan đến nội dung này, đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đề nghị, dự thảo luật cần quy định rõ hơn cách thức để xác định cụ thể nội dung tại điểm i khoản 1 Điều 23 (quy định gói thầu chỉ có duy nhất một nhà thầu thực hiện được trên thị trường do yêu cầu về giải pháp công nghệ) nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cơ quan, đơn vị khi áp dụng.
Trong thực tiễn một số lĩnh vực như y tế chỉ có một nhà sản xuất thực hiện nhưng để các cơ sở y tế chứng minh mặt hàng đó là duy nhất để thực hiện chỉ định là khó thực hiện trong thực tế.
Đại biểu tỉnh Long An cho rằng, việc mở rộng thêm nhiều trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu là chưa phù hợp, vì về lâu dài sẽ không tạo ra tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu, tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ xảy ra tiêu cực.
Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ hơn các trường hợp và thẩm quyền quyết định các trường hợp chỉ định thầu theo quy định tại Điều 23 của dự thảo luật, tránh việc áp dụng tùy tiện các quy định của pháp luật.
Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, các gói thầu quy định tại điểm i khoản 1 Điều 23 dự thảo luật là những gói thầu cấp bách và cần phải thực hiện ngay, nếu được phép áp dụng chỉ định trước rồi mới hoàn thiện thủ tục trong thời hạn 15 ngày để áp dụng theo quy trình của chỉ định thầu thông thường thì sẽ khó tháo gỡ được các vấn đề vướng mắc.
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm điểm a, điểm b, điểm c là "thực hiện theo quy định chỉ định thầu rút gọn" vào điểm d, khoản 2, Điều 43.
Còn theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, để tránh lạm dụng, cần cân nhắc và quy định chi tiết tiêu chí, điều kiện áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, rà phá bom mìn, vật nổ để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng theo quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 23 dự thảo.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa đề nghị, cần bổ sung một trường hợp chỉ định thầu cụ thể như sau: Gói thầu tư vấn giải quyết tranh chấp tại trọng tài và Tòa án mà cơ quan tổ chức đấu thầu là bị đơn và cần có người bảo vệ ngay theo trình tự tố tụng giải quyết tranh chấp, bởi giải quyết tranh chấp là công việc đặc thù, mang tính cấp bách, cần nhanh chóng giải quyết để ngăn ngừa tổn thất cho cơ quan, tổ chức đấu thầu, tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dự án.